Quảng Cáo

Bí thư Tp.HCM muốn vượt gió ngược nhưng bất lực

Quảng Cáo

Trần Chân Dân (VNTB)

Muốn vượt gió ngược nhưng bất lực với muôn trùng rối rắm từ cơ chế, chính sách, con người, tới bối cảnh xã hội, và hậu quả của các thế hệ lãnh đạo trước đây.

Bí thư Nguyễn Văn Nên vừa có phát biểu đáng chú ý về “6 cơn gió ngược” và cách vượt gió của TPHCM tại Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kì thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, ngày 15/07. Theo ông Nên thì kinh tế TPHCM năm 2021 tăng trưởng âm, năm 2022 vừa bật dậy cũng khá mạnh nhưng chưa kịp lấy đà thì đầu năm 2023 tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Những thách thức này như 6 cơn gió thổi ngược cản trở sự tăng trưởng của kinh tế TPHCM và Việt Nam.

6 cơn gió ngược này gồm có 1. Suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn; 2. Hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; 3. Cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; 4. Các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; 5. Các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; 6. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Còn nhớ cuối tháng trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng từng nhắc tới câu chuyện “lái gió” này ở Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Thiên Tân năm 2023. Tại đây, ông Chính có bài phát biểu với chủ đề “Đương đầu với các ‘cơn gió ngược’ Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh”.

Trong bài phát biểu này thủ tướng Việt Nam nêu ra 6 cơn gió như bí thư TPHCM nói. Đồng thời Phạm Minh Chính cũng đề xuất 6 cách vượt gió mà Việt Nam hướng tới. Đó là cần tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, nguồn lực, vừa động lực cho phát triển. Cần tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm. Theo đó, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển. Có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực. Không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trở sự phát triển toàn cầu. Sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột. Tăng cường hợp tác công – tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Còn tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Nên thì yêu cầu địa phương mà ông quản lý cần nỗ lực cố gắng, tận dụng thời cơ vượt qua thử thách, phấn đấu thực hiện để đạt 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ mà Đại hội đã đề ra. Trong đó mục tiêu cao nhất là đến năm 2025 đạt một số tiêu chí đô thị thông minh, TPHCM dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đi đầu đội mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ưu tiên hàng đầu là chuẩn bị nguồn ngân sách, cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.

So sánh bối cảnh thực tế hiện nay và nhìn vào những giải pháp vĩ mô của chính quyền trung ương (phát biểu của ông Chính), cùng các chính sách tại địa phương (theo yêu cầu của ông Nên); có thể nói chiến lược vượt gió của đảng cộng sản sẽ khó thành công.

Về suy giảm kinh tế toàn cầu, đây là tình hình chung của thế giới, Việt Nam không đủ sức để thay đổi vấn đề này. Còn theo đề xuất của ông Chính là phải “tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, nguồn lực, vừa động lực cho phát triển”; thì Việt Nam là càng bất lực. Bởi vì đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn coi phương Tây và Mỹ là kẻ thù, tìm mọi cách công kích các nước phát triển. Ở phương án “đặt người dân là chủ thể” thì nhà cầm quyền độc tài hiện nay lại chỉ có nói mà không có làm. Với họ, đảng luôn là số 1, tất cả các nguồn lực đều phải dồn hết cho đảng. Nếu ai đó muốn đặt người dân làm trung tâm, thì sẽ bị chụp mũ là phản động, chống phá nhà nước.

Về việc xử lý hậu quả của đại dịch, ông Chính lại chối bỏ trách nhiệm mà đặt hi vọng vào các cường quốc khi cho rằng “các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển”. Nói như vậy tức là ông Chính gián tiếp thừa nhận sự bất lực trong việc xử lý hậu quả sau đại dịch. Trong lúc xảy ra dịch bệnh, các quan chức cộng sản lại tận lực hút máu dân qua các đại án về “chuyến bay giải cứu”, Việt Á… Thì sau dịch phải ra toà, ở tù, lấy đâu ra người xử lý hậu quả.

Nói về về cạnh tranh chiến lược, các giải pháp, chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực. Việt Nam hiện nay muốn nước ngoài giảm giá năng lượng, nhưng trong nước thì bán điện, xăng với giá cắt cổ. Giá lương thực nhập về thì cao, xuất khẩu với giá thấp, triệt đường sống của người dân trong nước. Năm nào cũng in tiền, bơm ròng ra thị trường hàng trăm ngàn tới hàng triệu tỷ đồng thì làm sao kiểm soát được lạm phát?

Còn về các xung đột vũ trang thì Việt Nam không có tiếng noi trên trường quốc tế. Vai trò mờ nhạt thậm chí bị coi thường khi liên tục bỏ phiếu trắng tại Liên hiệp quốc về các vấn đề liên quan tới cuộc chiến xâm lược của Putin ở Ukraine. Thủ tướng Việt Nam đề xuất không muốn chính trị hoá các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trở sự phát triển toàn cầu. Nhưng nếu kẻ thù của Việt Nam lại chính trị hoá các vấn đề này thì Việt Nam sẽ xử lý như thế nào?

Cuối cùng, về khả năng chống chịu thích ứng của các nước đang phát triển, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Đây là một nan đề nằm ngoài tầm với của chính phủ Việt Nam hiện nay, khi mà nhân tai nhiều hơn thiên tai. Các công trình chống ngập làm hàng chục năm chưa xong, càng ngày càng đội vốn nhưng chất lượng thì lại là mối đe doạ cho người dân. Là nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu nhưng cũng là nơi có quan chức phá hoại thiên nhiên, đào núi, phá rừng, hút cát, xả thải nhiều nhất.

Ông Nguyễn Văn Nên muốn vượt gió với “ưu tiên hàng đầu là chuẩn bị nguồn ngân sách, cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực”. Nhưng ngân sách trung ương điều tiết cho TPHCM quá ít, làm ra 10 phần, nộp ra Hà Nội hết 8 phần, giữ lại 2 phần thì làm sao mà xoay sở cho thành phố lớn nhất, đông dân nhất Việt Nam? Đó là chưa nói đến vô số bất cập trong cơ chế, chính sách của đảng cộng sản hiện nay.

Có thể thấy TP. HCM, ông Nguyễn Văn Nên, Phạm Minh Chính hiểu rất rõ về vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt, muốn làm rất nhiều để xử lý các nan đề đó. Tuy nhiên phải bất lực trong mong muốn vượt 6 cơn gió ngược này, với muôn trùng rối rắm từ cơ chế, chính sách, con người, tới bối cảnh xã hội, và hậu quả của các thế hệ lãnh đạo trước đây. Giải pháp hiệu quả nhất chỉ có thể là xây dựng một cơ chế mới, để nhân tài có thể tự ứng cử, để người dân có thể bầu chọn ra những lãnh đạo đủ năng lực để lèo lái con thuyền Việt Nam vượt gió an toàn./.

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux