Sau tuần đầu, giờ là lúc có thể nhìn ngang và nhìn dọc những nhân vật chính của “Tấn Trò Đời” – sẽ còn diễn trong nhiều tuần tới tại Tòa Hà Nội – để thử tìm một điểm quy chiếu trước khi tuyên án gia hình “những phường bạc ác tinh ma” …
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đang xét xử, chỉ có một bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình, vì hành vi nhận hối lộ trắng trợn nhất, đó là Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký cho Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Theo tờ “Tuổi Trẻ”, sáng 17/7/2023, VKSND đề nghị 21 người ở nhóm “Nhận hối lộ” mức án từ 2 đến 20 năm tù. Trong nhóm ở Bộ Ngoại giao, VKS đề nghị phạt Nguyễn Quang Linh, Trợ lý của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh 7 – 8 năm; Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao 12 – 13 năm; Nguyễn Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự 18 – 19 năm; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Cục phó Lãnh sự 9 – 10 năm. Ở nhóm “Chạy án”, Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, bị đề nghị 6 – 7 năm; Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an 19 – 20 năm. Phiên xử sơ thẩm còn tiếp tục.
Thật là một “Tấn trò đời”! Hồi một của “Tấn trò đời” này do các quan phụ mẫu và các bị cáo cùng nhau “diễn” trong một tuần qua tại Tòa án Nhân dân Hà Nội tất nhiên không phải là “La Comédie Humaine” của Balzac. 100% câu chuyện ở đây là Việt Nam, là của chính đất nước này, từ chất liệu đến nhân vật, vừa qua hồi cao trào nhất là đề nghị các mức án. “Vở kịch” đang diễn có thể được xem là một trong những công trình “bát ngát mênh mông” nhưng lại do một thực thể đơn nhất chủ công dàn dựng. Thực thể đơn nhất ấy không ai khác là cái thể chế “công an trị” hiện đang bao trùm lên tất cả mọi ngóc ngách của cuộc sống người dân trên giải đất hình chữ S. Đây sẽ là câu chuyện tả thực, một câu chuyện chẳng cần thêm bớt, tuy có thể có vài yếu tố bất ngờ, vể một xã hội đang hỗn loạn và đang rạn nứt.
Để tìm được điểm quy chiếu khả dĩ về vụ án, hãy nhìn ngang và nhìn dọc một số “tuyến nhân vật” và “tuyến sự kiện” xem chúng đã được cấu tứ bằng cách nào? Nghe các ông Công an cùng bà Phó Tổng Giám đốc đối chất với nhau tại tòa là có thể đoán chừng ra được các kịch bản. Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nghẹn ngào, Phó TGĐ công ty Bluesky khóc nức nở… Còn Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đồng thời là Điều tra viên thụ lý chính vụ án Hoàng Văn Hưng thì lại trình diễn một “ngôn ngữ cơ thể” đầy bản lĩnh; cãi phăng phăng để tòa tin rằng, ông bị hai người kia vu oan, và rằng trên thực tế ông không hề đòi tiền, không hề nhận bất cứ một cent nào từ hơn 2 triệu USD ông Tuấn “tố” là đã đưa cho ông qua nhiều đợt, với mục đích để “chạy án”.
Có thể thấy gì đằng sau những giọt nước mắt nghẹn ngào của một Thiếu tướng Công an Nguyễn Anh Tuấn với 44 năm công tác, từng là Thủ trưởng Cơ quan Điều tra (CQĐT), từng là người am tường pháp luật? Phải chăng vì ông Thiếu tướng này, không giống với các ông thiếu tướng khác, thực sự thương người và quá tin người, nên vô tình thành trung gian môi giới cho hành vi hối lộ… và nay bị cáo đang rất ân hận? Lời khai này có lẽ ông Thiếu tướng nói cho một mình ông nghe (Sau khi đã thống nhất đâu đó cách trình bày trước tòa để “chạy tội”), chứ thực ra ai mà tin được. “Đầu có sạn” của một vị tướng an ninh như ông mà lại dễ mủi lòng đến vậy!
Bị cáo Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã 37 lần nhận tiền của 13 đối tác, được cáo trạng xác định, cầm tất cả 21,5 tỉ VND từ các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay giải cứu. Bị cáo Dũng nhiều lần lặp lại lời khai, không ra điều kiện với doanh nghiệp, không gây khó khăn gì cho họ cả. Về những lần nhận tiền, ông Dũng nói, doanh nghiệp chủ động đến gặp ông để cám ơn. Trước tòa, ông Dũng khai không nhớ được hết mọi chuyện và xin thành khẩn nhận lỗi, “lúc đó bị cáo không nghĩ là làm sai, vì bị cáo không liên kết, bàn bạc với ai, không gây khó khăn, đòi hỏi. Bây giờ bị cáo đã nhận thức được sai phạm”, ông Dũng nói. Trình độ một Thứ trưởng Ngoại giao, đã cầm trong tay quyết định do Chủ tịch nước bổ nhiệm chuẩn bị bay sang Tokyo để thay mặt cho ĐCSVN làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại xứ mặt trời mọc mà “ngây thơ cụ” đến như vậy, hỏi có ai tin?
Từ Tô Anh Dũng, cử tọa có thể nghĩ về một đương kim Thứ trưởng khác đầy quyền lực bên Bộ Y tế là Đỗ Xuân Tuyên. Theo luật định, ông Tuyên này đáng ra phải có mặt tại phiên tòa, vì Thư ký Phạm Trung Kiên của ông đã nhận hơn 42,6 tỷ VND, sau 253 lần gặp gỡ các doanh nghiệp. Nếu không xảy ra đại dịch Covid, theo hoạch định từ Bộ Chính trị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên sẽ được “cơ cấu” vào ghế Bộ trưởng Y tế. Trong đại dịch, các cơ quan chức năng đã phải thông qua Thư ký Phạm Trung Kiên để trình ông xem xét, ký duyệt văn bản trả lời các doanh nghiệp. Trong quá trình “trung gian” đó, theo lời khai của một doanh nhân tại tòa, Thư ký Kiên của ông đã quát tháo các doanh nghiệp, đòi họ phải chi số tiền rất lớn để “bôi trơn”. Vậy mà Thứ trưởng Tuyên không hề biết, thậm chí ông đã “nuông chiều” cậu thư ký quá mức, để cho cậu ta một mình nuốt trọn 42,6 tỷ VND (!?)
Từ các ông Thứ trưởng này, dư luận quốc tế đã nhìn lên “đỉnh chóp” quyền lực ở Việt Nam và bình luận: “Đại án chuyến bay giải cứu có liên quan đến quan chức ngoại giao cấp cao, điều này đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của Bộ Ngoại giao Việt Nam,” Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt. Chẳng rõ, vị Giáo sư này có đi quá xa không, khi ông cho rằng, tất cả câu chuyện này tạo nhiều áp lực sau hậu trường và có thể nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Bộ Ngoại giao trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026? Nếu quá trình hoạch định chính sách của ĐCSVN có tầm nhìn xa như thế thì dân Việt Nam đã được nhờ to. Tuy nhiên, Giáo sư Abuza có phần đúng, khi ông chọn điểm quy chiếu của vụ án là đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng.
Phải chăng, nếu có một cơ chế “kiểm soát và cân bằng” (check and balance) như ở các nước dân chủ, thảm trạng Covid-19 ở Việt Nam vừa qua không đến mức tang thương như đã thấy, và biết đâu, hoàn toàn có thể tránh được những vụ án như hiện nay? Vụ đang xử không chỉ là một “vụ án điểm” (từ của ông Trọng dùng). Nó còn là một vụ án “test”. Thử nghiệm cái gì? Theo rò rỉ từ nội bộ, nếu tuyên án vụ này xong mà dân chúng không xuống đường thì mới cho “diễn” tiếp vụ Việt Á! Chính quyền quá lo xa, dân chúng lấy đâu ra sức lực cho những chuyện “bao đồng” như xử quan chức tham nhũng! Dù vụ án “ngoáy mũi” tiếp theo dã man hơn nhiều! Dẫu sao, “chuyến bay giải cứu” này họ ăn tàn bạo thật đấy, nhưng là ăn đa phần của những người còn có tiền. Chứ còn vụ “trói giật cánh khủy để ngoáy mũi” thì ăn cả của “những người khốn khổ”, những người nằm chờ chết và làm cho nhiều người chết theo!
Vụ án đang xử quả thật ngồn ngộn chất liệu, với đầy đủ những “hỉ – nộ – ái – ố” của kịch bản. Liệu rồi đây sẽ có nhà văn nào đủ sức sáng tạo ra tác phẩm để lại cho đời sau? Một khi dân tộc này, đất nước này thoát khỏi họa “toàn trị”, con cháu sẽ nhìn lại và biết đau xót cho một kỷ nguyên đất nước “chưa bao giờ có được… như hôm nay”. Người viết muốn mượn một ‘tứ’ khá đắt của Facebooker Lê Huyền Ái Mỹ khi chị nhìn thấy “bữa tiệc của phiên tòa ‘chuyến bay giải cứu’ mấy hôm nay được ‘thết’ từ nước mắt cùng khổ, sợ hãi của dân tôi, của máu mủ đồng bào tôi”. Câu hỏi đưa ra như một thách thức: “Những ‘thư ký thời đại’ đang ở đâu, họ có đang mở trừng mắt mà nhìn thẳng vào cái hiện thực phơi trần trong từng lời khai mạch lạc, giọt nước mắt ‘trong sáng’, lời thú nhận ‘ngô nghê’, hay đang ngoảnh mặt quay lưng, che mắt, bịt tai để say sưa ngợi ca những niềm tin bất diệt?”. Vào giờ phút này, câu hỏi ấy dường như vẫn đang còn tan biến trong thinh không…
Leave a Comment