Tướng Ben Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở Âu châu nói với MSNBC rằng sau cái chết của Prigozhin chưa chắc quyền lực của Putin sẽ vững chắc hơn. Chế độ có thể sẽ mất ổn định, đến hỗn độn.
Ngày 21 tháng Bảy, 2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khuyên ông Yevgeny Prigozhin không nên đến gần những cửa sổ mở. Blinken nói đùa, “Nếu tôi là ông Prigozhin, tôi sẽ rất lo ngại… Khối NATO có chính sách mở cửa, nước Nga có chính sách ‘cửa sổ mở’.” Tổng thống Joe Biden cũng nhắn: “Nếu là Prigozhin, tôi sẽ rất thận trọng mỗi khi ăn uống.”
Nhiều người Nga đã rớt từ các cửa sổ xuống đất chết sau khi chỉ trích Vladimir Putin. Ngày 25 tháng 12 năm 2022, tỷ phú Pavel Antov, từng phê phán cuộc xâm lăng Ukraine, rơi từ lầu ba khách sạn Hotel Sai ở Ấn Độ. Trước đó, ngày 1 tháng 9, chủ tịch công ty dầu Lukoil là Ravil Maganov, cũng nghi ngờ cuộc chiến Ukraine, rớt từ cửa sổ một bệnh viện ở Moscow xuống đất. Nhiều tỷ phú trong công ty dầu Gazprom chết bí mật: Leonid Shulman “tự sát” tại một biệt thự ở làng Leninsky, nơi nghỉ mát của các đại gia cầm đầu Gazprom; Alexander Tyulakov tự tử ở nhà đậu xe trong cùng làng, có dấu vết đã bị đánh đập. Ba ngày sau, tỷ phú dầu lửa Mikhail Watford chết trong nhà, ở nước Anh. Nhưng phương pháp “cửa sổ mở” vẫn thông dụng. Tháng 2 năm 2023, người ta thấy thi hài của Marina Yankina, cựu viên chức Sở Thuế, nằm phía dưới cửa sổ một cao ốc trên đường Zamshina, thành phố St. Petersburg.
Mật vụ Nga còn thi triển nhiều cách giết người khác: Bệnh tim, bệnh não, dây thắt lưng, uống trà, đi thuyền, và giản dị nhất, bắn súng. Hai ngày sau khi Pavel Antov rớt chết, Vladimir Budanov, một người cộng sự của ông ta, đột biến bệnh tim, đi luôn. Trước đó, Igor Nosov, giám đốc Công ty Phát triển Bắc cực, mới 43 tuổi đã chết vì tai biến mạch máu não. Sau đó, người phụ tá của Nosov là Ivan Pechorin chết đuối khi rớt từ trên thuyền đang chạy.
Năm 2006, Alexander V. Litvinenko, một cựu nhân viên mật vụ kể tội chế độ côn đồ của Putin, chết sau khi uống một tách trà có tẩm chất đồng vị phóng xạ. Năm 2013, tỷ phú Boris A. Berezovsky đã ủng hộ Putin từ những ngày đầu, sau bỏ trốn sang nước Anh, đã chết một cách bí ẩn, đến nay vẫn chưa ai biết lý do. Năm 2015, Boris Nemtsov, một nhà vật lý học tố cáo đám cận thần của Puitn tham nhũng, bị bắn bốn phát vào lưng khi đang đi qua một cây cầu gần Điện Kremlin. Tháng 3 năm 2023, một nhà khoa học đã chế ra thuốc chủng ngừa bệnh Covid ở Nga và từng chỉ trích chiến tranh Ukraine, Andrey Botikov, chết trong nhà mình, thắt cổ bằng dây lưng. Sergei V. Skripal, một gián điệp đã trốn sang nước Anh, Putin lên án là “phản bội,” bị đầu độc nhưng may mắn được cứu sống.
Vladimir Putin nói đến chữ “phản bội,” là kết án tử hình. Đầu năm nay, ông ta đã nói với một ký giả Nga rằng người lãnh tụ phải biết tha thứ, “nhưng không phải cái gì cũng tha thứ được.” Nhà báo hỏi lại, “Cái gì không thể tha thứ?” “Phản bội!”
Khi Prigozhin kéo đám binh sĩ Wagner về đe dọa cả bộ quốc phòng ở Matx Cơ Va, ông Putin đã kết án phản bội: “Đâm một mũi dao vào sau lưng đất nước và nhân dân.” Nhưng Putin không cho quân đội ra dẹp tan ngay đám lính Wagner, mà còn chịu giải hòa, cho Prigozhin qua Belarus tạm trú, tuyên bố sẽ không trừng phạt. Một tuần sau Putin còn mời Prigozhin đến hội kiến để bàn các kế hoạch sắp tới. Prigozhin được tự do bay đi bay về, trụ sở của đám Wagner ở St. Petersburg bị tấn công, tiền mặt rớt đầy ngoài đường, hàng tỷ đồng rúp, nhưng Prigozhin được trả lại hết. Prigozhin nuôi ảo tưởng mình vẫn an toàn, vì ông chủ lớn rất cần sử dụng đám lính đánh thuê mình đã tụ tập được. Để nuôi ảo tưởng đó, Putin cứ kiên nhẫn nhịn nhục! Quả thật rất nhục nhã, vì không dám tiêu diệt tức khắc một tên phản bội. Prigozhin còn dám nói thẳng rằng đáng lẽ không nên đánh Ukraine, rằng cả bộ máy chiến tranh toàn một đám tham nhũng, bất lực nên đang thất bại,
Putin đành nhịn nhục, vì nếu đánh đám lính Wagner ngay thì có thể sinh ra nội chiến, không biết quân đội Nga sẽ chia rẽ thế nào. Putin chờ thời gian dài đủ để phân tán đạo quân đánh thuê. Trong hai tháng, quân Wagner bị chia mỏng, đưa từ trại lính này qua trại khác, không tham gia một trận chiến nào. Nhiều nhóm được đặt dưới quyền các người chỉ huy mới. Mấy tướng lãnh Nga ở Ukraine nghi ngờ thân thiện với Prigozhin bị cách chức, có người bị bắt giam. Nhiều đạo quân đánh thuê của các tỷ phú, của các công ty, kể cả công ty dầu lửa quốc doanh, được thành lập, cho tuyển mộ lính mới và cung cấp vũ khí mạnh hơn. Prigozhin vẫn bay đi bay về, vào điện Kremlin bàn bạc, được bất ngờ xuất hiện khi Putin đón các lãnh tụ Phi châu. Ngày 21 tháng 8 còn tự do bay qua Châu Phi quay video đọc thông điệp gửi lên mạng.
Hai ngày sau, Prigozhin chết, chết giữa trời. Antony Blinken và Joe Biden không thể nào tưởng tượng được một phương pháp hành hình tinh vi, phức tạp đến thế! Prigozhin không thể là người dễ sơ xuất trong chuyện tự vệ!
Trong tiểu thuyết Đàn Hương Hình của Mặc Ngôn, nhà văn Trung Quốc được giải Nobel, một thái giám đã chế ra những kiểu hành hình mới, càng ngày càng độc đáo. Óc sáng tạo của ban ám sát Điện Kremlin chắc chắn cũng không thua.
Trong hai tháng vừa qua ai cũng đoán Yevgeny Prigozhin sẽ có ngày bị thanh toán, nhưng không ai đoán trước được một cảnh ngoạn mục, chiếc máy bay bốc lửa rớt từ 9000 mét xuống cánh đồng. Cả ba người lãnh đạo Wagner chết thiêu, trên đường bay quen thuộc từ Moscow tới St. Petersburg.
Nếu muốn thủ tiêu Prigozhin thì mật vụ Kremlin có thể dùng nhiều phương pháp kín đáo và chắc chắn hơn, như đã từng thi thố. Tại sao phải hạ thủ ba người một lúc, giữa bầu trời nước Nga?
Có thể Putin thù ghét Prigozhin nhất, trong khi phải nhịn nhục trong hai tháng trời. Mối nhục càng lớn thì cách trả thù phải càng thâm độc, tàn bạo. Putin muốn dân Nga và thế giới chứng kiến một cái chết tập thể kinh hoàng. Ngay hôm sau, một tỷ phú Nga thú nhận với báo The Washington Post: “Ai cũng phải kinh sợ!”
Thủ thuật đe dọa công khai, trắng trợn, không cần giấu diếm, thường được các băng đảng Mafia sử dụng. Đặt một cái thủ lợn còn đẫm máu ngay trên giường ngủ để nạn nhân vừa mở mắt thức dậy đã trông thấy, như trong tiểu thuyết The Godfather.
Người Nga nào cũng phải sợ. Những người trọng đạo lý muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Ukraine phải sợ. Những người lo cuộc chiến đang sa lầy và sẽ thất bại, không dám hé miệng nữa. Ngay cả phe cực hữu muốn đánh mạnh hơn, dùng cả bom nguyên tử nếu cần, cũng biết phận mà im lặng. Không đồng ý với lãnh tụ tức là phản bội. Phải trung thành tuyệt đối. Các bạo chúa không bao giờ chấp nhận đám bộ hạ mang ý đồ riêng. Sử Ký của Tư Mã Thiên kể có bữa Tần Thủy Hoàng trên núi chỉ xuống hỏi: Cái gì mà cờ quạt, xe ngựa rềnh rang vậy? Có kẻ thưa, đó là đoàn tùy tùng của thừa tướng Lý Tư. Ngày hôm sau, Lý Tư dẹp bỏ hết cờ quạt, võng lọng. Thủy Hoàng biết có đứa bép xép, sai giết hết các thái giám theo hầu hôm trước. Chế độ nhà Tần cuối cùng cũng tan hoang.
Putin trừng trị những kẻ “phản bội,” bắt tất cả phải tuyệt đối trung thành, chỉ trung thành với một cá nhân. Nhưng trong đám tay chân đang run sợ thế nào cũng có kẻ sợ quá, sợ đến mức phải tính toán rằng cần phải ra tay, trước khi đến lượt bị thanh toán.
Tướng Ben Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở Âu châu nói với MSNBC rằng sau cái chết của Prigozhin chưa chắc quyền lực của Putin sẽ vững chắc hơn. Chế độ có thể sẽ mất ổn định, đến hỗn độn: “Tôi đoán tình trạng nước Nga sẽ tệ hơn. Đám người nắm quyền lực thù ghét nhau. Không ai tin ai hết.”
Muốn được an toàn, muốn ngồi vững suốt đời, Putin sẽ chỉ còn một cách, là theo gương Stalin trước đây gần thế kỷ: Giết! Giết nhiều hơn nữa.
Những người chung quanh ông ta có ngồi im chờ đến lượt mình chết hay không?
Leave a Comment