Phạm Bá Bình
Sự bám giữ lợi ích nhóm, không riêng gì đối với EVN, là gông cùm trói buộc đà phát triển của đất nước. Muốn tổ chức lại EVN trong tình hình khủng hoảng thiếu điện hiện nay, điều trước tiên là phải vượt thoát khỏi tư duy độc quyền!
Thay đổi hay cùng chết chìm
Câu chuyện người dân Thủ đô và rất nhiều cư dân khác từ các tỉnh phía Bắc trở về “thời ăn lông ở lổ” tại các hang đá, dần dà trở thành “xưa như Diễm”. Báo chí “lề Đảng” những ngày tới sẽ tự điều tiết, nói ít đi những cảnh khốn cùng của dân chúng. Tường thuật quá nhiều, lại tả cận cảnh cái đám người không phân biệt nam nữ, già trẻ, nằm ngổn ngang trong các hang động, khéo lại bị Công an quy kết vào điều 117 thì khốn. Các nhà báo hãy nhìn gương các nhà hoạt động môi trường đang ở trong tù hay chuẩn bị ra tòa như bà Hồng (từ tổ chức CHANGE) nổi tiếng. Dần dà, có lẽ hai tiếng “thay đổi” sẽ là từ húy đối với nền báo chí cách mạng. Đòi thay đổi, cho dù thay đổi cơ chế hay thể chế, rất dễ bị quy chụp trong thời buổi nhiễu loạn hiện nay. Tuy nhiên, căn cứ vào ý kiến các chuyên gia trong buổi tọa đàm “Giải bài toán thiếu điện” do CLB “Café Số” tổ chức chiều 9/6/2023 thì rõ ràng, tinh thần của những năm “tiền” Đổi mới lại vọng về: Thay đổi hay là chết!
Chuyên gia Hà Đăng Sơn phát biểu có ý phê phán những người chỉ trích “Quy hoạch điện VII”, vì theo ông, công việc của những người làm quy hoạch là hết sức phức tạp và đòi hỏi trí tuệ. Tuy nhiên, ông Sơn vẫn than vãn là Quy hoạch “quá cứng nhắc, 5 năm mới được điều chỉnh (một lần), trong khi thực tế thay đổi chóng mặt”. Ngay lập tức, từ trên bàn chủ tọa, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, cho rằng, “Thực tế thay đổi sao không viết lại quy hoạch. Sao lại tự mình vẽ ra (quy hoạch) rồi buộc mình (vào đấy)”. TS. Cung nhấn mạnh: “Phải để thị trường ban hành… và phải thay đổi cách thức làm chính sách, phải để các nhà đầu tư đưa ra quyết định, đừng bàn nữa, đừng chỉ thị nữa!” Nghe ông Cung phán như thế này, nhiều nhà báo “lạnh tóc gáy” và cho rằng, vị Tiến sĩ này đã “uống thuốc liều”. Chuyện bê bối của Tập đoàn EVN không mới, nó bắt nguồn từ chính sách về cái gọi là “an ninh năng lượng” của nhà nước vốn đã sai ngay từ đầu. Để ra khỏi mớ bùng nhùng EVN phải bắt đầu từ đâu, thì buổi tọa đàm vẫn chưa gút lại được.
“Bản chất hệ thống của chúng ta là tinh thần trách nhiệm giúp cho doanh nghiệp xử lý các vấn đề… là rất thiếu chuyên nghiệp nên nó dây dưa, lề mề, ông nọ đổ cho ông kia, các luật xung đột lẫn nhau nên nhiều khi doanh nghiệp chịu trận. Nếu cứ để như vậy, mà thời gian kéo càng dài thì bộ máy, nhất là những cá nhân có quyền lực càng được hưởng lợi bởi những chậm trễ đó. Lúc này là lúc ta nhận diện để xử lý”. Đấy là đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ông Thiên còn nhấn mạnh thêm, để giải quyết bài toán thiếu điện, phải theo tư duy hệ thống, đặt trên nền tảng thị trường. Người viết bài này hoàn toàn nhất trí, chỉ xin bổ sung: Muốn áp dụng lý thuyết hệ thống, trước tiên phải phá thế độc quyền năng lượng điện là đòi hỏi cấp bách của người dân trong cả nước hiện nay. Muốn tổ chức lại EVN thì “first things first” là cần phá thế độc quyền của EVN! Trên thực tế, Việt Nam đeo đuổi mô hình quản trị quốc gia tập trung, nhưng khi đi ra với thế giới, lúc nào cũng “xin” các nước hãy công nhận mình có nền kinh tế thị trường. Sự “kiên định” này, đưa đến hậu quả cụ thể là xây dựng hệ thống điện tập trung, cung cấp điện quốc gia theo chương trình độc quyền từ trung ương.
Phải vượt thoát tư duy độc quyền
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc Thủ tướng yêu cầu thanh tra EVN là sự chỉ đạo rất kịp thời. Nhưng ông Nhưỡng giữ quan điểm, nên để Thanh tra Chính phủ, thậm chí là thanh tra liên ngành kiểm tra, để tránh tình trạng “chuyện nhà, đóng cửa bảo nhau!” Giữa thời tiết nắng nóng, điện bị cúp liên tục, người dân đang bức xúc mà nghe ông Nhưỡng phát biểu như thế, cũng phần nào hạ hỏa! Điện là vấn đề an ninh quốc gia, chính vì vậy không thể để cho một cơ quan độc quyền như EVN làm mất an ninh quốc gia. Mong muốn của người dân là phải đảm bảo đủ điện để đời sống sản xuất và sinh hoạt không bị xáo trộn và phải sớm thanh tra EVN công khai minh bạch. Đã đến lúc Chính phủ không chỉ quá tập trung hỗ trợ EVN, mà nên có cả những chính sách hỗ trợ cho địa phương nào chủ động được nguồn năng lượng. Cơn ngột ngạt vì nắng nóng do điện phập phù đã lên đỉnh điểm, tổn hại rất lớn nền kinh tế cũng như nguồn nhân lực, không cho phép các nhà quản trị quốc gia chần chừ các quốc sách về năng lượng được nữa.
Để tìm ra lời giải tối ưu cho những bài toán lớn phức tạp, cách tiếp cận phổ quát là tách bài toán lớn ra nhiều bài toán nhỏ để tìm lời giải tối ưu địa phương cho các bài toán cục bộ. Đấy là phân tích của TS. Nguyễn Ngọc Chu. Phát triển hệ thống điện nên đi theo cách tiếp cận ấy. Phải thay đổi tư duy, từ “quan liêu bao cấp” chuyển sang cung ứng điện trên toàn quốc bằng các lời giải cung cấp điện cho từng vùng miền. Hãy chia ra nhiều vùng năng lượng. Mỗi vùng năng lượng với những ưu thế về tiềm năng các thể loại năng lượng của vùng đó sẽ có một hệ thống điện phù hợp. Vùng năng lượng, không đơn thuần là các yếu tố địa lý, mà còn là dân số, vai trò và tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế quốc dân. Như vậy, các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội tự mình phải là một vùng năng lượng. Các tỉnh thành lớn khác, hoặc một mình, hoặc liền kề nối tiếp nhau cũng có thể tạo nên một vùng năng lượng. Nếu phân tách ra như vậy, thì hệ thống điện, bao gồm cơ cấu các loại năng lượng và công suất, của khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ hay Bắc Bộ, TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội sẽ khác nhau.
An ninh năng lượng hẳn nhiên là một bài toán khó, riêng đối với Việt Nam lại càng khó gấp bội, vì nếu không tỉnh táo sẽ tự chui vào bẫy của “nước lạ”. Chia tách quyền bính của EVN như trên không chỉ giúp các địa phương, các vùng miền có thể chủ động giải bài toán năng lượng của mình, mà còn tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Hãy ôn lại các tấm gương của “Bưu điện” và “Viễn thông”, hay “Lương thực” và “Ngân hàng” trước đây đã thoát một cách ngoạn mục khỏi cơ chế quan liêu bao cấp như thế nào? … Tất cả đều có thể cho những kinh nghiệm sống động từ thực tiễn của công cuộc Đổi mới. Thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM ngày 8/6, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đề nghị “giao cho TP.HCM tính toán và tự cho phép các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn tự lắp, tự dùng và có thể chuyển Điện lực TP.HCM về cho EVN của thành phố quản lý để giảm bớt độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Đề nghị này được người dân Sài Gòn rất ủng hộ, vì điện tiêu dùng của họ không thể phó thác cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam độc quyền mãi được.
Tiến sĩ Chu đưa ra con số để so sánh: năm ngoái, sản lượng điện cả nước là 268,4 tỷ kwh, với dân số 99 triệu thì bình quân khoảng 2.711 kwh/người/năm. Trong khi đó, bình quân của Hoa Kỳ là 11.731 kwh/người/năm (Tổng sản lượng 3.930 tỷ kwh/335 triệu người). Xem thế, nhu cầu điện tiêu dùng của Việt Nam sẽ còn tăng gấp nhiều lần hiện nay. Nếu lấy toàn bộ công suất điện của cả nước hiện có để phục vụ riêng cho miền Bắc hay miền Nam trong tương lai, đều không thể đủ. Cho nên, chiến lược phát triển điện, là vùng nào phục vụ vùng đó. Quy hoạch xây dựng nhà máy điện cũng theo chiến lược đó. Chứ không phải là chuyển điện mặt trời từ Nam ra Bắc, hay chuyển thuỷ điện từ miền Bắc vào miền Nam. Bởi thế, tối ưu hóa cục bộ là chiến lược cốt lõi trong quy hoạch điện. Nam Bộ và Nam Trung Bộ, sẽ dựa chủ lực vào điện mặt trời, điện gió và nhiệt điện khí. Bắc Bộ dựa vào thuỷ điện, điện gió, nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời (ở mức độ thấp hơn). Khu vực miền Trung, Tây Nguyên sẽ phụ thuộc tương đối đồng đều vào năng lượng tái tạo, thuỷ điện và nhiệt điện khí. Về lâu dài, điện thuỷ triều sẽ trải dài theo bờ biển.
Leave a Comment