Quốc Phương, RFA
Để xảy ra đại án nghiêm trọng ‘Chuyến bay giải cứu’ mà tòa sơ thẩm ở Việt Nam đang nghị án trong tuần này, hay vụ Que thử Việt Á, mà không có quan chức lãnh đạo cấp cao nhất nào đứng ra xin lỗi người dân, liệu Chính phủ Việt Nam có quá coi thường nhân dân hay không? Đó là câu hỏi được công luận Việt Nam nêu ra. Theo giới quan sát thời sự, chính trị Việt Nam trong nước, câu hỏi đó hoàn toàn ‘chính đáng’ và lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam cần sớm có lời giải đáp.
“Xét xử là về mặt ‘lý’ hay pháp lý, ai sai thì phải đưa ra tòa, còn chính phủ cũng là những con người, để cho trọn vẹn lý tình, phải có động tác xin lỗi. Đúng với ứng xử bình thường của con người, anh sai thì anh phải đền bù đã đành, nhưng anh phải có lời xin lỗi, như trong ứng xử của cuộc sống, tôi nghĩ như thế,” ông Phạm Viết Đào, cựu quan chức cấp từng làm việc trong cơ quan thanh tra thuộc Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao của Việt Nam thời kỳ trước đây nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 24/7/2023 từ Hà Nội, trên quan điểm riêng.
“Tùy theo cán bộ sai phạm trong vụ án ở cơ quan nào, nếu ở cơ quan đảng, thì đảng phải đứng ra xin lỗi, còn gây cho ai, thì phải xin lỗi đối tượng đó. Ở Việt Nam hiện nay, đảng và chính quyền là một, ông vừa là quan chức của chính quyền, của đảng, thì đều phải xin lỗi nhân dân; và người nào ở chỗ nào, gây ra lỗi ở chỗ nào, thì phải xin lỗi ở chỗ đó, như thế mới là hợp lý và thấu tình.”
Bình luận về việc chậm đưa ra lời ‘xin lỗi’ của ban lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam, liên hệ thêm vấn đề và ‘đền bù’ trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, ông Phạm Viết Đào nói:
“Cái này là do ở Việt Nam, mọi ứng xử ở trong nước đối với vấn đề quản lí, quản trị là chưa trọn vẹn. Tôi theo dõi vụ án giải cứu này, Viện Kiểm sát cũng không nói gì đến việc đền bù cho người bị hại, và ngay những người bị hại cũng không có đại diện trong phiên tòa. Như thế không đúng, bởi vì tất cả số tiền hối lộ đó là lấy tiền của dân, lấy tiền của các nạn nhân, chứ không phải là lấy tiền của nhà nước.
Bây giờ trung ương phải có đại diện và trong đường lối của Viện Kiểm sát giữ quyền công tố phải nghĩ đến chuyện tiền ấy phải xử lý như thế nào để người ta thấy rằng được đền bù, trả lại, vì chi phí cao hơn bình thường, và phải trả lại cho người dân thì mới là công minh.”
‘Bộ nào cấp phép, Bộ đó phải đứng ra đền bù’
Trả lời câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu không có sự ‘đền bù’ nào như được đề nghị hay kỳ vọng được đưa ra cho các nạn nhân mà số lượng theo truyền thông Việt Nam lên tới trên 200.000 người, qua trên 1.000 chuyến bay, ông Phạm Viết Đào nói:
“Nếu không ‘ông tòa’ sẽ trở thành một ông ‘trấn (lột)’ khác à? Ông ấy lại còn cao cấp hơn các ông quan chức bị bắt sao? Điều ấy trong văn bản công tố của Viện Kiểm sát không thấy nói gì cả, để xem tòa xử lý thế nào, nếu tòa sơ thẩm không nói chuyện này, thì để cho tòa phúc thẩm xử chăng? Để xem tòa ứng xử ra sao, nhưng tôi thấy hình như là họ ‘quên’, họ ‘bỏ qua’ như những phiên tòa khác…
Theo tôi, tòa này phải có người bị hại, tức là những người mua vé mà phải chịu giá cao, như vậy số tiền thu về, phải đền bù lại cho người dân, cái ấy phải là trách nhiệm của nhà nước đã lập ra phiên tòa, còn nếu không ông này lại ‘chén lại’ của ông kia, thì còn ra gì? Mà có phải là tiền của nhà nước đâu mà nhập vào (ngân sách) của nhà nước? Còn tất nhiên, về việc chi phí, thì nhà nước đã có chi phí của nhà nước rồi. Dù là một đồng hay một nghìn đồng, thì phải đền người ta, trả lại tiền cho người ta, còn nếu lợi dụng để chia nhau tiền đó là không được.”
Về cách thức đền bù cụ thể, theo ông Phạm Viết Đào nói:
“Đã thu về 130 mấy tỉ đồng Việt Nam, lại đã có Bộ Tài chính, các cơ quan lại có bộ phận tài chính và các hội đồng, … Tòa cần giao cho các ban, bộ, như là Bộ Giao thông thu tiền thì phải đứng ra, rồi Bộ Y tế cũng phải đứng ra mà làm theo trách nhiệm của họ. Làm sai thì phải sửa, chứ ai làm hộ? Và đúng ra là trong xử án, thì phải có nội dung nói rằng việc này phải đền bù và giao cho bộ phận nào phải đứng ra xử lý theo quy trình của dân sự để đền bù, chẳng hạn Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông, Bộ Y tế và Bộ Công an, bốn bộ này phải đứng ra xử lý việc dân sự này. Bốn bộ này chịu trách nhiệm cấp phép (các chuyến bay), thì bây giờ các bộ đó phải làm.
Còn nếu không làm việc đó thì tức là làm sai, tiền mà thu về để làm gì? Định xây tượng đài, hay định chia nhau? Bây giờ thu về 130 tỉ đồng VN, tuyên bố rồi, thì tiền đó bỏ vào đâu? Không thể nộp ngân sách được… Bây giờ đối với dân, chủ yếu là phải trả tiền người ta, phải minh bạch chuyện ấy,” ông Phạm Viết Đào nói.
‘Phản bội niềm tin, phải xin lỗi nhân dân và nạn nhân bị lừa’
Cũng hôm 24/7/2023, từ Hà Nội, bình luận về câu hỏi đặt ra cần có một lời xin lỗi của lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam với người dân và các nạn nhân của vụ ‘Chuyến bay giải cứu’, một cựu cố vấn Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam, ông Trần Tiến Đức nói với RFA Tiếng Việt:
“Tôi nghĩ rằng đấy là một câu hỏi rất chính đáng của người dân, vì vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ này kéo dài và không chỉ đụng chạm đến một, hai người mà nó ảnh hưởng đến khoảng 200.000 người dân, trong giai đoạn đại dịch Covid mà người ta ở nước ngoài thấy khó khăn và người ta muốn về nước để điều trị.
Và chúng ta đều biết, việc này liên quan đến Văn phòng Chính phủ, đến năm Bộ, nếu tôi nhớ không nhầm, năm Bộ được thành lập một Tổ thường trực để xử lý tất cả vấn đề này. Như vậy, đến nay 54 người trong đó có các quan chức được đưa ra hầu tòa, và trong đó cũng có các bản án được đề nghị tử hình và các bản án nặng khác. Dư luận hoan nghênh việc đưa ra xét xử, nhưng người ta cũng thắc mắc rằng những người bị nạn là người dân, liệu sau vụ xử này, có được bồi hoàn gì không? Những khoản tiền mà người ta hoàn toàn tin tưởng vào nhà nước mà bỏ ra, mà bị mất tiền, thì bây giờ người ta được bồi hoàn như thế nào?”
Về việc liệu lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam có đưa ra lời xin lỗi các nạn nhân và nhân dân hay không khi để xảy ra vụ việc trên, ông Trần Tiến Đức nói tiếp:
“Tôi nghĩ rằng sau phiên tòa, chính phủ và các bộ liên quan sẽ phải trả lời trước công luận và trả lời trước nhân dân về chuyện này. Những người cầm quyền phải làm, ngày xưa tôi nghĩ là hình như cụ Hồ đã có những lần đứng lên xin lỗi nhân dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Tôi nghĩ rằng đấy là một chuyện bình thường thôi, việc mà các quan chức trong chính phủ để xảy ra những chuyện, những hành vi vi phạm luật pháp mà sâu rộng như thế, mà ảnh hưởng đến uy tìn của chính phủ, thì xin lỗi là một điều tất yếu.”
Theo ông Trần Tiến Đức, vấn đề quản lý khủng hoảng đã không được giảng dạy trong các trường dạy về quản lí công, hay các trường chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, và chính vì vậy rất nhiều cuộc ‘khủng hoảng’ đã được xử lý rất chậm, và ông nói thêm:
“Tôi nghĩ rằng đã là một nhà nước pháp quyền, người có quyền hành thì đồng thời phải có trách nhiệm rất lớn, trách nhiệm giải trình trước cử tri, trước người dân, do đó tôi nghĩ rằng đó là một yêu cầu thích đáng của người dân.”
Trước câu hỏi liệu Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN hay Quốc hội Việt Nam và hay cơ quan bộ, ban ngành có chức năng trong hệ thống chính quyền của ĐCSVN và nhà nước Việt Nam, có trách nhiệm gì không trong vụ việc này, hay là không có trách nhiệm gì, ông Trần Tiến Đức nói:
“Tôi không nghĩ rằng những người có trách nhiệm là vô can, họ phải chịu trách nhiệm, bởi vì tất cả cán bộ đều phải tuyển chọn, được sàng lọc qua một quá trình cũng rất nhiều cấp, nhiều giai đoạn khác nhau và người ta vẫn gọi là được thử thách ở nhiều cương vị khác nhau. Cho nên đến khi có vi phạm về luật pháp, chắc chắn những người đã từng bổ nhiệm họ, đã từng phê duyệt họ, tôi nghĩ là phải chịu trách nhiệm và nhìn chung bộ máy giám sát theo tôi hoạt động chưa hiệu quả, và tôi nghĩ rằng ở trong vấn đề này, vai trò của xã hội dân sự chưa được phát huy.
Tôi nghĩ rằng song song với việc phải tăng cường, củng cố cơ chế và bộ máy giám sát ở trong đảng, trong cơ quan dân cử, trong các cơ quan chính quyền, cũng phải tận dụng hơn nữa những tổ chức đại diện cho tiếng nói của người dân.”
Đánh giá thêm về hậu quả của vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ và việc chính quyền để xảy ra vụ bê bối này, người cũng là cựu Vụ trưởng tại một Ủy ban trực thuộc Chính phủ Việt Nam giai đoạn trước đây nói với RFA:
“Nếu mà nói gọn lại một câu, đấy là sự phản bội lại niềm tin! Bởi vì người dân đã tin tưởng, người ta đặt hết cả niềm tin, thậm chí đặt hết tiền của của người ta vào những cơ quan có trách nhiệm của nhà nước. Bây giờ những niềm tin của họ bị phản bội, họ bị lừa, thì tôi đấy là sự phản bội niềm tin.
Tôi nghĩ xin lỗi là điều chắc chắn phải làm. Xin lỗi thì chắc chắn không khó, nhưng còn đền bù như thế nào, đấy là chuyện các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước phải ngồi với nhau để bàn bạc và xử lý một cách thỏa đáng.”
Cuối cùng trước việc trên công luận Việt Nam có ý kiến đặt ra rằng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ông Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư ĐCSVN ông Nguyễn Phú Trọng cần phải đứng ra xin lỗi, ông Trần Tiến Đức nói:
“Tôi đồng ý với ý kiến đó và nếu làm được việc đó thì sẽ được lòng dân,” cựu cố vấn Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng từ Hà Nội.
Theo truyền thông Việt Nam, sáng 22/7, trong ngày làm việc thứ 10 phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án “chuyến bay giải cứu”, trước khi vào nghị án, Hội đồng Xét xử đã cho phép 54 bị cáo nói lời sau cùng.
Và theo thông báo của chủ toạ phiên toà sơ thẩm, mức án dành cho 54 bị cáo, trong đó có 21 bị cáo bị truy tố về tội ‘nhận hối lộ’, bốn bị cáo bị truy tố về tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, 23 người bị truy tố về tội ‘đưa hối lộ’, bốn bị cáo bị truy tố về tội ‘môi giới hối lộ’ và hai bị cáo còn lại bị truy tố ít nhất một tội liên quan ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, sẽ được tuyên vào 14h chiều ngày 28/7/2023./.
Leave a Comment