Trong lá thư Tù nhân lương tâm gửi Tổng thống Biden, thuật ngữ “tù nhân lương tâm” (tiếng Anh: “prisoners of conscience”) là phù hợp và chính xác. Và, ông Biden chắc chắn biết rõ nội dung lá thư muốn nói điều gì.
Thuật ngữ “tù nhân lương tâm” dùng để chỉ những người đã bị bỏ tù hoặc bị bức hại vì thể hiện bất bạo động niềm tin được giữ vững theo lương tâm của mình.
Các yếu tố chính của “tù nhân lương tâm” gồm có:
◉ bị bỏ tù hoặc bị đàn áp;
◉ không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực; và
◉ thể hiện niềm tin được giữ vững theo lương tâm của mình.
Theo thông lệ quốc tế, thuật ngữ “tù nhân lương tâm” thường liên kết với những hoạt động đấu tranh cho quyền con người, và được sử dụng rất phổ biến từ năm 1961 cho đến nay – hơn nửa thế kỷ.
Mặc dù thuật ngữ này do người sáng lập Tổ chức Ân xá Quốc tế, ông Peter Benenson, đã đặt ra trong một bài báo “Những người tù bị lãng quên” vào ngày 28 tháng 5 năm 1961, nhưng cho đến nay, nó vẫn tiếp tục được sử dụng, và ngày càng phổ biến hơn.
Kết quả tìm kiếm trên Google với cụm từ “Biden and prisoners of conscience Vietnam” cho thấy có hơn một triệu kết quả. Điều này chỉ ra rằng các chính phủ phương Tây, giới truyền thông và các tổ chức nhân quyền quốc tế đều biết đến ý nghĩa của thuật ngữ “tù nhân lương tâm” khi đề cập đến vấn đề nhân quyền.
“Tù nhân lương tâm” khác với “tù nhân chính trị” hay không? Câu trả lời sẽ cần đến một bài phân tích khác.
Có lẽ câu hỏi nên được đặt ra hôm nay.
Liệu chúng ta – những người còn được khả năng để lên tiếng nói – có thể làm được những gì cho các nhà hoạt động đang bị bỏ tù hoặc bị đàn áp?
Hãy thay thế nếu họ bị bắt, hoặc hỗ trợ nếu họ bị đàn áp, để cùng nhau tiếp tục thể hiện niềm tin được giữ vững theo lương tâm của mỗi người trong chúng ta.
Người Đà Lạt Xưa
Leave a Comment