Quảng Cáo

Chính quyền đô thị: vì phẩm hàm hay vì để phục vụ dân

Quảng Cáo

Truong Huy San

Tôi không có đủ dữ liệu để bình luận về cảnh báo của Chủ tịch Trần Sĩ Thanh trước khả năng sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Các tiêu chí do hành chánh quan liêu đặt ra thì cũng có thể dùng hành chánh mà điều chỉnh nó. Một quận tốt không phải vì nó to hay nhỏ mà vì ở chỗ, người dân trong quận đó cả đời không cần biết đến chính quyền nhưng hễ cứ có việc cần là chính quyền có mặt liền.

Nếu xây dựng chính quyền đô thị mà chỉ quan tâm đến quy mô hoặc phẩm hàm của người đứng đầu [đô thị loại I, loại II hay cái gọi là “thành phố trong thành phố” kiểu Thủ Đức city] thay vì tìm kiếm một mô hình phục vụ dân tốt hơn thì không bao giờ lựa chọn đúng.

Tại sao, “tinh giản biên chế” từng được đưa ra từ đầu thập niên 1990s đã chưa bao giờ thành công. Thập niên 1990s là thập niên bắt đầu bung ra, nhu cầu hành chính tăng thì không thể giảm biên chế được.

Chúng ta đi từ mô hình nhà nước làm tất cả sang mô hình “nhiều thành phần” được phép làm. Trước thập niên 1990s, chỉ ai được nhà nước cho đi lại [cả trong nước và ra nước ngoài] mới được đi lại, tới chỗ ai cũng có thể ra nước ngoài nếu có tiền. Chỉ riêng bộ máy cấp hộ chiếu đã cần tăng lên gấp trăm lần trước đó.

Nhà nước sinh ra để đảm trách phần lớn dịch vụ công. Có những dịch vụ cung cấp do nhu cầu của dân. Có dịch vụ đưa ra do nhu cầu quản lý. Tôi không bình luận về mô hình chính trị mà biên chế hưởng ngân sách không chỉ có những người ở trong bộ máy nhà nước.

Muốn tinh giảm biên chế thì phải thiết kế một bộ máy nhà nước tối ưu để phục vụ dân; những thủ tục được đặt ra để phục vụ nhu cầu quản lý [như các giấy phép con, các loại lý lịch, giấy xác nhận…] nên bãi bỏ, cắt giảm hoặc [sau khi số hóa] các cơ quan nhà nước tự chia sẻ lấy.

Nếu vì phục dân thì nhà nước chỉ cần đưa ra các tiêu chí: Môi trường, nước sạch, bệnh viện, trường học, đồn cảnh sát, PCCC và trạm cứu thương. Ví dụ, các cơ sở này phải được bố trí sao cho, khi dân gọi 113, mấy phút sau PCCC hoặc cứu thương có mặt.

Chỉ riêng đưa ra và thực hiện đúng nguyên tắc, trường công chỉ được nhận học sinh ở khu vực khác sau khi đã nhận hết học sinh trên địa bàn [không phải phân bố theo quận, phường mà theo sự thuận tiện của giao thông] phụ huynh đã không phải xuôi ngược đưa đón con, mỗi ngày đã giảm được hàng triệu lượt tham gia giao thông không cần thiết.

Nếu xây dựng chính quyền theo tiêu chí này thì chính quyền thủ đô [với các quận đã đô thị hóa xong] không còn cần có cấp phường hoặc cấp quận nữa.

Khi chuẩn bị ý kiến phản đối việc nhập Hà Tây vào Hà Nội, nhóm giúp việc của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, dẫn dắt bởi KTS Nguyễn Trọng Huấn, đã xem xét rất nhiều mô hình đô thị trên thế giới. Nước Mỹ không cần mở rộng Washington D.C. mà D.C. không những vẫn hoàn thành vai trò Thủ đô mà còn đảm đương rất tốt hạt nhân đô thị của cả vùng. Vấn đề là tổ chức kết nối hạ tầng tốt không chỉ cho thủ đô mà còn cho cả Virginia và Maryland nữa [tương tự Boston trở thành hạt nhân cho đại đô thị vùng Massachusettes].

Nếu đi từ cách tiếp cận này thì ngay cả khi phát triển đô thị 2 bên sông hồng, chẳng cần phải nhập Long Biên với Hoàn Kiếm. Vấn đề là khi Long Biên xuất hiện một khu dân cư, thì Hà Nội phải tiên liệu thêm mấy cái cầu qua sông Hồng cho nhu cầu qua lại. Tương tự, không cần phải sáp nhập Nghi Xuân với Cửa Lò, nhưng ngay từ bây giờ lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh đã phải trù liệu cho một thành phố hai bên cửa sông Lam với nhiều nhu cầu kết nối.

Cũng từng có mô hình sáp nhập như Buda – Pest nhưng điều làm nên giá trị của Budapest [Hungaria] không phải là một quyết định hành chánh.

Hà Tây, cho dù mất địa giới trên bản đồ vừa đúng 15 năm, căn cước văn hóa Xứ Đoài không bao giờ có thể xóa. Đừng ngồi ở những nơi mà khi nhìn xuống chỉ thấy quận, huyện ở khía cạnh [cấp] hành chánh mà không nhìn thấy ở đó các địa danh. Trong rất nhiều tên làng, tên xóm, tên sông… có hàm lượng lịch sử, văn hóa của nghìn năm tụ lại.

PS1: Ngay sau khi bài này được public, một cựu bộ trưởng từng phục vụ trong nội các của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải gọi điện thoại trao đổi thêm rất dài và nhiều vấn đề liên quan đến cải cách. Xin tóm tắt ở đây 4 ý chính ông nói có liên quan đến bài viết:

1 – Khi tách tỉnh Bình Trị Thiên, ông cùng cả cả Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Phó chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt vào kiểm tra ở Quảng Bình, chứng kiến cán bộ Quảng Bình không có đủ nhà và giường, phải rải chiếu ngủ dưới nền nhưng uống rượu liên hoan mừng vui như Tết. Ông kết luận, tách – nhập là nhu cầu của quan chứ không phải nhu cầu của dân.

2 – Chuyện tách nhập các đơn vị hành chính chưa bao giờ thành công về mặt giảm biên. Vấn đề biên chế “nằm ở chỗ khác”.

3 – Chúng ta ra các quyết định hành chính tách nhập nhiều những chưa bao giờ quan tâm đến tâm lý của người dân; có những tên làng, tên xóm là niềm tự hào nghìn năm của những cư dân ở đấy, nhưng ta sẵn sàng thay thế nó bằng một tờ A4.

4 – Đừng nói “vì phục vụ dân” trừu tượng quá. Trong một lần lãnh đạo chính phủ ta thăm pháp, chúng tôi hỏi vì sao nước Pháp nhỏ mà có tới 50 tỉnh. Họ trả lời rất đơn giản, ngày xưa lập tỉnh thì việc đầu tiên mà chính quyền phải tính là làm sao tỉnh lị đặt ở đâu để người dân có thể đi bộ lên tỉnh rồi trở về nhà trong ngày.

PS2: Xin mời đọc trích đoạn bài viết của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt công bố trên báo Tuổi Trẻ sáng 5-8-2008, ngày Quốc hội khóa XII nhóm họp trong đó có nội dung bàn việc mở rộng thủ đô Hà Nội.

VÕ VĂN KIỆT: “KHÔNG ĐƯỢC PHÉP ĐƯA THỦ ĐÔ LÀM NƠI THÍ NGHIỆM”

“…Theo tôi, Thăng Long – Hà Nội với nghìn năm lịch sử phong phú, hào hùng, với văn hóa được tích lũy nhiều đời, không phải thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều.

Mặt khác, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp là một mô hình đô thị đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế tri thức mới là mô hình mà các nước đi trước chúng ta đang tìm kiếm.

Thủ đô Thăng Long – Hà Nội có đủ những yếu tố đủ để xây dựng cho mình một thành phố như thế. Thay vì chọn một mô hình đô thị khổng lồ với vô vàn vấn nạn, từ tắc nghẽn giao thông đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thị trường đất đai rối loạn cản trở phát triển kinh tế như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang gặp, Hà Nội nên chọn cho mình mô hình một thành phố lịch sử, văn hóa, đầu tàu về khoa học – kỹ thuật tiên tiến, có quy mô vừa phải, hợp lý, có môi trường đô thị trong lành, văn minh, công bằng, dân chủ, đủ năng lực khai thác, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại trong xây dựng, quản lý vận hành, ngõ hầu tạo dựng một môi trường sống lý tưởng…”

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux