Ks Nguyễn Ngọc Bảo
Vào ngày thứ ba 27/6/23, Nahel M. một thiếu niên 17 tuổi trong vùng ngoại ô Nanterre, phía Tây Bắc Paris, đã bị cảnh sát bắn chết, khi muốn lái xe vượt chạy khỏi sự kiểm soát của cảnh sát. Cuộc điều tra đang diễn ra và cho thấy, việc xử dụng súng không cần thiết trong biến cố này. Ngay sau đó, trong bốn ngày liên tiếp vừa qua, các cuộc bạo loạn đã xảy ra trên hầu hết các thành phố lớn tại Pháp như Paris, Lyon, Marseille, Nantes, Bordeaux, Toulouse, Lille, Strasbourg,….
Ngay khi trời tối xuống, qua các tin tụ họp, truyền đi qua mạng xã hội, các nhóm gồm hàng trăm, hàng ngàn thành phần trẻ, bịt mặt, trang bị cây sắt, cocktail molotow, chai xăng, bàn tay sắt, đã tụ tập và tan biến nhanh chóng khi cảnh sát ập tới, đập phá, đốt cháy các cửa tiệm thương mại, tiệm ăn, các bót cảnh sát, chi nhánh ngân hàng, các tòa thị xã, ngay cả các văn phòng Hồng Thập Tự, các NGO thiện nguyện, ngay các trung tâm chẩn bệnh lưu động đều bị đập phá tan tành, đốt cháy. Hàng trăm chiếc xe cá nhân và xe buýt bị đốt cháy, khiến các tuyến xe bus bị gián đoạn làm hàng chục ngàn người không có phương tiện di chuyển để đi làm.
Đã có ít nhất hơn 3000 người đã bị bắt, trong đó có một số đông là thiếu niên từ 13, 14, 15 tuổi. Trong số này có một đa số thuộc thành phần da màu, sống tại các vùng ngoại ô « nóng » tại Pháp. Hơn 700 nhân viên công lực cũng bị thương trong các cuộc xô xát, săn đuổi suốt đêm với các nhóm đập phá, hôi của. Hơn 45.000 nhân viên công lực và cả xe bọc thép được bố trí tại các thành phố tại Pháp để chống bạo loạn. Hơn 200 thị trưởng đã kêu cứu chính phủ trước tình hình bạo loạn vượt khả năng kiểm soát tại địa phương quản nhiệm của họ. Mới đây mức độ bạo loạn, thách đố nhà cầm quyền đã lên cao, khi một nhóm nhỏ đã dùng xe ủi vào nhà riêng một thị trưởng vùng ngoại Nam Paris tại L’Hay Les Roses, vào đêm khuya, khiến có người vợ và 2 đứa con nhỏ trong nhà, đã phải bỏ nhà chạy trốn và bị thương nhẹ.
Những vụ bạo loạn đã xảy ra nhiều lần tại trong vòng 50 năm qua tại Pháp. Sau hơn 3 năm sinh hoạt bị đình tệ vì COVID, nay các bạo loạn này đang gây nhiều tác hại về mặt kinh tế, du lịch tại Pháp, nhất là trong mùa hè với ngành du lịch rất phát triển tại Pháp. Và có thể có ảnh hưởng đến vấn đề tổ chức Thế Vận Hội 2024 tại Pháp. Có rất nhiều lý do có thể giải thích các cuộc bạo loạn này, chứ không phải duy nhất là vấn đề di dân:
a) đối xử bất công đối với các cộng đồng da mầu (một hình thức kỳ thị ít lộ liễu và khó truy tìm) tiềm tàng trong các guồng máy hành chánh, hãng xưởng,
b) hố sâu giàu nghèo ngày càng lan rộng, thất nghiệp hơn 30% trong giới trẻ tại các vùng ngoại ô nóng, với lợi tức từng gia đình rất thấp, so với 7% trên cả nước,
c) chính sách chỉnh trang đô thị, hỗ trợ các vùng ngoại ô « nóng », hội nhập từ hàng chục năm nay không thành công, vì chỉ đi từ ngọn xuống qua một tuyệt đại thiểu số ưu tú về thể thao, âm nhạc, chứ không xuống đến số đông,
d) Thái độ u lì không giải quyết vấn đề của chính giới, chủ trương khoan nhượng của giới quan tòa, vì các quan điểm về xã hội, phát triển kinh tế, hội nhập hoàn toàn khác biệt giữa các đảng phái,
e) chính sách di dân (hậu quả đến từ cả một quá trình dài không kiểm soát, tuy đây không phải là vấn đề quan trọng duy nhất),
f) tác động dây chuyền, lan tỏa nhanh chóng của các mạng xã hội qua các điện thoại di động.
Trong một thế giới rộng mở, liên lập, và qua sự liên hệ gắn bó của sự phát triển kinh tế ngày nay với các lãnh vực khác về giáo dục, y tế, di dân, hội nhập, cần phải chủ trương một chính sách toàn diện ngay từ đầu để làm bớt đi các hậu quả xấu như đã xảy ra tại Pháp và một số quốc gia khác.
1) cần cho người dân thấy nhu cầu liên đới, tương trợ cho các thành phần nghèo khổ, khốn khó cần phải được chia xẻ và quảng bá rộng rãi, chứ không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, một số địa phương, thành phần dân tộc gánh chịu,
2) cần có một chính sách dài hạn hội nhập cụ thể với ngân sách, phương tiện về giáo dục, y tế, nhà cửa, đối xử công bằng, tôn trọng nhân phẩm,
3) kiểm soát chính sách di dân, chấp nhận những nạn nhân bị đàn áp, tù đày nhưng cần sàng lọc những người di dân, muốn đến định cư, ngày nay không có một quốc gia nào dù giàu có đến đâu cũng không thể nào, mở rộng cửa cho làn sóng di dân,
4) cần một chính sách thông tin, giáo dục phổ quát, để cho mọi người dân (bản xứ hay di dân) đều phải có trách nhiệm và bổn phận khi được hưởng các tiện nghi về giáo dục, y tế, nhà cửa, an ninh tại quốc gia tiếp cư,
5) Tiến hành một chính sách giáo dục phổ thông, đại chúng, để cho giới trẻ nhận thức ra ngay, nhu cầu liên đới, tôn trọng nhân phẩm, những giá trị tinh thần cao đẹp, ngay ở tuổi nhỏ nhất, để cùng thăng tiến.
Đó là những hướng Việt Tân chủ trương để nhằm giải quyết từ gốc rễ những mầm mống bạo loạn như vừa thấy tại Pháp, tuy nhiên có thể xảy ra tại bất cứ quốc gia nào, trong tình hình thế giới ngày nay.
Ks Nguyễn Ngọc Bảo
Leave a Comment