Quảng Cáo

Nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn của Việt Nam đáp ứng dưới 20%

Quảng Cáo

 

An Vui (SGN)

Nhu cầu thị trường cần 10.000 kỹ sư ngành bán dẫn mỗi năm, nhưng Việt Nam chỉ đáp ứng dưới 20%!

Đó là thông tin từ bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với hai trường đại học (ĐH) quốc gia sáng 6 Tháng Chín 2023, VnExpress dẫn lại.

Ông Hùng phàn nàn nhân lực ngành công nghệ thông tin và công nghệ số cần 150.000 người mỗi năm, nhưng Việt Nam chỉ đáp ứng được 60%, riêng ngành công nghiệp bán dẫn thì tệ hơn: Cần 10.000 kỹ sư/năm thì chỉ có dưới 20% số đó.

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng $1 tỷ 650 triệu, trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm.

Những năm qua, một số tập đoàn lớn của thế giới đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Synopsys (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), USI Electronics (Đài Loan), Renesas Electronics (Nhật Bản).

IPV, nhà máy chip của Intel tại Việt Nam đã xuất xưởng 3,5 tỷ sản phẩm, đạt doanh thu xuất cảng $11 tỷ 500 triệu năm 2022.

Còn Samsung, hồi Tháng Ba cho biết đã tăng vốn vào nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, đồng thời đang nghiên cứu đầu tư sản xuất lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào Tháng Năm và chính thức sản xuất từ Tháng Mười Một 2023.

Bên cạnh đó, hồi giữa Tháng Tư, FPT công bố thiết kế và sản xuất ba dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với quy mô 25 triệu chip, dự kiến xuất cảng vào năm 2024-2025. Riêng Viettel, từ Tháng Tám 2022 đã đề xuất việc nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất cảng.

Tuy vậy, theo Technavio nhận định: Dù thị trường đầy tiềm năng nhưng Việt Nam đang thiếu các kỹ sư ngành bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, nhiều nhất là tại Sài Gòn (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).

Về đào tạo kỹ sư ngành bán dẫn, hiện chỉ có một số trường ĐH có khoa đào tạo về công nghệ bán dẫn như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH  Quốc gia Hà Nội, ĐH Công nghệ Thông tin, Bách khoa (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM).

VnExpress ngày 20 Tháng Tư 2023 cho biết niên học 2023-2024, ĐH Bách Khoa Hà Nội lần đầu tuyển sinh chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano. Đây là chuyên ngành đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành thiết kế – chế tạo chip và linh kiện điện tử – bán dẫn.

PGS Nguyễn Văn Quy, Giảng viên Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu, cho biết trước đó trường đã có một số ngành liên quan đến lĩnh vực này như Vật lý kỹ thuật hay Khoa học và Kỹ thuật vật liệu và đang có dự định thành lập trường trực thuộc chuyên về Khoa học vật liệu. Trường này đang tuyển khoảng 1,000 sinh viên ngành khoa học vật liệu mỗi năm.

Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có chương trình đào tạo sâu về thiết kế vi mạch, chủ yếu ở bậc cao học như chương trình thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn; thạc sĩ và tiến sĩ Kỹ thuật điện tử. Ở bậc đại học, sinh viên được học về các vật liệu bán dẫn, vật liệu và công nghệ nano trong chương trình ngành Khoa học vật liệu.

Ngoài ra, sinh viên Vật lý, Kỹ thuật điện tử và Tin học cũng được đào tạo một số nội dung có liên quan. Tổng số sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến thiết kế vi mạch và các ngành gần của ĐH Quốc gia Hà Nội khoảng 1.200 mỗi năm.

Còn tại ĐH Bách khoa, thuộc trường ĐH Quốc gia TP.HCM, từ năm 2021, chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử mở thêm phân ngành Hệ thống Mạch – Phần cứng nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ sư vi mạch trình độ cao. Trường này không công bố số sinh viên ngành bán dẫn tuyển dụng hằng năm.

Tổng cộng cả ba trường này thì hằng năm vẫn chỉ cung cấp khoảng 3.000 kỹ sư ngành bán dẫn, không đủ nhu cầu mà thị trường cần hằng năm, chưa kể chương trình đào tạo ở các trường ĐH Việt Nam bị mang tiếng là thiếu thực tế, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty.

Theo Reuters ngày 1 Tháng Chín 2023, tình trạng thiếu kỹ sư kinh niên ở Việt Nam là một thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành bán dẫn và kế hoạch của Mỹ, nhằm thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm chip, phòng ngừa rủi ro và sự phụ thuộc vào nguồn cung chip lâu nay từ Trung Quốc.

Chất bán dẫn dự kiến sẽ là tâm điểm khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Hà Nội từ ngày 10 Tháng Chín 2023 với mục tiêu chính thức nâng tầm bang giao giữa hai quốc gia, khi các viên chức chính phủ Mỹ cho biết ông Biden sẽ trợ giúp Việt Nam phát triển ngành sản xuất chip.

Reuters trích dẫn nhận xét của ông Vu Tu Thanh, người đứng đầu văn phòng tại Việt Nam của hội đồng US-ASEAN Business Council, cho biết: “Số lượng kỹ sư phần cứng (hardware engineers) của Việt Nam hiện có thấp hơn nhiều so với mức cần thiết, để Mỹ có thể hỗ trợ các khoản đầu tư hàng tỷ đô la”. Ông Thành dự tính Việt Nam chỉ cung ứng được khoảng 1/10 nhu cầu trong 10 năm tới.

Ông Hùng Nguyễn, Giám đốc chương trình cấp cao về chuỗi cung ứng tại ĐH RMIT Việt Nam, cũng nhận định Việt Nam còn thiếu cả nguồn cung kỹ sư phần mềm chip (chips software engineers) đã qua đào tạo.

Như vậy, Việt Nam lâu nay cung cấp chip gì? Theo số liệu của chính phủ cộng sản Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có kim ngạch xuất cảng sang Mỹ trị giá hơn $500 tỷ mỗi năm, hiện đang tập trung vào khâu sản xuất phụ trợ của chuỗi cung ứng – đó là lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip.

Chỉ như thế, cho dù công ty Intel đã hoạt động ở miền Nam Việt Nam được khoảng 15 năm, với nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux