Chánh Thành (VNTB)
Việc lạm thu ở trường học diễn ra từ bắc chí nam.
Giáo dục tiểu học tại Việt Nam đã được miễn hoàn toàn học phí theo Luật Giáo dục 2019. Tuy miễn phí nhưng lại sinh ra nhiều khoản “tự nguyện bắt buộc” khác. Từ đó nhà trường thành trạm BOT thu phí tự nguyện, nếu không tự nguyện thì phụ huynh bị triệu tập để giải trình với nhà trường. Hiệu trưởng trở thành công an, còn học sinh là con tin, nộp tiền thì học, không nộp thì đuổi…
Những khoản thu “bắt buộc phải tự nguyện”
Năm học mới bắt đầu hơn một tháng, nhưng hàng loạt câu chuyện về các khoản phí bất hợp lý được phanh phui khiến dư luận vô cùng bức xúc và quan ngại nền giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa. Đơn cử như câu chuyện trường tiểu học Hưng Đạo (Hải Dương) bị khiếu nại khi buộc phụ huynh phải tự nguyện đóng 20 khoản thu bất hợp lý, cao hơn quy định nhà nước.
Cụ thể, trường này thu bảo hiểm y tế tới 850.000 đồng; bảo hiểm thân thể: 200.000 đồng; tiền học hè: 720.000 đồng; tiền học tiếng Anh nước ngoài: 1,4 triệu đồng/năm; tiền học kỹ năng sống: 432.000 đồng. Một số khoản thu khó hiểu như tiền “ủng hộ xã hội hoá” lên tới 450.000 đồng/năm, nhưng không rõ khoản này dùng để làm gì.
Vô lý hơn là trường này còn buộc phụ huynh phải tự nguyện nộp 480.000 đồng tiền mua máy điều hoà, 296.000 đồng tiền mua ti vi. Theo một số ý kiến thì năm nào cũng thu tiền mua điều hoà, mua tivi nhưng trường vẫn dùng hàng cũ của các khoá trước. Thậm chí nếu có lắp đồ mới thì số tiền bán được những món đồ cũ sẽ đi vào túi ai?
Bên cạnh đó, phụ huynh của mỗi học sinh bị “bắt buộc phải tự nguyện” nộp tiền mua ghế là 20.000 đồng; mạng eNetViet 90.000 đồng/năm; tiền bài tập hàng ngày là 70.000 đồng/năm; đồ dùng bán trú lên tới 200.000 đồng/khóa học. Sau khi gặp sức ép từ dư luận xã hội, nhà trường đã giảm bớt một phần tiền, nhưng vẫn bị cho là còn nhiều bất cập.
Triệu tập phụ huynh: hiệu trưởng làm công an, học sinh trở thành con tin
Việc lạm thu này không chỉ diễn ra ở một trường, mà từ bắc vào nam. Chỉ cần tìm từ khoá “trường học thu không đúng quy định”, “lạm thu trong trường học” sẽ ra hàng loạt kết quả. Và những vụ việc bị phanh phui trên báo chí chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đa số phụ huynh buộc phải chấp nhận các khoản thu vô lý này vì không muốn ảnh hưởng tới con mình.
Mới đây nhất, tại Hà Nội, một phụ huynh đã bị hiệu trưởng triệu tập và đe doạ đuổi học con của người này khi có ý kiến về việc lạm thu của nhà trường. Cụ thể, trong nhóm Zalo của lớp, vị phụ huynh này đã nhắn tin cho rằng nhà trường thu chi không trung thực, và không đồng ý đóng các khoản phí tự nguyện bắt buộc mà nhà trường yêu cầu.
Ông Đinh Quang Dũng, hiệu trưởng trường THPT Lạc Long Quân, đã bốn lần gửi giấy mời, đồng thời cử giáo viên tới nhà gặp trực tiếp để yêu cầu phụ huynh này tới trường giải thích thế nào là không trung thực. Trong thông báo có con dấu và chữ ký của hiệu trưởng Đinh Quang Dũng có ghi rõ: “Sau thời gian trên, nếu ông không lên làm việc, nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh”.
Như vậy, thay vì giải đáp thắc mắc của phụ huynh về việc thu chi, thì ông hiệu trưởng này lại bắt phụ huynh phải giải trình về nội dung các tin nhắn bức xúc. Chẳng khác nào công an buộc nghi phạm phải chứng minh hành vi phạm tội, trong khi đó là nghĩa vụ của cơ quan chức năng. Trong khi học sinh không vi phạm nội quy nhà trường, phụ huynh cũng không có sai phạm khi nói ra bức xúc, nhưng hiệu trưởng lại tự cho mình cái quyền đuổi học công dân. Đây rõ ràng là hành vi lạm quyền, vi phạm pháp luật và hiến pháp Việt Nam.
Ngoài ra còn có thông tin học sinh này bị nhà trường công kích, giáo viên đấu tố trước tập thể lớp vì chuyện phụ huynh không đóng các khoản phí vô lý. Dư luận tỏ ra lo lắng về việc trù dập và tẩy chay này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của học sinh, nhất là khi em này đang học lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và thi đại học. Việc trù dập con để gây sức ép buộc phụ huynh phải “tự nguyện nộp tiền” này chẳng khác nào biến học sinh thành con tin để nhà trường mặc sức thu tiền bất hợp pháp.
Lập ban đại diện cha mẹ học sinh để lách luật, bắt buộc phụ huynh phải tự nguyện
Pháp luật Việt Nam hiện nay có nhiều quy định cụ thể về các khoản mà nhà trường được thu và không được thu. Tuy nhiên, các trường học đã lách luật bằng cách lập ra “Ban đại diện cha mẹ học sinh” để thu giúp trường các khoản mà pháp luật không cho phép.
Theo quy định tại Điều 10 thông tư 55/2011/TT-BGDĐT Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm việc thu chi kinh phí theo nguyên tắc công khai, dân chủ và tự nguyện. Không có quy định về mức tối đa mà ban này được thu. Tức là thông qua ban đại diện học sinh, nhà trường có thể mặc sức vận động “các khoản phí hỗ trợ”, miễn là có sự tự nguyện từ phía phụ huynh.
Lợi dụng khe hở này, các trường đã bày ra nhiều “đề xuất” để yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi “tự nguyện đóng góp trên tinh thần bắt buộc”. Ví dụ các khoản sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị… Nếu phụ huynh có bức xúc, thì hoặc là họ sẽ bị triệu tập, hoặc là con cái của họ sẽ bị trù dập, đuổi học như trường hợp trên.
Tiếp tục lấy ví dụ tại trường THPT Lạc Long Quân. Trường này bị phụ huynh tố cáo về các khoản thu, chi quỹ cha mẹ học sinh bất minh với tổng số tiền hơn 227 triệu/năm. Hiệu trưởng Đinh Quang Dũng đổ thừa rằng quỹ này là do ban đại diện cha mẹ học sinh quyết và chi, nhà trường chỉ giữ giùm.
“Quỹ hội cha mẹ học sinh do nhà trường giữ, bởi ban đại diện cha mẹ học sinh nhờ giữ để đảm bảo an toàn về tài chính, tránh rủi ro”, ông Dũng nói với báo chí. Đây rõ ràng là một hình thức lách luật để che giấu các khoản thu chi bất hợp pháp của nhà trường.
Câu chuyện này không phải chỉ có ở trường THPT Lạc Long Quân. Và đây chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn đầy tiêu cực của hệ thống giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay./.
Leave a Comment