Đất Việt
Một uỷ ban của Quốc hội CSVN đề nghị xử phạt báo VnExpress vì “dám” đưa tin “Khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thủy lợi” bị cho là “sai sự thật” và “ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh Quốc hội, Chính phủ”.
Báo đảng hôm 12/9 cho hay, Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm việc báo VnExpress hôm 4/9 “đăng tải thông tin sai sự thật” về dự án hồ Ka Pét tại Bình Thuận, cho rằng việc thông tin không đúng vừa qua “ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh Quốc hội, Chính phủ”.
Đây là dự án do Quốc hội thông qua.
Nguyễn Phương Tuấn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội, cho biết, bản tin của VnExpress ba lần liên tục sử dụng từ “phá rừng” đã “gây ra một luồng phản ứng rất xấu, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Quốc hội, Chính phủ”.
“Đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu cơ quan liên quan chấn chỉnh việc đăng tải thông tin về việc phá rừng để thực hiện dự án; xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin không đúng sự thật”, Tuấn nói.
Ủy ban nêu trên cũng đề nghị chính phủ chỉ đạo tỉnh Bình Thuận “phải khẩn trương triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét”.
Sau khi công luận phản đối kịch liệt vụ Dương Văn An, bí thư Bình Thuận “bảo kê” và biện minh cho vụ phá rừng, báo đảng gần đây chuyển hướng chỉ đăng tin “tích cực” về vụ việc.
Chẳng hạn, tờ Tuổi Trẻ hôm 10/9 viết: “Bình Thuận đổi đời từ các hồ chứa nước”, trong khi đó, tờ Thanh Niên dẫn ý kiến Tiến sĩ Vũ Thanh Ca bày tỏ sự ủng hộ cho dự án hồ thủy lợi Ka Pét…
Ông Trần Thanh Cảnh cho hay: “Bài học về “nhóm lợi ích” hợp nhau chiếm, phá rừng thông Đăk Đoa trên Tây Nguyên mới đây vẫn còn nóng hổi. Quốc hội nên tổ chức kiểm tra độc lập dự án này! Nếu đúng như dư luận phản ánh, cần hủy bỏ và kiểm điểm những người đề xuất dự án.”
Facebooker Sơn Đặng cho hay: “Thật không thể tưởng tượng nổi, khi xem trên Google Maps, bạn có thể dễ thấy, cách khu vực họ tính phá 600 ha rừng Mỹ Thạnh để làm hồ thủy lợi Ka Pet chỉ tầm 20 km đã có sẵn một hồ thủy lợi khác là hồ Biển Lạc. Hồ này có diện tích 1.000-1.200ha, nhưng vùng thường xuyên ngập nước chỉ cỡ 300 ha. Phần diện tích còn lại, tầm 700-900 ha, mùa mưa thì bán ngập, còn mùa khô thì đang bị đào xới khai thác cát lậu và chia thửa nuôi tôm tan hoang.
Như vậy đã rõ, nếu muốn tích thêm nước cho khu vực này thì có thể tận dụng hồ thủy lợi Biển Lạc đã có sẵn. Không hiểu rõ ý đồ gì mà lại tốn thêm 900 tỷ đồng và quyết phá nát một cánh rừng nguyên sinh để làm thêm một cái hồ thủy lợi nữa! Không thể chấp nhận nổi một bản đánh giá tác động môi trường làm cho có, nhưng lại chuẩn bị sẵn kế hoạch khai thác gỗ từ lòng hồ. Ngưng ngụy biện đi nhé!
Tìm hiểu thêm một chút thông tin thì được biết, xưa kia, hồ thủy lợi Biển Lạc nằm trong huyện Tánh Linh, một huyện nổi tiếng vì diễn ra các cuộc thảm sát rừng và khai thác gỗ lậu trước đây. Lãnh đạo tỉnh phải vào tù. Nhìn trên Google Maps thì huyện Tánh Linh giờ đây trơ trọi trọc lốc, toàn thấy đất nông nghiệp tứ phía. Còn khu rừng bọc xung quanh hồ Biển Lạc chắc đã đi vào truyền thuyết…”
Facebooker Hoàng Công Đương bình luận: “Phá rừng tự nhiên và hứa trồng lại cây khác, nó cũng giống như xin cha mẹ bán căn nhà lấy tiền làm ăn với lời hứa mai mốt sẽ mua bù lại cho căn nhà khác to gấp ba, đẹp lung linh luôn..
Rừng tự nhiên với họ chỉ là ba cái cây gỗ thôi mà, rừng đẹp nhất là rừng Phú Mỹ Hưng, hồ đẹp nhất là hồ Bán Nguyệt kìa!”
Leave a Comment