KỲ 2: KHỞI TỐ BỊ CAN, PHÊ CHUẨN KHỞI TỐ BỊ CAN TRÁI PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO LÊ THỊ DUNG
Theo phân công của nhóm luật sư, phần trình bầy quan điểm bào chữa về việc khởi tố bị can và phê chuẩn khởi tố bị can trái pháp luật đối với nhà giáo Lê Thị Dung thuộc về luật sư LS Ngô Hằng. Tuy nhiên, do luật sư Hằng đang bận đi công tác ngoại tỉnh nên chưa thể dành thời gian để đăng tải toàn bộ quan điểm của mình tại phiên xử phúc thẩm về những vi phạm pháp luật này của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên và VKSND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vì vậy, thay mặt nhóm luật sư bào chữa của Công ty luật SMIC (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), tôi chỉ xin tóm lược tính trái pháp luật của việc khởi tố bị can, phê chuẩn khởi tố bị can đối với Nhà giáo Lê Thị Dung đã được công khai xem xét, đánh giá tại phiên tòa xét xử phúc thẩm các ngày 12 và 13/6/2023 như sau:
Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 20 ngày 26/3/2022 đối với vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trung tâm GDTX (nay là Trung tâm GDNN-GDTX) huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An từ năm 2012 đến năm 2017 (BL 18).
Khi có Quyết định khởi tố vụ án số 20 này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên ban hành Quyết định khởi tố bị can số 42 cùng ngày 26/3/2022 đối với bị can Lê Thị Dung (khẳng định của Điều tra viên tại phiên tòa phúc thẩm) nhưng Quyết định số 42 này chưa từng có trên thực tế vì trong hồ sơ vụ án không tìm thấy chứng cứ này. Căn cứ thực tiễn tiến hành tố tụng, tranh tụng công khai tại phiên tòa phúc thẩm các ngày 12 và 13/6/2023, đủ cơ sở khẳng định không có Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 để VKSND huyện Hưng Nguyên thực hiện phê chuẩn nhằm khởi tố bị can đối với Nhà giáo Lê Thị Dung. Việc VKSND huyện Hưng Nguyên tiến hành phê chuẩn và ban hành quyết định phê chuẩn đối với một quyết định khởi tố bị can không hề có là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án xuất hiện một Quyết định khởi tố bị can số 43/QĐ-CSĐT (HS-KT-MT) ngày 26/3/2022 đối với bị can Lê Thị Dung (BL 23), nhưng Quyết định số 43 này lại không được VKSND huyện Hưng Nguyên phê chuẩn. Vì vậy, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/6/2023, khi bào chữa cho Nhà giáo Lê Thị Dung, tôi hoàn hoàn đồng tình với quan điểm bào chữa của luật sư Ngô Thị Thu Hằng về việc đánh giá chứng cứ liên quan đến việc khởi tố bị can và phê chuẩn khởi tố bị can đối với bị can Lê Thị Dung là thu thập, chứng minh trái trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS 2015. Phải khẳng định rằng, trong vụ án này, Nhà giáo Lê Thị Dung bị khởi tố về một tội danh (quy định tại Điều 356 BLHS) nên chỉ có thể ban hành 01 quyết định khởi tố bị can đối với tội danh khởi tố đó. Đối chiếu hồ sơ vụ án cho thấy Quyết định khới tố bị can số 43 ngày 26/3/2022 đối với bị can Lê Thị Dung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không được VKSND huyện Hưng Nguyên phê chuẩn; còn Quyết định khởi tố bị can số 42 được VKSND huyện Hưng Nguyên phê chuẩn thì không có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, về pháp lý, có thể thấy trong vụ án này KHÔNG CÓ QUYẾT ĐỊNH KHỞI TỐ BỊ CAN ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO LÊ THỊ DUNG HOẶC CÓ QUYẾT ĐỊNH KHỞI TỐ BỊ CAN ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO LÊ THỊ DUNG NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC PHÊ CHUẨN. Do đó, Nhà giáo Lê Thị Dung KHÔNG PHẢI LÀ BỊ CAN trong vụ án này theo quy định tại Điều 60 BLTTHS 2015. Và khi không phải là bị can thì không thể áp dụng Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với nơi ở và nơi làm việc của bị can, cũng như đề nghị phê chuẩn của Cơ quan điều tra và các quyết định phê chuẩn của VKS cùng cấp liên quan đến các đề nghị phê chuẩn này.
Lý giải cho điều này, tại phiên tòa, Điều tra viên trả lời đại thể là do lỗi sơ suất trong quá trình đánh máy. Cách trả lời này không thể chấp nhận được vì soi chiếu theo quy định của pháp luật, các số quyết định khác nhau là các quyết định khác nhau. Đặc biệt, kiểm tra, đánh giá công khai Biên bản giao nhận Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên cho Nhà giáo Lê Thị Dung lập hồi 13h55 ngày 28/3/2022 (BL 58) thì thấy số Quyết định khởi tố bị can số “42” được viết tay bằng mực màu xanh (phía dưới Biên bản này có chữ ký, ghi rõ họ tên của người giao là Điều tra viên Trần Võ Tùng và chữ ký, ghi rõ họ tên của người nhận là Nhà giáo Lê Thị Dung). Như vậy, số quyết định được điền viết tay thì không thể đổ lỗi sơ suất do đánh máy được! Hơn nữa, việc khởi tố, bắt tạm giam một con người mà sơ suất do lỗi đánh máy thì trách nhiệm của điều tra viên ở đâu? Việc không thể chấp nhận được còn bởi quy trình điều tra, kiểm sát điều tra theo BLTTHS 2015 rất chặt chẽ. Nếu Điều tra viên sơ suất thì không lẽ Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT là người được giao tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự cũng sơ suất?Không lẽ Kiểm sát viên được giao kiểm sát điều tra vụ án cũng sơ suất? Không lẽ Phó Viện trưởng được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự cũng sơ suất?
Như vậy, có đủ cơ sở kết luận Quyết định khởi tố bị can số 43 ngày 26/3/2022 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên không được VKSND huyện Hưng Nguyên phê chuẩn là bất hợp pháp và Quyết định phê chuẩn đối với Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 của VKSND huyện Hưng Nguyên khi không có Quyết định khởi tố bị can số 42 nên cũng là bất hợp pháp.
Khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015 quy định: Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Áp dụng quy định này, khẳng định: Quyết định khởi tố bị can số 43 ngày 26/3/2022 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên không được phê chuẩn và Quyết định phê chuẩn của VKSND huyện Hưng Nguyên đối với Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 không hề có đều là các quyết định không có giá trị pháp lý và đều không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án. Và tài liệu không có giá trị pháp lý đó không được dùng trong vụ án này thì Nhà giáo Lê Thị Dung không phải là BỊ CAN. Điều này dẫn đến hậu quả BẢN KẾT LUẬN ĐIỀU TRA ĐỂ NGHỊ TRUY TỐ, BẢN CÁO TRẠNG TRUY TỐ ĐỂ XÉT XỬ, CÁC BẢN ÁN SƠ THẨM VÀ PHÚC THẨM đều vi phạm pháp luật khi kết luận Nhà giáo Lê Thị Dung là BỊ CAN sau này trở thành BỊ CÁO. Lỗi vi phạm tố tụng có thể nói đặc biệt nghiêm trọng như vậy, nhưng những người tiến hành tố tụng của vụ án này vẫn cho rằng đó chỉ là vi phạm tố tụng, không nghiêm trọng, không làm thay đổi bản chất vụ án. Suy cho cùng, chỉ có cái máy tính là có lỗi, nó cũng bị oan khác gì Nhà giáo Lê Thị Dung?
KỲ 3: ĐƠN TỐ GIÁC/TIN BÁO TỘI PHẠM TRÁI PHÁP LUẬT
Trong vụ án này, có 02 người thực hiện tố giác/tin báo tội phạm là bà Nguyễn Thị Phương Thúy và Bị cáo Nguyễn Thị Hương. Vấn đề này đặc biệt quan trọng vì kết quả giải quyết tố giác/tin báo tội phạm là Quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can đối với nhà giáo Lê Thị Dung.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án đối với các tài liệu liên quan quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn tố giác/tin báo tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên tại thời điểm tháng 11/2021 cho thấy các chứng cứ về tố giác/tin báo tội phạm, xử lý đơn tố giác/tin báo tội pháp được thu thập trái quy định pháp luật. Cụ thể:
* Thứ nhất, về ngày tố giác:
– Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thị Hương có Đơn tố giác vào ngày 02/11/2021 (BL 15); cùng ngày này Nguyễn Thị Hương cũng có Đơn tự thú (BL 10). Hai đơn tố giác và đơn tự thú có nội dung không khác gì nhau (trừ tiêu đề của đơn và dòng “tôi xin trình bày” tại Đơn tự thú, “tôi xin tố giác” tại Đơn tố giác). Tuy nhiên, tại Biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm lập hồi 9h30 ngày 02/11/2021 đối với Nguyễn Thị Hương (BL 17) lại thể hiện “việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm kết thúc hồi 10 giờ 00 ngày 12 tháng 10 năm 2021.” Như vậy, tố giác vào ngày 02/11/2021 nhưng tiếp nhận nguốn tin tố giác lại kết thúc vào ngày 12/10/2021 cho thấy dấu hiệu tiếp nhận tố giác trước, làm đơn tố giác sau.
– Đối với người tố giác Nguyễn Thị Phương Thúy có văn bản “Tin báo tội phạm” ngày 12/10/2021 (BL 14), nhưng đã bị tùy tiện cải sửa thành ngày 02/11/2021 vì số nguyên thủy của ngày tháng qua quan sát bằng mắt thường hoàn toàn có thể nhận ra là ngày 12/10 nhưng có chữ số sửa 02/11 chữa đè lên. Tại phần bút phê “K/c Anh Thanh, PH chỉ đạo” cũng bị sửa chữa từ 12/10/2021 thành 02/11/2021 (BL 14). Tại phần thẩm vấn phiên tòa chiều 12/6/2023, trả lời câu hỏi của người bào chữa chúng tôi làm rõ Cơ quan điều tra hay Nguyễn Thị Phương Thúy sửa chữa ngày và tháng của văn bản tin báo tội phạm thì Thúy khẳng định do Thúy sửa. Tuy nhiên câu trả lời này của Nguyễn Thị Phương Thúy có dấu hiệu khai báo gian dối vì phần sửa ngày tháng tại văn bản tin báo tội phạm của Thúy không chỉ có sửa ngày tháng của văn bản mà còn có phần sửa ngày tháng tại nội dung bút phê trên văn bản của Thủ trưởng CQĐT Công an huyện Hưng Nguyên giao cho Phó Thủ trưởng Cqđt chỉ đạo. Về nguyên tắc, sau khi Thúy nộp tin báo tội phạm tố giác Nhà giáo Lê Thị Dung, thì cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên lập Biên bản tiếp nhận tin báo tội phạm. Còn bút phê nhằm phân công lãnh đạo chỉ đạo giải quyết tin báo tội phạm là thẩm quyền của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên, đây là công việc nội bộ của Cơ quan điều tra, Thúy không có quyền gì tác động, hay dùng bút để sửa vào cả bút phê của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên. Chúng tôi có quyền nghi ngờ, phải chăng có dấu hiệu cải sửa làm sai lệch hồ sơ vụ án của Nguyễn Thị Phương Thúy và người có trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An? Tại phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi cũng đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm kiến nghị điều tra dấu hiệu của “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” theo quy định tại Điều 375 BLHS trong vụ án này, vì việc sửa chữa ngày tháng nêu trên có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, theo quy định tại khoản 1 Điều 375 BLHS 2015: “Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Trong phần tranh luận phiên tòa ngày 13/6/2023, Nguyễn Thị Phương Thúy có đối đáp với luật sư chúng tôi về việc Thúy chỉ sửa ngày tháng của văn bản tin báo tội phạm, không sửa ngày, tháng ở phần bút phê của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên. Với quan điểm này, sẽ không có lý giải nào hợp lý cho việc Thủ trưởng Cơ quan Điều tra cũng viết nhầm ngày 12/10, sau đó cũng cải sửa thành 02/11 tương tự như việc viết nhầm và cải sửa của Thúy? Vấn đề này hoàn toàn có thể trưng cầu giám định để xác định sự thật khách quan.
Tuy vậy, dù cho ngày tố giác của Nguyễn Thị Phương Thúy đã được cải sửa từ 12/10/2021 thành 02/11/2021 nhưng lại mâu thuẫn với Biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm được Cơ quan điều tra lập đối với Nguyễn Thị Phương Thúy có ghi rõ: “Việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm kết thúc hồi…..ngày 12 tháng 10 năm 2021” (BL 16). Do đó, có thể thấy, ngày tiếp nhận tố giác của Nguyễn Thị Hương và ngày tiếp nhận tin báo tội phạm của Nguyễn Thị Phương Thúy đều có tài liệu chứng cứ chứng minh được kết thúc vào ngày 12/10/2021. Thật khó tìm ra một câu trả lời thỏa đáng về việc tố giác của Nguyễn Thị Hương và tin báo tội phạm của Nguyễn Thị Phương Thúy đều đi ngược thời gian, chiều kim đồng hồ đã quay ngược từ 02/11/2021 trở về ngày 12/10/2021. Điều này càng lý giải có sự cải sửa của Thúy và của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với ngày tháng nguyên thủy là 12/10/2021 bởi đây cũng chính là ngày tiếp nhận tin báo 12/10/2021 như Biên bản tiếp nhận tố giác/tin báo tội phạm của Cơ quan điều tra lập ngày giờ kết thúc tiếp nhận đối với Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thị Phương Thúy.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử công khai và cho luật sư chúng tôi sao chụp văn bản giải trình ngày 11/6/2023 (trước ngày xét xử phiên tòa phúc thẩm 01 ngày) của Điều tra viên Trần Võ Tùng. Theo đó, ông Tùng giải trình như sau: “Đối với biên bản tiếp nhận tin báo về tội phạm của bà Nguyễn Thị Phương Thúy có lỗi sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản dẫn đến sai sót chính tả ở văn bản này”. Song, lời giải trình này không thể chấp nhận bởi lẽ, trong vụ án này, còn có một tình tiết quan trọng để chứng minh ngày 02/11/2021 không phải ngày tố giác/tin báo tội phạm của Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thị Phương Thúy, vì trong hồ sơ vụ án thể hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đã triệu tập và lấy lời khai của Nhà giáo Lê Thị Dung từ ngày 13/10/2021 (sau ngày 12/10/2021 đã bị cải sửa tại tin báo tội phạm của Nguyễn Thị Phương Thúy). Kiểm tra, đánh giá công khai Biên bản ghi lời khai đầu tiên đối với Nhà giao Lê Thị Dung vào hồi 8h20 ngày 13/10/2021 tại Công an huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (BL 212). Tại Biên bản ngày 13/10/2021 này xác định tư cách tham gia tố tụng tại CQĐT của Nhà giáo Lê Thị Dung là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhận thấy, nếu căn cứ Biên bản ghi lời khai ngày 13/10/2021 thì CQĐT triệu tập nhà giáo Lê Thị Dung đến ghi lời khai là không hề liên quan đến việc tố giác ngày 02/11/2021, nhưng tại Biên bản ghi lời khai Cơ quan điều tra đã tập trung xét hỏi Nhà giáo Lê Thị Dung về thu, chi của Trung tâm; việc công khai ngân sách được cấp của Trung tâm, thực hiện công tác quản lý tài chính, chế độ làm việc…Ở đây, không thấy có căn cứ nào, cơ sở nào để triệu tập Giám đốc Trung tâm Lê Thị Dung đến làm việc ghi lời khai vào ngày 13/10/2021? Đến làm việc lý do gì, cơ sở nào, do ai tố giác? Cơ quan công an không có thẩm quyền triệu tập người dân đến lấy lời khai nếu không có căn cứ. Phải chăng ở đây có dấu hiệu Cơ quan điều tra tiến hành xác minh điều tra trước, rồi tiếp nhận tố giác/tin báo tội phạm sau? Hồ sơ vụ án thể hiện ngày tin báo tội phạm của Nguyễn Thị Phương Thúy và ngày tố giác của Nguyễn Thị Hương là 02/11/2021 thì vì sao lại có thể triệu tập, lấy lời khai của Nhà giáo Lê Thị Dung từ 13/10/2021 khi chưa có tố giác/tin báo tội phạm? Chúng tôi vô cùng băn khoăn và không thể lý giải được căn cứ khởi tố vụ án trên cơ sở kết quả giải quyết tố giác/tin báo tội phạm còn chưa rõ ràng về ngày tháng tố giác/tin báo tội phạm.
Cũng tại văn bản giải trình gửi Tòa án cấp phúc thẩm vào ngày 11/6/2023, Điều tra viên Trần Võ Tùng giải trình vào ngày 04/10/2021, Nguyễn Thị Hương có đến hỏi các thủ tục để tự thú về hành vi phạm tội của mình. Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đề nghị lập Biên bản thì Nguyễn Thị Hương từ chối; cơ quan điều tra chưa tiếp nhận việc tự thú của Nguyễn Thị Hương và tiến hành xác minh thông tin liên quan đến bà Hương nên ngày 13/10/2021, Cơ quan điều tra đã mời bà Lê Thị Dung đến làm việc liên quan đến trung tâm và hỏi xem bà Hương có phải là kế toán của Trung tâm không, bà Dung có phải là Giám đốc Trung tâm không. Nội dung giải trình này không phù hợp vì tại Biên bản ghi lời khai ngày 13/10/2021 đối với Nhà giáo Lê Thị Dung (BL 212) không có bất kỳ câu hỏi nào hỏi bà Hương có phải kế toán của Trung tâm không. Điều khôi hài là cơ quan điều tra mời Nhà giáo Lê Thị Dung đến làm việc mà lẽ nào không biết Lê Thị Dung là Giám đốc Trung tâm, không biết bà Hương là kế toán Trung tâm? Giấy mời Nhà giáo Lê Thị Dung gửi về đâu? Vì sao không biết bà Dung là Giám đốc Trung tâm lại mời đến để hỏi về Trung tâm và về cán bộ kế toán của Trung tâm? Rõ ràng Cơ quan điều tra hoàn toàn biết thì mới mời, mới hỏi Lê Thị Dung về Trung tâm được. Do vậy, có đủ cơ sở khẳng định Biên bản ghi lời khai ngày 13/10/2021 đối với Giám đốc Lê Thị Dung là chứng cứ thu thập không hợp pháp nên không dùng để giải quyết vụ án, không dùng để kết tội đối với Nhà giáo Lê Thị Dung, theo quy định tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015.
* Thứ hai, nội dung tố giác/tin báo tội phạm và nội dung tiếp nhận mâu thuẫn và sai lệch. Cụ thể:
– Theo tin báo tội phạm của Nguyễn Thị Phương Thúy (BL 14) thì Thúy tố giác 03 nội dung, đặc biệt được ghi nhận tại văn bản tin báo tội phạm của Thúy là có hồ sơ kèm theo, có hồ sơ thu chi tiền học bạ; nhưng tại Biên bản tiếp nhận nguồn tin của CQĐT ghi nhận bà Thúy không nộp kèm theo đồ vật, tài liệu gì (BL 16). Tại phiên tòa chiều 12/6/2023, Nguyễn Thị Phương Thúy giải trình việc đi tố giác không nộp tài liệu gì và Thúy khai khi đó có nhờ cơ quan điều tra thu thập chứng cứ giúp. Tuy nhiên nội dung trao đổi này giữa Thúy và Điều tra viên không lập biên bản. Vì vậy, đây chỉ là lời khai khan, vô bằng chứng của Nguyễn Thị Phương Thúy nên không có cơ sở để tin.
– Tại đơn tố giác của Nguyễn Thị Hương có nội dung tố giác Nhà giáo Lê Thị Dung tự ý kê khai để thanh toán sai quy định đối với các khoản từ năm 2012 đến 2017; nhưng tại Biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đối với Nguyễn Thị Hương thì Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên lại tiếp nhận nội dung hoàn toàn khác nội tố giác, cụ thể là tiếp nhận nội dung tố giác liên quan đến làm giả hồ sơ thanh toán và chi trả sai các năm 2018 – 2019, chứ không liên quan gì đến các khoản từ 2012 đến 2017 như tố giác.
– Điều đặc biệt, tại Thông báo số 610/CSĐT(HS-KT-MT) ngày 04/11/2020 về việc thông báo tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên gửi VKSND huyện Hưng Nguyên (BL 03), thì nội dung tố giác lại hoàn toàn khác, đó là thông báo nội dung tố giác Lê Thị Dung “có hành vi lợi dụng chức vụ kê khai hoạt động chuyên môn của bản thân sai quy định để lấy tiền từ Ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng”.
Nội dung thông báo này của CQĐT phải chăng đã căn cứ vào tin báo tội phạm của Nguyễn Thị Phương Thúy được Thúy nêu tại văn bản tin báo tội phạm của mình: Tin báo tội phạm đối với hành vi vi phạm của Lê Thị Dung, “Về hành vi: Vi phạm pháp luật trong công tác quản lý để thất thoát hàng trăm triệu đồng của trung tâm, lợi dụng chức vụ làm thu, lạm chi, để ngoài sổ sách tài chính cơ quan nhà nước. Có dấu hiệu của tội tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ..”(BL 14)? Căn cứ nội dung tin báo tố giác này của Nguyễn Thị Phương Thúy, nếu khiên cưỡng buộc tội Nhà giáo Lê Thị Dung thì số tiền bị coi là thiệt hại của Trung tâm được cho là thanh toán trùng cho Lê Thị Dung chỉ hơn 44 triệu, không phải hàng trăm triệu đồng như Thúy tin báo cho Cơ quan điều tra. Như vậy, đây có phải là nội dung vu khống của Nguyễn Thị Phương Thúy?
Ở thời điểm ngày 02/11/2021 được cho là thời điểm tiếp nhận tố giác/tin báo tội phạm của Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thị Phương Thúy, 02 đương sự này đều không nộp tài liệu, đồ vật gì để chứng minh, không trình bầy trung thực những tình tiết mà mình biết về sự việc là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 56 BLTTHS về trách nhiệm của người tố giác. Chúng tôi xin lưu ý khoản 5 Điều 144 BLTTHS 2015 quy định việc tố giác sai sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, nếu 02 người tố giác không có tài liệu gì, không trình bày trung thực các nội dung tố giác vì sao họ biết được thì không có cơ sở để thụ lý giải quyết tin báo về tội phạm đối với nhà giáo Lê Thị Dung. Sở dĩ chúng tôi đề cập nội dung này vì sau 02 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác/tin báo tội phạm không có bằng chứng của Nguyễn Thị Phương Thúy và Nguyễn Thị Hương thì vào ngày 04/11/2021 Thủ trưởng CQĐT Công an huyện Hưng Nguyên đã có Quyết định số phân công Phó Thủ trưởng CQĐT giải quyết nguồn tin về tội phạm (BL 01) theo đơn tố giác của 02 người này.
* Thứ ba, tại Biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm của Nguyễn Thị Phương Thúy (BL 16) và của Nguyễn Thị Hương (BL 17), đại diện cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên tiếp nhận gồm Điều tra viên Trần Võ Tùng và cán bộ điều tra Võ Minh Tiến. Tuy nhiên, ông Võ Minh Tiến không ký vào 02 Biên bản tiếp nhận là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 133 BLTTHS 2015. Chứng cứ này không có đủ chữ ký của Cán bộ điều tra là trái luật nên không có giá trị pháp lý, không được dùng để giải quyết vụ án này theo quy định tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015.
Từ những nội dung trên, thấy rằng các tài liệu được coi là chứng cứ liên quan đến tin báo tội phạm, tố giác tội phạm; tiếp nhận và giải quyết tin báo/tố giác tội phạm có nhiều vi phạm, trái quy định của pháp luật nên không thể coi đó là chứng cứ hợp pháp trong vụ án này và sử dụng kết quả giải quyết tin báo/ tố giác tội phạm để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nhà giáo Lê Thị Dung.
Phải chăng đây là cách mà người ta “dựng án, gán tội” cho Nhà giáo Lê Thị Dung???
(Nhóm luật sư cty luật SMIC & luật Vũ Anh & luật Hừng Đông)
Leave a Comment