Khi bằng Kỹ sư, Bác sĩ, Cử nhân v.v… Có được từ nổ lực học tập hết sức của những sinh viên chính quy, dùi mài kinh sử mòn ghế giảng đường mới đạt được, thì những Kỹ sư, những Bác sĩ, những Cử nhân ấy v.v… Danh giá làm sao!
Nhưng khi nhà nước cào bằng các loại bằng cấp trong tất cả các loại hình đào tạo, hệ chính quy, hệ chuyên tu, hệ tại chức, hệ từ xa v.v… Đều có giá trị như nhau, thì xã hội không biết ai là chính quy, ai là chuyên tu, tại chức… để quý trọng cho đúng, khiến bằng cấp thứ thiệt bỗng dưng hoà lẫn, rớt giá ? Bởi hệ chính quy học sái cổ chưa chắc đã nhận được bằng. Các hệ khác chủ yếu là hợp thức hóa, học chừng mực nên làm gì có thực chất ? Nhà nước có thể cào bằng, nhưng xã hội thì không. Bằng cấp hệ nào ra hệ nấy.
Cũng vậy, trước đây học vị tiến sĩ và học hàm giáo sư rất hiếm, rất danh giá. Song nay nhờ các lò ấp, số lượng tiến sĩ tăng cấp số nhân, số lượng phó giáo sư, giáo sư cũng nhờ đó mà tăng mạnh, khiến người ta không biết ai là giáo sư tiến sĩ thật để quý trọng, ai là giáo sư tiến sĩ lò ấp để không phải thắc mắc khi nghe các vị ấy phát ngôn ngô nghê trên truyền thông. Và hiểu được lý do vì sao VN có giáo sư tiến sĩ nhiều đến thế mà chỉ mới làm được con ốc vít? Hiểu được vì sao, nếu có một phát minh nào đó tại VN thì thường là do thường dân phát minh chứ không phải là giáo sư tiến sĩ !
Hiểu thế để yêu cầu ngành văn hóa giảm bớt chuyện vận động công nhận di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể một cách quá dễ dãi, để bảo tồn và quý trọng di sản văn hóa đích thực, văn hóa đích đáng của dân tộc. Không phải cứ nổi hứng là tìm tòi, lục lọi… Để vận động công nhận hết cái này đến cái kia thành di sản văn hóa, hết di sản văn hóa vật thể lại đến di sản văn hóa phi vật thể… Vô hình chung làm rớt giá các di sản văn hóa đáng giá và vô giá của dân tộc Việt.
Bởi, nếu không khéo, cứ cái đà tìm tòi, lục lọi cho nhiều di sản văn hóa, đến một lúc nào đó, đất nước ta tràn ngập di sản văn hóa, nhân dân ta sống trong, sống trên và sống chung với di sản văn hóa. Khi ấy bước ra ngõ đụng di sản, đi nhà hàng đụng văn hóa ẩm thực, ăn cơm trong nhà đụng văn hóa mắm… Và khi ấy, biết đâu có thể chính chúng ta sẽ trở thành một loại di sản văn hóa thế giới cần bảo tồn, để nhân loại chiêm ngưỡng như chiêm ngưỡng người cổ đại, một giống dân kỳ lạ. Bởi có đất nước nào anh hùng nhiều ? Giáo sư tiến sĩ nhiều ? Hoa hậu nhiều ? Tượng đài nhiều ? Di sản văn hóa nhiều ? Nhưng mãi chưa thấy giàu ?
Giả sử sau này, nước mắm được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Phát huy khí thế, mắm tôm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm ruột, nước mắm hóa chất, nước tương, xì dầu… Và kính thưa tất cả các loại mắm đều muốn bằng chị bằng em, tức đều muốn là di sản văn hóa thế giới, gọi chung là Văn hóa Mắm, thì có khi, đến lúc ấy, người Việt mình cũng biến thành một loại di sản ?
Leave a Comment