Khi Facebook bắt đầu bùng phát ở Việt Nam cách đây hơn một thập kỷ, nó giống như một “cuộc cách mạng”. Lần đầu tiên, mọi người trong nước có thể trao đổi trực tiếp về các vấn đề thời sự, đăng bài về sự tham nhũng của các quan chức và sự lãng phí của nhà nước, chọc thủng lỗ hổng trong hệ thống tuyên truyền của đảng cộng sản cầm quyền.
“Nó giống như một sự giải phóng, và chúng tôi là một phần của nó,” một trong những nhân viên đầu tiên của Facebook châu Á cho biết.
Trên thực tế, Facebook chưa bao giờ chính thức “khai trương” ở Việt Nam, ngay cả vào thời điểm tháng 6 năm 2008 khi công ty yêu cầu người dùng trang web để giúp chuyển dịch sang tiếng Việt.
Một năm sau đó, Facebook đã trở thành một trang web xã hội phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, với số lượng người dùng tăng từ khoảng 100.000 vào tháng 6 lên gần 1,1 triệu vào tháng 11 năm 2009, và được xem như một công cụ hàng ngày của người Việt trong nước, đặc biệt là những người trẻ, để duy trì kết nối.
Khi mức độ phổ biến của Facebook đưa Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ bảy trên toàn thế giới, thì nhà nước VN ngày càng yêu cầu nhiều hạn chế hơn.
Và kể từ đó, gã khổng lồ truyền thông xã hội Meta, công ty sở hữu Facebook, đã nhiều lần nhượng bộ nhà nước, thường xuyên kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến, và áp dụng ngay cả việc trừng phạt bằng cách khóa tài khoản của những người bị nhà nước coi là mối đe dọa.
Meta đã thông qua một danh sách nội bộ các quan chức đảng cộng sản Việt Nam không nên bị chỉ trích trên Facebook, theo một bài viết của ký giả Rebecca Tan đăng trên Washington Post vào ngày 19 tháng 6.
Danh sách này, được giữ kín ngay cả trong công ty và chưa từng được báo cáo công khai trước đây, đã đưa vào các hướng dẫn được sử dụng để kiểm soát nội dung trực tuyến và phần lớn được định hình bởi nhà nước Việt Nam.
“Danh sách tên như vậy đối với Việt Nam là duy nhất ở Đông Á,” các cựu nhân viên cho biết.
Giám đốc điều hành Meta đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi về kiểm duyệt, sự bịt miệng người dùng Facebook và danh sách các quan chức đảng cộng sản. Trong một tuyên bố, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công của Meta tại Đông Nam Á, cho biết công ty “tự hào về các khoản đầu tư của mình tại Việt Nam”.
“Trọng tâm là đảm bảo càng nhiều người Việt càng tốt có thể sử dụng nền tảng của chúng tôi để xây dựng cộng đồng và thể hiện bản thân,” ông nói.
Mặc dù các chính phủ trên khắp thế giới có thể yêu cầu Facebook gỡ bỏ nội dung mà họ cho là bất hợp pháp, nhưng những nhượng bộ mà Meta đã thực hiện để duy trì quyền truy cập của mình tại Việt Nam — quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới — vượt xa những nhượng bộ mà Meta đã đưa ra ở bất kỳ nơi nào khác ở Đông Á, theo các chuyên gia và nhân viên cũ của Facebook đã rời công ty từ năm 2018 đến năm 2023
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Duy Đông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nhà nước đã có “sự hợp tác tốt” với Meta trong việc loại bỏ các nội dung “không phù hợp”, và khẳng định rằng “càng ngày, họ càng hiểu rõ hơn các yêu cầu của luật pháp Việt Nam”.
Meta đã theo dấu các yêu cầu kiểm duyệt của Việt Nam từ năm 2017. Tính đến tháng 6 năm 2022, nó đã chặn hơn 8.000 bài đăng, hầu hết bị cáo buộc chứa “nội dung chống đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam” hoặc thông tin “xuyên tạc, vu khống hoặc xúc phạm” các tổ chức hoặc cá nhân. Các hạn chế đạt đỉnh điểm vào năm 2020 với 3.044 lượt xóa bài trước thềm Đại hội đảng vào năm 2021.
Mặc dù Meta chưa công bố dữ liệu trong 11 tháng qua, nhưng Bộ Thông tin Việt Nam cho biết, từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5 năm nay, có hơn 400 bài đăng trên Facebook là “lừa đảo” hoặc “chống phá nhà nước”, và 91% trong số đó đã bị xóa bởi Meta.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ và đồng minh hiện đang đặt ưu tiên cao hơn cho việc cải thiện quan hệ với Việt Nam như một phần trong việc đối đầu với Trung Quốc, các vấn đề nhân quyền dường như đang bị gạt bỏ sang một bên.
Nguyễn Khắc Giang, một nhà nghiên cứu tập trung vào Việt Nam tại Viện ISEAS Yusof-Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết “bất chấp lời kêu gọi của các nhóm nhân quyền, phản ứng của chính quyền Biden đối với cuộc đàn áp quyền tự do ngôn luận của Việt Nam đã bị hạn chế”.
Ông Giang cho biết Hoa Kỳ thỉnh thoảng đưa ra các tuyên bố nhưng không gây áp lực rõ ràng về ngoại giao hay tài chính đối với Việt Nam.
Đại sứ Liên minh châu Âu, ông Giorgio Alberti, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng nhà nước Việt Nam đã không tuân thủ đầy đủ những lời hứa với EU về việc cải thiện nhân quyền. Nhưng ông nói thêm, sẽ là “thiển cận” nếu chỉ tập trung vào điều đó, xét đến tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam.
Và, tập đoàn cầm quyền ở Hà Nội cũng biết như thế.
Facebook Việt Nam sẽ đi về đâu?
Giống như tiêu đề bài viết của cô Rebecca Tan, Facebook đã từng giúp mang lại tự do ngôn luận cho Việt Nam. Bây giờ nó đang giúp để kìm hãm lại quyền đó.
Người Đà Lạt Xưa
Leave a Comment