Khi NATO muốn chiếu tướng Trung Quốc

- Quảng Cáo -

(RFI-News)

Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở thủ đô Vilnius của Lithuania (Litva) tuần qua, đề cập Trung Quốc, thông cáo chung của lãnh đạo các nước NATO nêu: “Trung Quốc sử dụng một loạt công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường dấu ấn toàn cầu và phô trương sức mạnh”. Cũng theo thông cáo, “các hoạt động phối hợp độc hại trên không gian mạng của Trung Quốc cũng như những luận điệu đối đầu và thông tin sai lệch của họ nhắm vào các đồng minh và gây tổn hại cho an ninh” của NATO. Bên cạnh đó, lãnh đạo của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand cũng được mời dự hội nghị trên và được NATO chỉ định là “đối tác trên toàn cầu” và có một phiên họp riêng cùng các đối tác châu Á – Thái Bình Dương này.

Động thái trên của NATO đã khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ. Cụ thể, Phái bộ Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng nội dung liên quan Trung Quốc của thông cáo trên đã bóp méo quan điểm và chính sách của Trung Quốc, đồng thời cố tình hạ bệ uy tín của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng phản đối “NATO dịch chuyển về phía đông, hướng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Tiến trình lâu dài

- Quảng Cáo -

Thực tế, không phải đến hội nghị thượng đỉnh tuần qua thì NATO mới thể hiện động thái mạnh mẽ trước Trung Quốc và nỗ lực tăng cường hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương. Đầu năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến Nhật Bản và có cuộc gặp với Thủ tướng chủ nhà Fumio Kishida. Tại cuộc hội đàm, Tổng thư ký Stoltenberg và Thủ tướng Kishida cam kết tăng cường quan hệ, chỉ trích hành động quân sự của Nga ở Ukraine cũng như hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Nga với Trung Quốc đã tạo ra môi trường an ninh căng thẳng nhất kể từ Thế chiến 2. Gần đây, một số thông tin cho hay NATO sắp thành lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản để hai bên tăng cường hợp tác.

Tháng 3.2022, Thủ tướng Kishida cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thư ký Stoltenberg bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Bỉ. Tại cuộc gặp, ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản cũng như Hàn Quốc và Úc.

Không chỉ bình diện chung NATO hay tính riêng Mỹ, các thành viên của khối này thuộc châu Âu gần đây liên tục tăng cường hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) để phản ứng các hành vi của Trung Quốc.

Tháng 9.2021, Hải quân Anh thông báo 2 tàu tuần tra HMS Tamar và HMS Spey đã bắt đầu chương trình tuần tra 5 năm tại Indo-Pacific. Cũng trong năm 2021, tàu sân bay Anh đã có chuyến hải hành đến khu vực và có thời gian hoạt động ở Biển Đông. Tương tự, Đức cũng điều tàu đến khu vực này mà một trong các lý do được lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức từng đưa ra là để Bắc Kinh “đang phá hoại một trật tự thế giới dựa trên luật pháp”. Những năm gần đây, Hà Lan, Canada, Pháp… cũng đã điều động tàu chiến đến Indo-Pacific.

Mối lo ngại của các thành viên NATO

Nhận định khi trả lời Thanh Niên về việc NATO tăng cường hoạt động ở Indo-Pacific nói chung, châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) khẳng định: “Thật vậy, các nước châu Âu có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh ở Indo-Pacific”.

Theo đó, việc Trung Quốc và Nga gần đây tăng cường hợp tác càng thúc đẩy NATO và Nhật phải tăng cường ứng phó. Tài liệu Định hình Chiến lược 2022 của NATO cũng đã nhấn mạnh: “Mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga, cùng những nỗ lực củng cố lẫn nhau của họ nhằm thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đi ngược lại các giá trị và lợi ích của chúng ta”.

Việc Trung Quốc thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường cũng tạo nên thách thức mới nhằm vào nhiều thành viên NATO ở châu Âu. Bên cạnh đó, sự tăng cường hoạt động của quân đội Trung Quốc cũng tạo nên mối lo mới cho nhiều thành viên NATO. Cuối năm 2020, đô đốc Tony Radakin, khi đó là tư lệnh hải quân Anh, phân tích biến đổi khí hậu đang khiến dần hình thành nên tuyến hàng hải chạy theo vùng biển ngoài khơi nước Nga, xuyên qua Bắc Băng Dương thì tàu biển có thể đến châu Âu mà không cần tàu phá băng suốt nhiều tháng trong năm.

Từ đó, đô đốc Radakin đặt ra rủi ro Trung Quốc với lực lượng tàu chiến ngày càng hùng hậu có thể dễ dàng tiếp cận châu Âu bằng nhiều hướng. Tuyến hàng hải phía bắc, vượt qua Bắc Băng Dương, rút ngắn thời gian từ 10 – 12 ngày so với tuyến hàng hải phía nam truyền thống (từ Trung Quốc đi đến Biển Đông, lần lượt qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương rồi đến châu Âu).

Chính vì thế, Trung Quốc dần trở thành mối lo chung của nhiều thành viên NATO.

(RFI-News)

————

17 chiến hạm của 6 nước: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Canada và New Zealand trong một lần hoạt động chung ở biển Philippines.

- Quảng Cáo -