Sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia được ví như sức khỏe của một cơ thể sống. Khi cơ thể khỏe, tạo sức đề kháng mạnh, tăng khả năng sản sinh miễn dịch… Nên có thể lướt qua mọi bệnh tật, gồm cả việc chống lại sự tấn công của vi trùng lẫn siêu vi trùng một cách hiệu quả.
Nhưng khi sức khỏe của cơ thể yếu, sức đề kháng kém, khả năng sản sinh miễn dịch thấp, thì cơ thể không mắc bệnh này cũng mắc bệnh khác, thậm chí lắm lúc mắc cả series bệnh…
Cũng vậy, khi sức khỏe nền kinh tế mạnh, kinh tế vĩ mô vững chắc, tiền tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối và thị trường vốn dồi dào, ngân hàng không bị nợ xấu tác động phải trích lập dự phòng rủi ro cao, xuất nhập cảng tấp nập, việc làm gia tăng, sức mua khỏe… Thì sức chống chịu của nền kinh tế rất lớn, thừa sức chống lại bất cứ sự rung lắc nào của thị trường, kể cả những biến động cực mạnh…!
Nhưng khi sức khỏe nền kinh tế yếu như hiện nay, một phần do tác động toàn cầu, phần khác do nội tình VN. Bị cục máu đông bất động sản làm nghẽn mạch máu tiền tệ (nhiều doanh nghiệp bất động sản không trả nổi nợ ngân hàng và nợ trái phiếu doanh nghiệp) dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim (khủng hoảng ngân hàng) hoặc nhồi máu não ( khủng hoảng kinh tế vĩ mô) ? Nhất là tình trạng nhiều doanh nghiệp gia công chuyên làm hàng xuất cảng, là lãnh vực tạo ra rất nhiều việc làm, đang thiếu đơn hàng khiến số người mất việc gia tăng làm suy giảm sức mua của thị trường khiến nền kinh tế thêm yếu… Được thể hiện qua việc nhiều tiểu thương phải trả mặt bằng kinh doanh.
Trong bối cảnh sức khỏe nền kinh tế không còn khỏe, thì việc tăng giá xăng, dầu; điện, nước; tăng thuế, phí … Cần được cân nhắc kỹ, nếu không, có thể làm vượt sức chịu đựng, có nguy cơ gây tổn thương thêm cho nền kinh tế ?
Leave a Comment