Một chi tiết ít người để ý trong trong phiên toà chuyến bay giải cứu là các bị cáo đều đeo khẩu trang khi bị dẫn giải.
Trong khi, cảnh sát dẫn giải lại không.
Lạ hơn, lên bục khai báo, các bị cáo vốn là quan chức này vẫn đeo khẩu trang, dù ai cũng biết nói qua khẩu trang thường khó nghe hơn nhiều.
Vậy lý do là gì?
Covid đã là chuyện dĩ vãng, bằng chứng là cảnh sát dẫn giải và giữ trật tự phiên toà phần nhiều không ai đeo.
Chỉ có thể coi đây là đặc ân cuối cùng của Đảng dành cho những đảng viên ngã ngựa của mình.
Với chiếc khẩu trang, họ sẽ giấu được gương mặt của mình trên báo chí, truyền hình, bớt phần tủi hổ cho bản thân và gia đình.
Thực ra, nếu đây là một chủ trương mới của chính quyền theo hướng tiếp cận về quyền thì cũng tốt thôi. Nghĩa là họ coi quyền nhân thân của bị cáo quan trọng hơn mục đích răn đe của các phiên toà mà họ hay nói đến.
Nhưng nếu thế thì họ phải áp dụng chung cho mọi bị cáo, bất luận người đó có phải là quan chức hay không. Đằng này, nếu chỉ quan chức được quyền đeo khẩu trang còn bị cáo dân thường vẫn bị phơi mặt lên báo chí cho mục tiêu răn đe thì cũng chỉ là đặc quyền đặc lợi mà thôi.
Và nếu thế thì để cho công bằng, trừ những ai có lý do sức khoẻ, các bị cáo quan chức này phải gỡ bỏ khẩu trang ra.
Nói đến đây bỗng nhớ đến hình ảnh kiêu bạc của anh Trần Bang – một cựu binh chống Tàu đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền, trong phiên toà của anh cách đây ít lâu. Hôm đó ban đầu cả anh và các cảnh sát dẫn giải cùng nhân viên y tế đều đeo khẩu trang (có thể là vì lý do sức khoẻ của anh). Tuy nhiên, khi bước xuống bậc thềm toà án, anh đã chủ động gỡ khẩu trang của mình để những bức ảnh trên báo rõ mặt anh, trong một ngày nắng vàng tươi của Sài Gòn.
Đúng là, “có loại tù khiến người ta nhục nhã, nhưng cũng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang.”*
Bản video đầy đủ hơn của bài này có trên kênh YouTube mới của mình, thay vì đọc các bạn có thể xem, nhân tiện nhớ bấm theo dõi, nếu có thể.
[*] Lời của anh Trương Duy Nhất trong phiên toà xử anh vì dám lên tiếng trước bạo quyền.
Leave a Comment