Quảng Cáo

Khi nào người dân mới dám công khai chỉ trích đảng?

Quảng Cáo

Thạch Hãn (VNTB)

Người dân phải được quyền chỉ trích những quyết sách sai lầm của Đảng mà không ngại bị ‘chụp mũ’ hình sự hóa.

Theo nội dung của Điều 4, Hiến pháp 2013 thì người dân phải được quyền chỉ trích những quyết sách sai lầm của Đảng mà không ngại bị ‘chụp mũ’ hình sự hóa.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quyền lực của Đảng là quyền lực chính trị, là quyền lực của một tổ chức chính trị “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”, là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013).

Đảng thực thi quyền lực chính trị của các giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội mà mình đại diện bằng cách tác động vào Nhà nước, để thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước, hiện thực hóa quyền, lợi ích và ý chí của lực lượng xã hội mà mình đại diện.

“Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” – trích Điều 4.2, Hiến pháp 2013.

Ở Điều 28 Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Tổng hợp những điều luật Hiến định trên cho thấy người dân phải được quyền chỉ trích trong khuôn khổ pháp luật về những quyết sách sai lầm của Đảng; cụ thể là ở thời gian dịch giã Covid-19 vừa qua, rất nhiều đóng góp chuyên môn về chuyện phòng, chống dịch Covid đã được Đảng ‘bỏ ngoài tai’, và hệ lụy thảm khốc như các cảnh báo đã diễn ra từ sự duy ý chí nhân danh “lãnh đạo Đảng” này.

Từ bài học kinh nghiệm thấm xương máu của mấy mươi ngàn đồng bào Việt đã chết tức tưởi vì các chính sách phòng, chống dịch Covid của Đảng, cần thiết luật hóa về vai trò lãnh đạo của Đảng; tức phải luật hóa việc thực thi ra sao Điều 4.2, Hiến pháp 2013.

Liên quan đến Điều 4 Hiến pháp năm 2013, có hai yêu cầu hoàn thiện pháp luật đặt ra:

Một là, cần tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội. Để thực hiện được hành lang pháp lý này rõ hơn nên chăng cần cân nhắc đến xây dựng một luật về sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo tính chính đáng và hợp pháp của Đảng cầm quyền, khắc phục nguy cơ Đảng đứng trên pháp luật, lạm dụng quyền lực và không bị kiểm soát, dẫn đến khả năng xâm hại quyền lực nhân dân từ phía Đảng cầm quyền.

Hai là, cần tạo lập hành lang pháp lý để Nhân dân giám sát hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng chính là về việc hoàn thiện và thực hiện pháp luật về dân chủ và các quyền tự do của công dân.

Điều này cần được thực hiện thông qua việc xây dựng, ban hành và thực hiện một số luật mới quan trọng như: Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin, Luật về giám sát của nhân dân; Luật về phản biện xã hội, đồng thời hoàn thiện một số luật hiện hành như Luật Bầu cử, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo…

Về vấn đề để đổi mới mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, cần đặt trọng tâm vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, nhận thức rõ thực chất mối quan hệ Đảng và Nhà nước trên hai phương diện: (1) Về nội dung, đó là mối quan hệ vừa bình đẳng trong tư cách hai thực thể thực thi quyền lực nhân dân, vừa chi phối và phối hợp giữa hai thực thể lãnh đạo và điều hành, quản lý; (2) Về tổ chức, đó là hợp thể của ba mô hình quan hệ chủ đạo gồm: mô hình quan hệ Đảng – Cơ quan đại diện và quyền lực Nhà nước cao nhất; mô hình quan hệ Đảng – Cơ quan quản lý hành pháp – hành chính cao nhất; mô hình quan hệ Đảng – Cơ quan tư pháp.

Phân định mạch lạc thẩm quyền lãnh đạo của Đảng và thẩm quyền quản lý của Nhà nước trên các phương diện: Quyền thực hiện chức năng chính trị của Đảng và quyền thực hiện chức năng lập pháp của nhà nước; Quyền lãnh đạo và quyền quản lý; Quyền ra quyết sách chiến lược và quyền ra quyết sách chiến thuật; Quyền tuyển chọn, đào tạo, bố trí cán bộ trong các cơ quan nhà nước.

Riêng trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, nguyên lý của chế độ pháp quyền đòi hỏi xét xử là quyền độc lập của nhà nước, vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tư pháp chỉ thể hiện trên phương diện tổ chức, cán bộ chứ không phải bằng việc ra chỉ thị, mệnh lệnh hay can thiệp vào hoạt động xét xử.

Ngoài ra còn có một vấn đề tối quan trọng đó là cần đảm bảo thực thi quyền làm chủ của Nhân dân.

Hiện tại, cơ chế Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước ở Việt Nam đã rõ, song cơ chế Nhân dân ủy quyền cho Đảng cầm quyền còn thiếu cụ thể. Yêu cầu đặt ra là phải tạo được cơ chế cho phép Nhân dân ủy quyền cho Đảng qua bầu cử, – dĩ nhiên là về nguyên tắc vẫn giữ được sự ổn định của thể chế chính trị nhất nguyên mà Đảng luôn bảo thủ.

Cụ thể, trước mắt có thể xây dựng cơ chế để nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm một cách dân chủ các chức danh của Đảng trước thềm các kỳ đại hội của Đảng./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux