Cho dù sinh hoạt kinh tế – xã hội đã trở lại gần như bình thường nhưng nhìn một cách tổng quát thì điện vẫn còn là ẩn họa đối với Việt Nam. Cuối tuần trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) loan báo: Từ 23/6/2023, về cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu về điện của miền Bắc vì lượng nước đổ về các hồ thuỷ điện đã tăng đáng kể, ngoài ra đã khắc phục được sự cố ở các nhà máy nhiệt điện, đã tăng việc đấu nối nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo vào hệ thống, nhiệt độ giảm xuống nên nhu cầu về điện không còn lớn như trước,…
Tuy nhiên đó chỉ là hy vọng! Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thì mực nước của các hồ thủy điện vẫn còn thấp nên công suất khả dụng chưa cao và trong trường hợp cực đoan không có lũ về hoặc lưu lượng lũ thấp thì việc sử dụng lượng nước còn lại trong các hồ để phát điện sẽ ảnh hưởng đến khả năng tích nước để duy trì hoạt động sau đó của các nhà máy thủy điện (1). Tin mới nhất từ EVN là tính đến sáng 26/6/2023, trên toàn miền Bắc chỉ mới có Nhà máy thủy điện Hòa Bình phát điện (2). Nói cách khác, sự ổn định trong sinh hoạt kinh tế – xã hội tại Việt Nam phụ thuộc vào… Trời!
***
Hiệu quả hoạt động của EVN vốn là vấn nạn kéo dài trong nhiều thập niên và dường như vấn nạn này vô phương khắc phục. Thỉnh thoảng, EVN cảnh báo thiếu điện và theo sau luôn là những đại họa cho môi trường, dân sinh. EVN là bà đỡ cho hệ thống thủy điện, hệ thống nhà máy đốt than phát điện… Hậu quả và di họa của những hệ thống này thế nào có lẽ không cần phải đề cập vì ai cũng có thể kể rành rọt. Thỉnh thoảng EVN than lỗ và nếu chính quyền Việt Nam không xuất công quỹ để bù lỗ thì dân chúng Việt Nam sẽ phải gánh thêm đủ loại chi phí do giá điện tăng.
Cho dù năng lượng nói chung luôn là nan đề của mọi quốc gia và không dễ tìm được giải pháp tối ưu nhưng không có quốc gia nào giải bài toán năng lượng như Cộng hòa XHCN Việt Nam. “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” đã giúp EVN trở thành đại diện chính quyền để giải bài toán năng lượng. Đến nay, không những chẳng có đáp án nào đúng mà đáp án nào cũng thuộc dạng… không thể tưởng tượng được vì sao EVN nói riêng và chính quyền Viẹt Nam nói chung lại nhất trí với những phương thức giải hết sức quái gở như thế.
Ví dụ EVN lỗ hàng trăm ngàn tỉ và đã có một số cá nhân hữu trách đề nghị chuyển 130.000 tỉ lẽ ra phải đầu tư vào các dự án phúc lợi công cộng cho EVN để giúp EVN… bù lỗ (3) nhưng các doanh nghiệp thành viên của EVN vẫn có hàng chục ngàn tỉ cho vay, nhờ vậy, mỗi năm thu về hàng trăm tỉ tiền… lãi (4). EVN còn gây sửng sốt, phẫn nộ vì thản nhiên dùng nguồn vốn mà quốc gia giao phó để bảo đảm an ninh năng lương vào việc kinh doanh đủ thứ từ nhà hàng, khách sạn, sân golf, đến ngân hàng, chứng khoán và xây biệt thự, sân tennis, hồ bơi,… nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong ngành (5)…
***
Sự phẫn nộ của công chúng và sự hỗn loạn trong sinh họat kinh tế – xã hội từ trung tuần tháng trước đến thượng tuần tháng này do thiếu điện nghiêm trọng khiến cắt điện liên tục trên diện rộng đã khiến chính quyền Việt Nam phải thành lập “Đoàn Thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 01/1/2021 đến ngày 01/6/2023” (6). Quyết định vừa kể khiến nhiều người hả dạ nhưng… sau đó thì sao, giá bán điện sẽ hợp lý, hiệu quả hoạt động của EVN sẽ tốt hơn, an ninh năng lượng quốc gia sẽ tránh được tình trạng bất ổn vì nguồn điện khiếm hụt?
Phải hỏi như thế vì năm 2013, vì tình trạng giống hệt như vừa chứng kiến, chính quyền Việt Nam đã phải tổ chức một cuộc thanh tra tương tự và nếu chịu khó đối chiếu thực trạng ở cả hai giai đoạn – trước khi tiến hành thanh tra và sau khi có kết luận thanh tra hẳn sẽ dễ dàng nhận ra… “mèo lại hoàn mèo”. Chẳng biết có phải vì cũng tin chắc kết quả vẫn sẽ như thế hay không mà lần này, song song với việc thành lập “Đoàn Thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN” từ đầu năm 2021 đến giữa năm nay còn có thêm… “Đoàn Giám sát” hoạt động thanh tra.
***
EVN là… “con lai” giữa “kinh tế thị trường” và “định hướng XHCN”. Bởi khác “loài” nên EVN khó có thể giống với phần còn lại của thiên hạ. Thực tế cho thấy, bởi vừa kinh doanh, vừa làm… “nhiệm vụ chính trị” – đảm nhận vai trò duy trì và phát triển an ninh năng lượng quốc gia nên EVN có thể tùy nghi tới mức… tùy tiện. Chưa biết hoạt động cung ứng điện, giá bán điện sẽ ra sao, an ninh năng lượng quốc gia sẽ như thế nào nhưng nhờ là… “con lai” lương, thưởng của lãnh đạo EVN có lẽ sẽ tiếp tục vượt xa nhiều giới ở Việt Nam và không chỉ có thế…
Hồi trung tuần tháng 1 năm nay, Đoàn TNCS HCM tổ chức bầu chọn BCH TƯ Đoàn khóa 12 và thiên hạ không ngớt trầm trồ về thành viên trẻ nhất – “anh” Dương Thái Anh, chỉ mới 24 tuổi (7). Khác với đa số thanh niên Việt Nam, vừa tốt nghiệp đại học là “anh” Dương Thái Anh được nhận vào EVN làm việc và ngay lập tức được bầu làm Bí thư Đoàn TNCS HCM của EVN – nơi ông Dương Quang Thành, thân phụ của “anh” làm Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Rồi chẳng biết có phải vì thân phụ của “anh” còn là Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương hay không mà chỉ ít tháng sau, “anh” tiếp tục được “bầu” vào BCH Đoàn TNCS HCM Khối doanh nghiệp Trung ương. Bước tiếp theo là “anh” được bầu làm Ủy viên BCH TƯ Đoàn TNCS HCM và chắc chắn “anh” còn đi rất xa để tiếp tục sự nghiệp của cha chú dẫn dắt thanh niên xây dựng CNXH tại Việt Nam. Chuyện này có liên quan gì đến “con lai” giữa “kinh tế thị trường” và “định hướng XHCN” không? Có! Vẫn là chuyện… “con nhà tông”, và đó là lý do EVN không chỉ là chuyện về điện hay an ninh năng lượng quốc gia. EVN còn thuộc phạm trù khác…
Chú thích
(3) https://thanhnien.vn/de-xuat-nha-nuoc-chi-130000-ti-dong-de-evn-cat-lo-185230523214135141.htm
(5) https://tuoitre.vn/evn-dau-tu-ngoai-nganh-sai-quy-dinh-hon-45000-ti-589652.htm
Leave a Comment