Cộng hòa Liên bang Đức hôm thứ Năm đã công bố chiến lược đầu tiên về Trung Quốc, đánh dấu sự thừa nhận chính thức rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đức cũng như Liên minh Châu Âu (EU) đã thay đổi – và cách tiếp cận, chính sách kinh tế và an ninh cũng cần phải thay đổi.
Tài liệu “Chiến lược về Trung Quốc”, dài 64 trang, gồm có phiên bản tiếng Đức và tiếng Anh, cho rằng: Trung Quốc là một “đối tác”, nhưng đồng thời cũng là “đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống”.
Trong phần mở đầu, nói về quan hệ giữa hai quốc gia, tài liệu đưa ra các nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi sách lược của Đức đối với Trung Quốc.
Thứ nhất, Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, và có những hành động “cản trở các liên lạc với xã hội dân sự, phương tiện truyền thông, viện nghiên cứu và các cơ quan chính phủ”. Điều này đã có tác động đến sự trao đổi giữa Đức và Trung Quốc.
Thứ nhì, Trung Quốc thực thi các chiến lược kinh tế “nhằm làm cho nó ít phụ thuộc hơn vào nước khác, đồng thời làm cho các chuỗi sản xuất quốc tế phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc”. Thêm vào đó, điều kiện tiếp cận thị trường Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng lại bị thắt chặt. Điều này được phản ánh tiêu cực trong thương mại song phương.
Và cuối cùng, nói về chính sách đối ngoại, Trung Quốc đang “theo đuổi lợi ích của mình một cách quyết đoán hơn rất nhiều và đang nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để định hình lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện có”. Điều này đang có tác động đến an ninh châu Âu và an ninh toàn cầu.
Trong một tiểu mục với tiêu đề “Mục tiêu của Chiến lược đối với Trung Quốc”, tài liệu cho biết rằng: “Trung Quốc đã thay đổi. Do kết quả của điều này và các quyết định chính trị của Trung Quốc, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận đối với Trung Quốc”.
Tài liệu nhận định thêm rằng: “một cách tiếp cận thành công đối với Trung Quốc đòi hỏi toàn bộ châu Âu cùng tạo ra ảnh hưởng”.
Vào cuối tháng 6, trong hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu đã thảo luận sách lược chung về Trung Quốc, và đưa ra chính sách “tiếp tục giảm bớt sự phụ thuộc và các lỗ hổng nghiêm trọng, bao gồm cả chuỗi cung ứng của mình, đồng thời sẽ làm giảm rủi ro và đa dạng hóa khi cần thiết và phù hợp.”
Rõ ràng, Đức đang điều chỉnh chính sách của mình đối với Trung Quốc với chính sách chung của EU.
Tài liệu còn chỉ ra trong 3 phần chính, từ trang 18 đến trang 57, cách tiếp cận của Đức với Trung Quốc trước những thách thức phát sinh từ Trung Quốc, bao gồm 3 khía cạnh: quan hệ song phương với Trung Quốc, củng cố quan hệ Đức và EU, và hợp tác quốc tế.
Tóm lại, Trung Quốc vẫn có thể được coi là đối tác thiết yếu trước một số thách thức toàn cầu.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã nói khi trình bày sách lược với nhóm chuyên gia tư duy MERICS Trung Quốc ở Berlin rằng: “Không có Trung Quốc, chúng ta sẽ không thành công trong việc kiềm chế khủng hoảng khí hậu, cũng như không đạt được sự thịnh vượng công bằng hơn trên thế giới”.
Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng “hung hăng trong việc tuyên bố quyền tối cao trong khu vực, thách thức các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, và trở thành một “đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống”. Do đó, nó là hiển nhiên khi Đức và EU thay đổi sách lược nhằm “bảo vệ nền kinh tế châu Âu… trước sự cạnh tranh không lành mạnh” từ Trung Quốc.
Và, có lẽ “kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” cũng nên bị xem xét lại./.
Người Đà Lạt Xưa
Leave a Comment