KỲ 4: NGƯỜI TỐ GIÁC TỰ THÚ TRONG VỤ ÁN NHÀ GIÁO LÊ THỊ DUNG
Căn cứ các bút lục có trong hồ sơ vụ án, kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm, đánh giá chứng cứ liên quan tại phần tranh luận, các luật sư bào chữa chúng tôi nhận thấy việc thu thập chứng cứ về tự thú của người tố giác Nguyễn Thị Hương không tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:
Tại Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm đều ghi nhận ngày 04/10/2021, Nguyễn Thị Hương đến cơ quan Công an huyện Hưng Nguyên tự thú. Việc ghi nhận ngày tự thú 04/10/2021 này là không đúng vì mâu thuẫn với tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án – đó chính là Đơn tự thú ngày 02/11/2021 của Nguyễn Thị Hương (BL 10). Đây cũng đồng thời là ngày Nguyễn Thị Hương có Đơn tố giác ngày 02/11/2021 đối với Nhà giáo Lê Thị Dung.
Cũng xin nói thêm, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên lập Biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đối với Nguyễn Thị Hương, nhưng tại biên bản này lại ghi nhận: “Cùng với việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bà Nguyễn Thị Phương Thúy nộp kèm theo đồ vật, tài liệu (nếu có), gồm: Không” (BL 17). Thật kỳ lạ và cũng thật bi hài khi Biên bản tiếp nhận tố giác của Nguyễn Thị Hương nhưng ghi tên người nộp tài liệu lại là Nguyễn Thị Phương Thúy!
Tại Đơn tự thú ngày 02/11/2021, Nguyễn Thị Hương tự thú như sau: “nhận thức việc làm trên trái pháp luật nên tôi đã trực tiếp đến cơ quan điều tra tự thú về hành vi sai phạm của mình để nhận khoan hồng theo quy định của pháp luật” (BL 10). Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đã tiến hành lập Biên bản tiếp nhận người phạm tội ra tự thú đối với Nguyễn Thị Hương vào hồi 08h00 ngày 02/11/2021 (BL 11).
Tại phiên tòa phúc thẩm, điều tra viên giải thích sở dĩ có sự mâu thuẫn ghi nhận về ngày tháng tự thú của Nguyễn Thị Hương là do ngày 04/10/2021 Nguyễn Thị Hương đến cơ quan Công an huyện Hưng Nguyên tự thú nhưng không mang theo tài liệu gì để tự thú và cũng không lập Biên bản tiếp nhận người tự thú với Nguyễn Thị Hương. Về phía Nguyễn Thị Hương, tại phiên tòa phúc thẩm cho lời khai là ngày 04/10/2021 có đến Công an huyện Hưng Nguyên để xin tư vấn về việc tự thú, do không mang tài liệu nên xin phép đi về để chuẩn bị tài liệu; không lập Biên bản làm việc.
Nhận thấy, việc tự thú của một người phạm tội chỉ được phép xác định 01 ngày, không thể có 02 ngày vì ngày tự thú chính là ngày để Cơ quan điều tra bắt đầu thực hiện trình tự, thủ tục người phạm tội tự thú theo quy định của pháp luật. Ngay từ ngày 04/10/2021 Nguyễn Thị Hương đến Công an huyện Hưng Nguyên để tự thú mà Cơ quan điều tra không lập biên bản, không lấy lời khai của Nguyễn Thị Hương, không thông báo cho VKSND huyện Hưng Nguyên là vi phạm quy định tại Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 152 BLTTHS 2015 quy định như sau:
“1. Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú, đầu thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.
…
- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp”.
Do đó, ngay từ ngày 04/10/2021, khi Nguyễn Thị Hương đến tự thú, mà Công an huyện Hưng Nguyên không lập biên bản tiếp nhận người phạm tội ra tự thú, không ghi lời khai, không thông báo bằng văn bản cho VKSND huyện Hưng Nguyên là hoàn toàn trái pháp luật, như đã viện dẫn trên đây.
Tiếp tục, đánh giá đối với chứng cứ Đơn tự thú ngày 02/11/2021 (BL 10) của Nguyễn Thị Hương và Biên bản tiếp nhận người phạm tội ra tự thú đối với Nguyễn Thị Hương ngày 02/11/2021 (BL 11) thì thấy rất rõ vi phạm pháp luật của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên như sau:
+ Thứ nhất, căn cứ Thông báo về việc người phạm tội tự thú số 611 ngày 04/11/2021 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên gửi VKSND huyện Hưng Nguyên (BL 13), đủ cơ sở xác định Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đã vi phạm khoản 3 Điều 152 BLTTHS 2015, do việc tiếp nhận Nguyễn Thị Hương tự thú từ 8h00 ngày 02/11/2021 nhưng đến ngày 04/11/2021 mới có văn bản thông báo cho cơ quan Viện kiểm sát, không tuân theo quy định thông báo trong phạm vi 24 giờ theo quy định.
+ Thứ hai, khi Nguyễn Thị Hương đến tự thú và được Cơ quan Công an huyện Hưng Nguyên lập Biên bản tiếp nhận người phạm tội tự thú thì đã đủ điều kiện và bắt buộc phải khởi tố vụ án vì khoản 6 Điều 143 BLTTHS 2015 quy định phải khởi tố vụ án khi xác định có dấu hiệu phạm tội; việc xác định dấu hiệu phạm tội dựa trên người phạm tội tự thú.
+ Thứ ba, khoản 1 Điều 153 BLTTHS cũng quy định cơ quan điều tra phải tiến hành khởi tố hình sự đối với tất cả các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, việc Nguyễn Thị Hương đến tự thú đã là minh chứng rõ ràng có dấu hiệu phạm tội, nhưng không khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hương.
Rõ ràng, Nguyễn Thị Hương là người phạm tội tự thú và Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đã lập Biên bản tiếp nhận, đã thông báo cho cơ quan VKS huyện Hưng Nguyên, thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xin phê chuẩn và áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định tại thời điểm này đối với Nguyễn Thị Hương. Tuy nhiên, đến ngày 26/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên mới khởi tố vụ án (BL 18) và đồng thời khởi tố bị can đối với Nhà giáo Lê Thị Dung (BL 23), trong khi theo quy định của pháp luật và thực tế sự kiện tự thú thì ngay vào ngày 02/11/2021 phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Thị Hương, ban hành Lệnh khám xét, thu giữ tài liệu, đồ vật… mới đúng pháp luật.
Đến ngày 15/8/2022 Nguyễn Thị Hương mới bị khởi tố theo Quyết định khởi tố bị can số 102/QĐ-CSĐT(HS-KT-MT) của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên (BL 24) là trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại khoản 6 Điều 143 BLTTHS 2015.
Người bào chữa chúng tôi vô cùng kinh ngạc vì trong thực tiễn tố tụng hành nghề, chưa từng gặp trường hợp nào có người phạm tội tự thú nhưng không những không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can đối với người phạm tội tự thú, mà còn để người phạm tội tự thú ung dung, tự do ngoài xã hội như một công dân bình thường. Sai phạm nghiêm trọng này không chỉ thuộc Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên, mà còn có trách nhiệm rất lớn của VKSND huyện Hưng Nguyên, bởi lẽ VKS đã được thông báo về người phạm tội tự thú.
Chính vì sai phạm này của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên và VKSND huyện Hưng Nguyên nên dẫn đến việc xác định hoàn toàn sai tư cách tố tụng của Nguyễn Thị Hương trong cả một thời gian dài tố tụng vụ án (tính từ ngày 02/11/2021 đến ngày 15/8/2022 Nguyễn Thị Hương bị khởi tố bị can). Cụ thể:
+ Khi chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nhà giáo Lê Thị Dung (ngày 26/3/2022) thì tư cách tố tụng của Nguyễn Thị Hương là người tố giác tội phạm và sau đó, Nguyễn Thị Hương tiếp tục được xác định là người liên quan. Chỉ đến ngày 15/8/2022 thì Nguyễn Thị Hương mới bị khởi tố và có tư cách tố tụng là bị can.
+ Việc xác định Nguyễn Thị Hương sau khi tự thú phạm tội vào ngày 02/11/2021 vẫn là người tố giác hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án khởi tố Nhà giáo Lê Thị Dung là đặc biệt vi phạm, bởi lẽ vào ngày 02/11/2021, chính Cơ quan CSĐT Công an huyện đã xác định tư cách tố tụng của Nguyễn Thị Hương là người phạm tội tự thú, thì phải khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hương và phải trở thành bị can chứ không thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 65 BLTTHS 2015 được. Trong vụ án hình sự, mỗi đương sự của vụ án chỉ có một tư cách tố tụng; không thể vừa là người phạm tội tự thú (đồng nghĩa với việc là bị can) lại vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Ngoài ra, tại Biên bản tiếp nhận người phạm tội tự thú thể hiện được lập vào hồi 8h00 ngày 02/11/2021, nhưng lại không ghi ngày kết thúc, mà ghi rõ kết thúc vào “ngày… tháng 11 năm 2021”. Đây phải chăng cũng lại do sơ suất của Điều tra viên?
Thêm nữa, Đơn xin tự thú của Nguyễn Thị Hương đã bị sửa chữa, thay đổi số bút lục (BL 10). Việc sửa chữa BL của HSVA này là tùy tiện, vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định: Trong giai đoạn truy tố, biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập phải được đưa vào hồ sơ vụ án, đóng dấu bút lục ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu và đánh số thứ tự tiếp theo số bút lục trong hồ sơ vụ án do Điều tra viên chuyển đến; không được thay đổi thứ tự bút lục trong hồ sơ vụ án. Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Kiểm sát viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do việc nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Kiểm sát viên được đưa vào hồ sơ vụ án. Trong vụ án này, BL số 10 đã bị sửa chữa là vi phạm pháp luật. Ngoài ra còn nhiều bút lục khác trong hồ sơ vụ án cũng bị sửa chữa đã được luật sư Hoàng Thị Phương (Công ty luật Vũ Anh) tranh tụng công bố công khai tại phiên tòa.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, khá nhiều tài liệu chứng cứ liên quan đến tự thú của Nguyễn Thị Hương vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không tuân theo quy định của pháp luật nên không phải là chứng cứ hợp pháp, không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự này theo quy định tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS. Những vi phạm này còn cho thấy dấu hiệu tạo dựng, làm sai lệch hồ sơ vụ án, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật vụ án.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề cập đến quan điểm đánh giá của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên về Biên bản tiếp nhận người phạm tội tự thú đối với Nguyễn Thị Hương tại trang 17 Bản án sơ thẩm số 17/2023/HS-ST ngày 24-4-2023 như sau: “Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo Lê Thị Dung và những người bào chữa của bị cáo Dung cho rằng Điều tra viên thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên vi phạm về hình thức trong Biên bản tiếp nhận người phạm tội ra tự thú tại bút lục 16 và 17. Trong Biên bản có cán bộ điều tra và điều tra viên nhưng chỉ có điều tra viên ký là vi phạm khoản 2 Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hội đòng xét xử thấy, đây là những vi phạm trong khi tiến hành tô stungj nhưng không phải là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Những sai phạm này không ảnh hưởng đến các căn cứ buộc tội đối với bị cáo Dung và không làm thay đổi bản chất sự thật khách quan của vụ án”.
Ở đây, xin khẳng định, đã có sự nhầm lẫn rất lớn của của Tòa án sơ thẩm vì Biên bản tiếp nhận người phạm tội tự thú đối với đối tượng Nguyễn Thị Hương là tại BL 11-12; còn BL 16-17 được đề cập tại trang 17 Bản án sơ thẩm là Biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.
Hơn nữa, với quan điểm “bẻ luật” như trên, có lẽ tới đây cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự để quy định những trường hợp được làm trái luật? Thực thi pháp luật như vậy, khác nào dung dưỡng việc không tuân thủ pháp luật?
Trong tố tụng hình sự, làm trái luật phải coi đó là tội ác bởi ở đó còn có những thân phận con người…
Nhà giáo Lê Thị Dung và lệnh bắt giam trái pháp luật (Kỳ 1)
Nhà giáo Lê Thị Dung và lệnh bắt giam trái pháp luật (kỳ 2&3)
Leave a Comment