Hoàng Mai
Chỉ trong vòng có vài ba tuần lễ, vậy mà nhiều sự cố đã liên tục xẩy ra, liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước. Việt Nam phải kiên định phối hợp và cần một chiến lược tổng thể, trước hết cùng với cộng đồng khu vực, đẩy lùi mọi mưu ma chước quỷ, nhằm duy trì “đường chín đoạn” trên Biển Đông.
Kiểm duyệt rồi vẫn “thủng lưới”
12/7/2016 – 12/7/2023: Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ “đường lưỡi bò” (Cow-tongue line), hay còn có thêm hai hỗn danh khác là “đường đứt khúc chín đoạn” (Nine-dash line) và “đường hình chữ U (U-shape line) tròn bảy năm. Đây được coi là chiến thắng pháp lý quan trọng đối với quá trình phủ quyết điều mà chính quyền Trung Quốc “cố đấm ăn xôi” khẳng định bấy lâu nay, “đường lưỡi bò” là “vùng nước lịch sử” của Bắc Kinh. Hiện nay, các nhà làm phim đang phải đối mặt cùng lúc với nhiều vụ xì-căng-đan văn hóa mang ý nghĩa toàn cầu. Chiều 10/7, theo “Dân trí”, Netflix và FPT Play (bản web và bản di động) đã chính thức gỡ bỏ Flight to you (Hướng gió mà đi) do chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Trao đổi với phóng viên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, xác nhận thông tin nói trên. Trong khi đó, phim vẫn được chiếu ở Netflix tại các nơi khác trên toàn cầu.
Hướng gió mà đi – Flight to you – là tác phẩm điện ảnh có nội dung về tình yêu, nêu gương phấn đấu cho sự nghiệp của các bạn thanh niên trẻ. Những hình ảnh không phù hợp trong bộ phim này đã được biên tập, kiểm duyệt và xử lý (làm mờ, cắt bỏ)”. Tuy nhiên, vẫn có một số tập trong phim đã “lọt lưới” kiểm duyệt. Sau quá trình tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ 39 tập phim, kết quả cho biết: Hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên bản đồ trong nhiều cảnh phim (các tập 18, 19, 21, 24 đến 27, tập 38). Đặc biệt trong tập 30, hình ảnh “đường lưỡi bò” được thể hiện rõ nét từ 2 phút đến 2 phút 3 giây. Trong tập 18 phim còn xuất hiện lời thoại và phụ đề: “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới” từ 41 phút 18 đến 41 phút 55 giây. Trước bộ phim này, đã có một số bộ phim khác của nước ngoài sử dụng bản đồ đường lưỡi bò như: “Người tuyết bé nhỏ”, “Nhất sinh nhất thế”, “Lấy danh nghĩa người nhà”, “Một đời một kiếp”, “Em là thành trì doanh lũy” hay “Em là niềm kiêu hãnh của anh”… (1)
Như vậy là bảy năm sau tuyên bố của PCA, như chúng ta thấy, Trung Quốc không từ một thủ đoạn nào, vẫn ngang nhiên tìm mọi cách để thách thức công pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông. Thái độ và hành động ngang ngược này của Bắc Kinh thể hiện qua nhiều hình thức. Từ việc xây lắp đảo nhân tạo và cắt cử lực lượng hải quân tuần tra bất chấp sự tuyên bố từ các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh hải trong khu vực bao gồm Việt Nam. Đặc biệt là sau khi có phán quyết của PCA về “đường chín đoạn”, Trung Quốc liền cho ra đời một loạt các sản phẩm văn hóa, trong đó cố tình “cài cắm một cách tinh vi” các hình ảnh “đường lưỡi bò”, “đường chữ U” trên nền các sản phẩm ấy. Từ “Hướng gió mà đi” (Flight to you) cho đến phim “Barbie” của hãng Warner Bros của Mỹ, hay chuyến lưu diễn của nhóm nhạc K-pop nổi tiếng của Hàn Quốc là BlackPink… Chúng ta thấy “dư luận chiến”, cùng với cuộc chiến về pháp lý và tâm lý chiền, đã kết thành cái “kiềng ba chân”, hay còn có hỗn danh “tam chủng chiến pháp”. Đây là cách thức nhằm “ru ngủ”, nhằm “cắm vào đầu” thế hệ trẻ Việt Nam cũng như công chúng thế giới hình ảnh “đường đứt khúc chín đoạn” như một biểu tượng chiếm hữu trọng vẹn Biển Đông.
Theo thống kê chưa được kiểm chứng đầy đủ, số lượng các sản phẩm văn hóa, các bài báo khoa học có chèn “đường lưỡi bò” tính đến nay, đã vượt lên trên hàng ngàn danh mục, từ năm 2017. Trong khi trước thời điểm ấy rất hiếm thấy. Kể cả khi các học giả đến Trung Quốc để dự các hội nghị hay các diễn đàn khoa học, các cơ quan văn hóa – tư tưởng của Trung Quốc cũng không bỏ lỡ tuyên truyền về Biển Đông, về “đường hình chữ U”. Các công ty du lịch hoặc công ty giải trí của Trung Quốc cũng mang ấn phẩm sang Việt Nam dự hội chợ, phát cho các công ty du lịch, hoặc tinh vi hơn, mang cả phim sang chiếu. “Đường đứt khúc chín đoạn” cũng vào Việt Nam bằng cách in trên áo phông, hộ chiếu của khách du lịch. Điều đáng nói là Việt Nam đã có hệ thống kiểm duyệt thông tin, kể cả hình ảnh, từ trung ương xuống địa phương, nhưng trong nhiều trường hợp “đường lưỡi bò” vẫn lọt lưới.
Muốn đặt chủ quyền trên thần tượng…
Không thể đặt tiền bạc, lợi nhuận hay thần tượng lên trên chủ quyền quốc gia! Xã hội Việt Nam cần sớm hình thành tâm thức tự giác ấy cho các thế hệ, nhất là các bạn trẻ và giai tầng khác. Gần đây, những cặp mắt tinh tường của cư dân mạng đã phát hiện ban tổ chức đêm nhạc BlackPink sử dụng bản đồ có hình lưỡi bò và nhận ra hình lá cờ Việt Nam khổng lồ bằng gốm trên mái nhà tại quần đảo Trường Sa bỗng “trắng xóa” trên phần mềm bản đồ Google Maps. Phim Barbie bị cấm chiếu, đêm nhạc BlackPink bị thẩm tra, phim truyền hình “Flight to you” bị yêu cầu gỡ khỏi Netflix và FPT Play… tất cả vẫn còn nóng hổi thời sự thì vấn đề lá cờ Việt Nam biến mất trên Google Earth càng “gây bão” trong cộng đồng mạng. Trong vòng chưa đầy một tháng, đã có bốn vụ việc xẩy ra liên tục, liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam. Rõ ràng, đây không phải là câu chuyện ngẫu nhiên, hay sơ suất “liên quan đến hình ảnh đang hiển thị do chất lượng ảnh kém” như trả lời của phát ngôn viên của Google (2). Cư dân mạng phát giác ra vấn đề là dấu hiệu trưởng thành của “tâm thức Việt”.
Tâm thức này hoàn toàn đối ngược lại với các lập luận cho rằng, bản đồ bị cáo buộc không chứa hình lưỡi bò như một số người lên án. Đấy chỉ là các nơi chốn mà BlackPink sẽ lưu diễn, do vô tình tạo thành hình thù giống cái lưỡi bò. Đồng thời, nhóm “ba phải” này lên tiếng bảo vệ BlackPink, lập luận rằng, ban nhạc không có lỗi, mà lỗi là do nhà tổ chức. Quan điểm này kêu gọi cần phải tẩy chay đúng người, đúng việc. Thậm chí, có “fan” cho rằng, cấm Barbie vì chứa “đường chín đoạn” có thể là sự nhầm lẫn và rằng, nét đứt đoạn trên bản đồ mà được xem là “đường lưỡi bò” thực ra là vệt bao quanh đảo Greenland, nước Ireland và Iceland ở Bắc Đại Tây Dương (3).Trong khi đó, nhiều khán giả vẫn khẳng định, trang chủ website iME có đăng bản đồ hình ảnh “đường lưỡi bò” mà Việt Nam phản đối. Dưới bài viết, hàng trăm bình luận bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh kêu gọi iME tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam kèm theo lời khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Một số khác cực đoan hơn đã kêu đơn vị này “cút khỏi Việt Nam” và gạch đỏ tất cả hình ảnh quảng bá về show diễn. Nhiều người “truy vết” công ty iME có nguồn gốc Trung Quốc nên quảng bá luận điệu và yêu sách của nước này về chủ quyền Biển Đông, đi ngược lại với tuyên bố của Việt Nam.
Nhạc sỹ Tuấn Khanh vừa nêu lên một thực tế đáng báo động: Về mặt chống tuyên truyền “đường chín đoạn” cho Trung Quốc, lâu nay Nhà nước Việt Nam đã sử dụng đến 70% sức mạnh của mình để chỉ kiểm soát người dân trong nước, nhằm không cho những tổ chức hay cá nhân nào lên tiếng phản đối, và chỉ sử dụng khoảng 30% mang tính ứng xử ngoại giao với Trung Quốc về việc này mà thôi (4). Người viết bài này cho rằng, tỷ lệ này chưa được “lý tưởng” đến như vậy. Xuất phát từ não trạng cho rằng, trong vấn đề chủ quyền biển đảo, chỉ có những cơ quan chức năng mới được quyền lên tiếng. Còn người dân, nhất là “không gian dân sự” hầu như không có chỗ đứng, thì tỷ lệ ấy thấp hơn rất nhiều! Cho nên muốn ngăn chặn được hiện tượng kiểm duyệt rồi mà vẫn “thủng lưới”, muốn đặt vấn đề chủ quyền đất nước lên trên thần tượng của giới trẻ, Nhà nước phải thay đổi cơ bản về chính sách. Phải chấm dứt ngay việc đàn áp các tổ chức dân sự như Nhóm “No U”, hay các tập hợp xung quanh khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”!
________
Tham khảo:
- https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-drama-fans-found-another-chinese-drama-using-9-dash-line-map-07082023091519.html
- https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckvyd3317xeo
- https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2xk0rpp818o
- https://www.quyenduocbiet.com/a13081/ban-do-duong-chin-doan-va-thoi-van-hoa-giai-tri
Leave a Comment