Khi tư vấn mổ, đối với những bệnh nhân mà tôi biết rằng tình trạng tài chính của họ eo hẹp, hoặc đang gặp khó khăn, tôi thường khuyên họ nên mổ tại các cơ sở y tế của nhà nước. Đồng thời, tôi cũng tránh nói đến các phương pháp mổ hiện đại nhưng khá tốn kém, tránh tạo cho họ sự tủi thân.
Những tưởng rằng sau dịch một thời gian, kinh tế hồi phục, tôi sẽ ít phải “từ chối” mổ theo cái kiểu như vậy. Nhưng không, càng gần đây, tôi càng hay phải đưa ra những lời khuyên như vậy. Nói cho đúng, tôi đã vi phạm cái nguyên tắc mà tôi tự đặt ra cho mình: Thực hiện những điều mà theo tôi là tốt nhất, cho người bệnh.
Một người bạn, là một doanh nhân, tầm cỡ đại gia, mới thông báo với tôi, rằng anh đã bán một căn nhà còn đang xây dở, ở một vị trí vô cùng đắc địa, có thể gọi là khu đất kim cương, mà trước đó anh dồn hết tâm huyết cho nó. Anh nói với tôi, rằng may mà anh còn có cái đó, có thể bán được lúc này, chứ bao nhiêu bất động sản khác, bán rẻ cũng không ai mua. Mặc dù là bán rẻ, nhưng nó đã cứu cho doanh nghiệp của anh không bị phá sản, trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành của anh đã phải phá sản.
Im lặng một lúc, anh hỏi tôi: “Rồi nền kinh tế này sẽ đi về đâu? Đất nước này sẽ đi về đâu?”. Tôi không thể trả lời anh được. Bản thân tôi cũng đang hết sức bấp bênh. Doanh nghiệp cũng đang ở tư thế không còn bất cứ dự trữ nào, sau một cú đầu tư thất bại, mà không phải do lỗi của doanh nghiệp, chỉ là lỗi của tôi, vì vẫn còn một chút niềm tin vào bộ máy. Trong khi đó, cũng vì cái một chút niềm tin vào bộ máy đó, mà cá nhân tôi cũng lại thất bại trong một ý định đầu tư khác. Tôi đã không lường trước được sự khốn nạn của những kẻ có quyền quyết định công việc của doanh nghiệp của tôi. Tôi cũng không lường trước được khả năng kiểm soát sự hợp pháp trong hoạt động của các dự án lớn, của bộ máy quản lí nhung nhúc tham nhũng.
Tôi không trả lời được câu hỏi của anh. Con tim tôi mong muốn, rằng nền kinh tế này sẽ đi lên, nhất là sau khi Việt Nam và Mỹ nâng mức mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Nhưng lí trí thì cho tôi thấy, cái hệ thống này đã vô phương cứu chữa, với vô vàn những công chức rất giỏi, rất nhạy bén trong việc moi móc tiền của dân, nhưng không thể biết cái gì là thiết yếu.
Tự nhiên tôi lại nhớ đến chị Dậu của Ngô Tất Tố./.
Leave a Comment