Ai là “trùm cuối” trong các đại án giải cứu và Việt Á? Đó là câu hỏi mà người dân luôn day dứt trong những vụ án có thể xem là nhơ nhuốc nhất lịch sử.
Tham nhũng trên vạn vạn sinh linh và triệu triệu sinh mệnh đồng bào là điều không phải ai cũng dám làm. Ai cũng có thể xé bỏ lòng tự trọng vì một chút lợi ích, nhưng chỉ một số ít dám xé bỏ nhân tính, họ chính là tội phạm.
Và logic bình thường, tội ác tối thượng phải đến từ quyền lực tối thượng!
Nhân dân không tin rằng những người đứng trước vành móng ngựa hôm nay có đủ quyền lực để khuynh loát những chính sách vĩ mô như vậy.
Một vài viên thư ký nhỏ nhoi, vài nhân viên chấp sự, thậm chí bộ trưởng Long và bộ trưởng Chu chỉ là tép riu trong thể chế để có thể phạm tội tày đình. Trong niềm tin của nhân dân, họ chỉ là cấp thừa hành và nhận ơn mưa móc.
Vậy, ai là ai?
Một số lãnh đạo chóp bu bất ngờ rời ghế trong đại dịch vì những “sai phạm nghiêm trọng” mà nhân dân không bao giờ được biết. Công dân một quốc gia pháp quyền phải đoán già đoán non, xâu chuỗi sự kiện và “mong ước” công lý thay vì nhìn thấy nó diễn ra như nhân quả ngẫu nhiên.
Đó là một sự bất bình đẳng nghiêm trọng. Bất bình đẳng với nhân dân. Bất bình đẳng với những người đối mặt với án tử hình. Bất bình đẳng với cả những lãnh đạo cấp cao công chính của chính thể.
Sai phạm của lãnh đạo phải được minh bạch, dù có liên quan đến đại án hay không. Vì nó là yêu cầu của quốc gia pháp trị.
Và nữa là không thể nào chống tham nhũng tuyệt đối khi mà ai đó được quyền hy sinh “số phận chính trị” để cứu chuộc “số phận hình sự”.
Nhân dân rất hoan nghênh công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo chính thể. Và họ mong mỏi công cụ luật pháp được sử dụng một cách công minh và không thoả hiệp.
Nếu người dân vẫn anh ách về “vùng cấm”, công cuộc ấy chưa thể nói là thành công!
Leave a Comment