Trần Nghị
Hàng năm cứ mỗi độ Thu về là lúc cha mẹ vất vả đối phó với biết bao khó khăn vật chất khi cố gắng cho con mình có khả năng đến trường.
Đầu tiên là họ phải kiếm đủ tiền để trả các lệ phí như lệ phí bảo hiểm y tế, tiền đồng phục, tiền hội phụ huynh, tiền quỹ lớp, tiền bán trú, tiền xây dựng trường. Chẳng lẽ năm nào cũng phải xây dựng và sửa chữa trường học? Chẳng lẽ mới sửa năm trước năm sau lại hư? Ở các nước khác, tiền chi vào trường học lấy từ tiền đóng thuế của dân, trẻ con luôn có bảo hiểm do nhà nước cung cấp. Nhưng ở Việt Nam, theo miệng quan chức Cộng Sản sẽ là top 20 thế giới trong năm 2030, thì trẻ con phải mua bảo hiểm cho chính mình! Tuyên truyền lúc nào cũng đi ngược lại với sự thật.
Năm 2021, theo báo Tuổi Trẻ ngày 4/7/2022 thì nhà xuất bản Giáo Dục lời 287 tỷ đồng chỉ nhờ vào dịch vụ in sách giáo khoa. Báo Thanh Niên ngày 17/7/2023 có bài viết phản ánh tình trạng thay đổi sách giáo khoa liên tục hàng năm. Vì thế mà năm nào cha mẹ cũng phải bỏ tiền đi mua sách mới do nhà trường quy định, còn sách cũ thì lại bị vứt bỏ vì không sử dụng được. Chỉ trong một năm kiến thức con người có gì thay đổi? Định lý hình học năm ngoái và năm nay cũng giống nhau. Cách đánh vần hay chính tả của một chữ cũng không có gì thay đổi. Bài toán 2+2=4 cũng không có gì thay đổi cả ngàn năm nay. Vậy tại sao phải thay đổi sách giáo khoa từ các lớp 1 cho tới lớp 12?
Sách giáo khoa ở Việt Nam một sự phối hợp nhịp nhàng của 2 bộ phận trong ngành giáo dục, một bên thì in sách, một bên thì bắt mua sách. Chỉ có cha mẹ đứng giữa là đau khổ chỉ vì muốn cho con mình biết đọc, biết viết, có vài kiến thức phổ thông để làm người trong thời đại văn minh hiện đại.
“Mùa Thu đến rồi”, một câu nói thường được thốt ra từ các văn nghệ sĩ khi họ thấy vạn vật xung quanh bắt đầu có sự thay đổi, khi lá bắt đầu vàng, khi trời bắt đầu se lạnh, khi nguồn cảm hứng trong lòng họ bắt đầu trỗi dậy chuẩn bị cho sự ra đời các tác phẩm bất hủ để lại cho đời. Nhưng “Mùa thu đến rồi” lại là một câu nói sảng sốt từ các bậc cha mẹ có con chuẩn bị cắp sách đến trường. Lúc mà có ngàn người vui vì sắp có bội thu vào túi và cả triệu người đau khổ vì cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn nữa.
Leave a Comment