Vũ Hải Lê
Quy định 114 do Trường trực Ban bí thư Trương Thị Mai ký ban hành (1) thay cho Quy định 205 thì cũng giống như “19 điều cấm kỵ” thay cho “10 điều đảng viên không được làm” (2). “Chiếc xe đò” chở ĐCSVN đang lao dốc, đạp cả “thắng chân” lẫn kéo cả “thắng tay” đều tỏ ra vô hiệu. Ban bí thư sợ xe “đứt phanh” lao xuống vực, bèn lấy “Quy định 114” như cái “chèn bánh” để cứu vãn tình thế. Nhưng những Tô Vĩnh Diện thời nay đã được Đảng “giác ngộ”, không anh nào chịu lấy cơ thể mình “chèn bánh xe” như thời cản pháo lăn xuống vực trong chiến dịch Điện Biên Phủ đâu. Họ đang tranh nhau xí phần trên “chuyến tàu vét” của Đảng, nếu cần, họ sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Thế mà nay Đảng nỡ cấm cản họ không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu 13 ngành như nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương (3) … Thế còn nếu bố trí cho con cháu họ lên biên giới hay ra hải đảo thì chắc Đảng không cấm?
Tại sao trước nay, Đảng dùng đủ các loại “chèn” (insert) mà đều thất bại? Có phải tại các lực lượng thờ địch, thân địch phá hoại các chủ trương này của Đảng? Tại sao Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng trước đây lại nói: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”? (4) Cái quyết tâm “tôn thờ chủ nghĩa” thời “Con cá chột nưa” của Tố Hữu cũng mất nốt tác dụng. Bởi cái chủ nghĩa mà Đảng tôn thờ và bắt toàn dân tộc này tôn thờ theo Đảng, bây giờ nó mất thiêng rồi! Nhân loại đã đưa nó vào bảo tàng viện, ngay chính trên quê hương sản sinh ra nó. Quả đau đầu và tiến thoái lưỡng nan. Thật ra thì trong cơn khủng hoảng, một số đã biết cách ứng phó, như các Đảng Cộng sản Đông Âu (cũ) đã chữa trị. Đúng là nếu chữa triệt để thì có thể mất Đảng. Nhưng đấy chỉ là mất “tính toàn trị”, tính “công an trị” mà thôi… Còn dân tộc thì lúc nào cũng trường tồn; không chỉ bền vững, mà còn rạng rỡ hơn xưa. Hãy xem Ba Lan, Tiệp Khắc, nước Đức ngày nay! Nghĩ quẩn, tính quanh, Đảng lại quay lại với tập quán muôn đời của mình là lấy dối trá, bịp dân (các nhà chính trị học gọi đấy là chủ nghĩa dân túy). Cái này thì Đảng giỏi từ thời hoạt động bí mật, qua các cuộc kháng chiến đi cùng với nội chiến.
Trong trường hợp các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu (cũ), toàn dân muốn một chính quyền như thế nào thì họ để cho toàn dân quyết định. Tất nhiên, chỉ chọn ý kiến đa số thôi, đừng đòi hỏi 100%. Khi chính quyền do dân quyết định, dân chọn ra rồi, thì chính quyền ấy sẽ tồn tại cùng với nhân dân. Còn ngược lại, cơ cấu vào chính quyền những nhân sự chỉ biết “cướp của công thành của ông”, cướp quyền lực của nhân dân thành quyền lực của riêng mình, áp đặt ý nguyện của chính quyền, bắt nhân dân phải theo, vì quyền lợi của chính quyền, mà đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, thì sớm muộn nhân dân cũng sẽ lật đổ chính quyền. Cơ cấu những nhân sự như thế vào chính quyền thì chúng tất nhiên sẽ xem nhân dân là kẻ thù, chúng luôn luôn tìm hình ảnh kẻ thù trong nhân dân và chúng biến chính quyền thành kẻ thù của nhân dân. “Ta tự lật đổ ta”, ông Vượng chỉ có thể nói trong hàm ý như vậy. “Hết sức chú ý công tác nhân sự” ông ấy cũng nhấn trong ý nghĩa ấy (5).
– Từ đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc chu đã kiến nghị, để “làm tốt” nhân sự, để tránh “ta tự lật đổ ta” cần phải: i) Không cơ cấu vào chính quyền những kẻ “cơ hội, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm”. Những kẻ như thế chỉ biết đục khoét tiền bạc và tài sản của nhân dân, tàn phá nhà nước. Những kẻ như thế không chỉ tham nhũng vật chất, mà nguy hiểm hơn, còn tham nhũng quyền lực – rồi khuynh đảo pháp lý, đổi trắng thay đen, gieo rắc oan trái khắp nơi. ii) Cũng không cơ cấu vào chính quyền những kẻ hô hào bảo vệ chế độ bằng tuyên truyền miệng, giáo điều mù quáng ôm lấy tín điều cũ mà không chịu nhìn thấy sự vận động thực tiễn. Những kẻ như thế chỉ xiềng xích sự phát triển của dân tộc, làm cho đất nước ngày thêm tụt hậu so với các nước khác. iii) Càng không thể cơ cấu vào chính quyền những kẻ say máu bạo lực, tâm can chỉ chú trọng vào diễn tập đàn áp, bỏ tù, mà không dồn nghĩ đến các kế sách làm cho dân giàu nước mạnh. Những kẻ đó cầm quyền chỉ biết đến bạo lực, nhìn dân thành kẻ thù, tự biến chính quyền thành kẻ thù của nhân dân thì khó tránh được bị lật đổ. Hiểu cho đúng ý kiến biện chứng của ông Trần Quốc Vượng thì mới xác định đúng thế lực thù địch là ai? Chúng hiện đang ẩn náu ở đâu? Từ đó, đề ra được giải pháp đúng (6).
Thật ra “kinh tế thị trường” (không định hướng gì hết!), “nhà nước pháp quyền” và “quản trị tốt” (good governance) là “tam vị nhất thể” cho một chính phủ của dân, do dân và vì dân (7). Muốn nghiên cứu để kiến tạo một chính quyền hiệu quả, có cả núi sách. Trước mắt, Đảng chỉ cần “bấm cái huyệt trọng yếu nhất” trên cơ thể, thì toàn bộ “lục phủ ngũ tạng” sẽ chuyển động theo hướng tích cực. Cái huyệt này thật ra không phải Đảng không biết, nhưng lâu ngày Đảng “quên”. Giờ thì thực hành như chính “ông Cụ” từng dạy: Hãy làm người đầy tờ của Nhân dân! Chuyện nghe “viễn tưởng” quá nhỉ? Chỉ có cách tôn trọng sự thật ấy và coi người dân là chủ nhân ông đất nước! Bởi vì, cho đến giờ này, Đảng vẫn tự cho mình là “ông chủ”. Cho nên Đảng không trả lời nổi các câu hỏi đơn giản, không cần phải “người Bắc có lý luận nhiều” mới am tường: i) Ai là chủ nhân đất nước này? (Người dân Việt Nam trong và ngoài nước!) ii) Quân đội, Công an từ đâu mà ra và phục vụ ai? (Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu) và iii) Nguyên tắc cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của mọi tổ chức, mọi đảng chính trị là gì? (Là tính dân chủ).
Không xác định ai là chủ nhân đất nước thì suốt đời Đảng phải nói dối dân. Mà cái kim lâu ngày trong bọc cũng phải lòi ra. Dân biết, người ta coi thường Đảng. Không thể dùng cả 3.000 quân trong đêm tấn công một làng nhỏ ngoại ô Thủ đô. Chỉ có thời nguyên thủy giữa các bộ lạc với nhau, các bộ tộc dã man mới hành động như thế! Không có dân chủ thì không hiểu được vai trò quan trọng của đối lập và phản biện. Đó là cách để sinh tồn và phát triển của bất cứ đảng chính trị nào muốn tiến bộ và phụng sự dân tộc. Ý kiến của đối lập chính là con đường để đi tới hòa giải và tương lai. Mọi đảng độc tài đều sợ dân chủ. Đảng từ dân tộc quyết không sợ!
Xu thế “chạy” nay được chính ĐCSVN so ví như căn bệnh nan y tồn tại ở cán bộ đảng viên, gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm uy tín, giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Chính quyền. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền. Nhận diện căn bệnh nan y này và tìm giải pháp chữa trị nó là một đòi hỏi cấp thiết. Trong tiếng Việt, chữ “chạy” là động từ, nó có tới hơn 40 nghĩa. Khi đứng riêng, nó có hơn 10 nghĩa, chỉ hành động thể hiện sự tích cực của con người. Nhưng ở góc độ quan hệ lợi ích xã hội, với “Đảng ta là Đảng cầm quyền” thì “chạy chọt” có nghĩa là cầu cạnh để xin xỏ, để đạt được một việc gì đó mang ý nghĩa tiêu cực (8). Chẩn được bệnh rồi thì còn cần phải đào sâu hơn nữa. Và quan trọng là phải “bốc đúng bài thuốc” nào? “Đau bụng uống nhân sâm” là chết đấy, thưa bà Trương Thị Mai. “Thuốc đắng dã tật…”
Con đường hiện nay ĐCSVN đang đi là con đường dẫn tới thất bại. Mọi biện pháp ngăn chặn chỉ như những “cái chèn” đối với cỗ xe đang lao dốc!
(2) https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/19-dieu-ma-dang-vien-khong-duoc-phep-lam-201826.aspx
(4 ) Ông Trần Quốc Vượng: Không làm tốt công tác nhân sự là ta tự lật đổ ta” (Infonet.vn, ngày 25/12/2019).
(5 – 6) https://www.viet-studies.net/kinhte/TranQuocVuong_3DieuSangTo_TD.html
Ba điều sáng tỏ từ bài phát biểu của ông Trần Quốc Vượng
(7) https://ajc.hcma.vn/Pages/nghien-cuu-khoa-hoc.aspx?CateID=679&ItemID=3175
Leave a Comment