Ellen Nakashima & Rebecca Tan/ Washington Post – Chân Trời Mới Media lược dịch
Hoa Kỳ và Việt Nam đang chuẩn bị thắt chặt quan hệ kinh tế và công nghệ, đưa hai quốc gia cựu thù này lại gần nhau hơn trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong khu vực.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ được công bố khi Tổng thống Biden chính thức thăm Việt Nam vào cuối tuần tới và là bước tiến mới nhất của chính quyền Biden trong việc gia tăng thế đứng tại châu Á. Về phía Hà Nội, mối quan hệ gần gũi hơn với Washington đóng vai trò quân bằng lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Việc thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” sẽ mang lại cho Hoa Kỳ một vị thế ngoại giao mà Việt Nam chỉ dành cho một số ít quốc gia, bao gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Thỏa thuận này đã được xác nhận bởi một giới chức cấp cao của chính quyền Biden và hai người ở Hà Nội quen thuộc với sự việc.
Các nhà phân tích nhận định rằng, Hà Nội đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro khiến Bắc Kinh nổi giận, vì thấy việc tiến gần Washington là cần thiết do Trung Quốc đang ào ạt tăng cường sức mạnh quân sự trong vùng.
“Khi đặt Hoa Kỳ ngang hàng với Trung Quốc, Việt Nam đã ngầm tuyên bố nhiều điều không chỉ với Bắc Kinh, mà còn với toàn khu vực và thế giới,” Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Rand Corp, kiêm cựu giới chức tình báo Hoa Kỳ, cho biết. “Điều đó cho thấy là mối quan hệ Mỹ – Việt đã tiến được một chặng đường dài kể từ năm 1995,” khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Thỏa thuận này, được chính quyền Biden đề xuất trong những tháng gần đây, xuất phát từ chiến lược xây dựng các mối quan hệ kinh tế và an ninh vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương như bức tường thành chống lại sự cưỡng ép kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, nó “phục vụ cả mục tiêu biểu tượng và cụ thể,” Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện ISEAS – Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết.
Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ dẫn đến hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn giữa hai nước, khi Hoa Kỳ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có tham vọng phát triển các công nghệ tiên tiến. Các công ty bán dẫn của Mỹ đã bày tỏ “sự sẵn lòng hỗ trợ họ trong tham vọng đó,” một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết, và yêu cầu ẩn danh vì thỏa thuận này chưa được công bố.
Hoa Kỳ hiện nay là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, một quốc gia đã trải qua sự chuyển đổi kinh tế ấn tượng trong hai thập kỷ qua. VinFast, công ty sản xuất xe điện hàng đầu của đất nước này, hiện đang bán các mẫu SUV bóng bẩy của họ tại California và gần đây đã ra mắt đợt chào sàn cổ phiếu lần đầu trên Nasdaq. Các công ty Mỹ cũng đã thể hiện sự sẵn sàng kinh doanh: các nhà cung cấp của Apple và Google đã đầu tư mạnh vào những nhà máy mới tại Việt Nam, và dự kiến sẽ có thông báo quan trọng từ Boeing – hãng đã tuyên bố vào đầu năm nay rằng họ định mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam.
Việc nâng cấp quan hệ cũng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, sẽ gia tăng các chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, các cuộc tập trận quân sự chung và việc mua bán vũ khí. Là một trong những khách hàng hàng đầu mua vũ khí Nga, Việt Nam đã tuyên bố công khai rằng họ muốn đa dạng hóa vũ khí quân sự của mình. Năm ngoái, Việt Nam đã tổ chức hội chợ quốc phòng quốc tế lần đầu tiên và các nhà thầu quốc phòng của Mỹ Raytheon và Lockheed Martin đã có hai gian hàng lớn nhất.
Việt Nam không có đồng minh thông qua các hiệp ước, thay vào đó, quốc gia cộng sản này có một cấu trúc ba tầng cứng ngắc trong mối quan hệ song phương. Hoa Kỳ đã đạt mức “đối tác toàn diện” mười năm trước, và thường thì Hà có một “chiến lược” nhiều năm để chuyển một quốc gia lên tầng tiếp theo. Nhưng Hà Nội đã dự kiến sẽ nâng cấp nhanh chóng với Washington lên tầng cao nhất, đó là “đối tác chiến lược toàn diện,” theo các giới chức Mỹ.
Bất chấp mối quan hệ cộng sản với “đàn anh phương Bắc, Việt Nam có động lực tìm kiếm các đối tác mới do hoạt động hung hăng của Bắc Kinh trong thập niên qua. Nhưng, theo một giới chức cao cấp của chính quyền Mỹ, Hà Nội cũng bị cuốn hút bởi những nỗ lực của Washington với Ấn Độ trong năm nay – một quốc gia đang phát triển lớn trong khu vực – đã dẫn đến các thỏa thuận hợp tác về công nghệ, quốc phòng và giáo dục.
“Chúng tôi đã có thể đưa ra một trường hợp đáng tin cậy” để thuyết phục Hà Nội nâng cao mối quan hệ “lên tầng cao nhất,” giới chức này nói. Tuy nhiên, thỏa thuận này không phải là bước đệm cho một liên minh phòng thủ chính thức, các giới chức chính quyền Biden cho biết.
“Đây không phải là một Việt Nam nhảy sang phía sân chơi của Mỹ,” Gregory Poling, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế, cho biết. “Đây là một Việt Nam đang cố cân bằng hai thế lực [Trung Quốc và Hoa Kỳ] để họ có thể duy trì quyền tự chủ của mình.”
Việt Nam, quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc, từ lâu đã tranh chấp các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Tuần duyên Trung Quốc liên tục quấy rối các hoạt động khoan dầu và khí đốt của Việt Nam và thường xuyên kiểm tra các tàu cá Việt Nam.
Việt Nam đã thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ về công nghệ hàng hải và giám sát biển, nhà phân tích Lê Hồng Hiệp nói. “Với mối quan hệ chiến lược toàn diện đã thiết lập, tất cả những điều này đều nằm trên bàn đàm phán,” ông nói thêm.
Các nhà phân tích cho rằng, Hà Nội vẫn thận trọng để không làm phật lòng Trung Quốc, trong khi quốc gia này đang liên tục hiện đại hóa quân đội của mình.
Tuần trước, ngay trước khi Tòa Bạch Ốc thông báo chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đi cùng với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Hối Bố, trong một chuyến đi được cho là nỗ lực giảm thiểu phản ứng trái chiều tiềm ẩn sau khi mối quan hệ mới với Mỹ được công bố.
Trong khi tuần tra một cửa khẩu thương mại biên giới ở tỉnh Lạng Sơn, ông Trọng, người được coi là nhân vật chính trị quyền lực nhất Việt Nam, đã ca ngợi tình hữu nghị “đồng chí và anh em” với Trung Quốc. Tổng Thống Biden dự trù sẽ gặp ông Trọng tại Hà Nội.
Tuy nhiên, mối quan hệ đang phát triển này đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền, những người cho rằng Hà Nội tiếp tục đàn áp sự bất đồng chính kiến và tự do tôn giáo, đồng thời cáo buộc Washington đặt lợi ích chiến lược lên trên các giá trị cốt lõi.
Ông Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ theo dõi vụ bắt giữ các nhà hoạt động ở Việt Nam, cho biết ông hoài nghi quan hệ thân thiết hơn với Hoa Kỳ sẽ dẫn đến nhiều tự do hơn cho người dân Việt Nam. Ông cho biết, trong thập niên qua, mối quan hệ ngày càng ấm áp giữa Hà Nội và Washington đã ít có tác dụng ngăn chặn xu hướng độc tài gia tăng của các thành phần bảo thủ trong tầng lớp lãnh đạo đảng Cộng Sản.
Theo Dự án 88, Việt Nam đã giam giữ gần 200 người vì lý do chính trị, bao gồm một số nhà hoạt động về biến đổi khí hậu nổi tiếng của quốc gia. Năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam được quảng bá rộng rãi và được công chúng chào đón, Tổng thống Barack Obama đã gặp gỡ một nhóm lãnh đạo xã hội dân sự; nhiều người trong số họ hiện đang ở tù hoặc bị lưu vong.
Ông Ben Swanton cho rằng “Những cam kết dân chủ và nhân quyền,” đã bị chính quyền Biden “gạt sang một bên để đổi lấy việc mở rộng ưu thế của Hoa Kỳ trong khu vực.”
Các giới chức chính quyền Mỹ phản hồi bằng lập luận rằng khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã bị từ chối cấp visa vào Hoa Kỳ vào năm 2005 vì vai trò của ông trong các cuộc nổi loạn sắc tộc đẫm m.áu ở miền tây Ấn Độ, được chào đón tại Tòa Bạch Ốc trong một dạ tiệc cấp quốc gia vào tháng Sáu vừa qua.
Họ đã nêu lên những lo ngại về nhân quyền với các nhà lãnh đạo này một cách kín đáo, riêng tư và tôn trọng, một giới chức chính quyền cho biết, “Chúng tôi tự hỏi liệu việc rao giảng công khai có phải là kế hoạch tốt nhất với các quốc gia đang tìm cách hợp tác chặt chẽ với chúng ta hay không?”
Ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư Việt Tân, một tổ chức chính trị vì dân chủ ở Việt Nam, cho biết, Washington nên kiên quyết đòi hỏi phải có tiến bộ về nhân quyền và tự do dân sự, ngay cả khi thực hiện điều này một cách lặng lẽ. “Để có một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” ông nói, “chúng ta cần phải có các xã hội tự do và cởi mở.”
Ellen Nakashima & Rebecca Tan, Washington Post
Chân Trời Mới Media lược dịch
– Ellen Nakashima là phóng viên an ninh quốc gia của The Washington Post. Cô là thành viên của ba nhóm đoạt Giải Pulitzer, vào năm 2022 cho cuộc điều tra về vụ tấn công ngày 6 tháng 1 vào Quốc Hội Hoa Kỳ, vào năm 2018 để đưa tin về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 và vào năm 2014 để báo cáo về phạm vi ẩn giấu sự giám sát của chính phủ.
– Rebecca Tan là Trưởng văn phòng khu vực Đông Nam Á của tờ Washington Post. Trước đây cô là phóng viên đưa tin về chính quyền ở D.C. và Maryland. Cô là thành viên của nhóm đã giành được Giải Pulitzer năm 2022 về dịch vụ công nhờ đưa tin về vụ tấn công ngày 6 tháng 1 vào Quốc Hội Hoa Kỳ.
Leave a Comment