Oan án Tịnh Thất Bồng Lai quy chụp cụ già trên 90 tuổi Lê Tùng Vân và các thành viên bản án tổng cộng 23 năm tù theo Điều 331, tưởng như tận cùng của sự nhạo báng pháp luật, vẫn chưa dừng lại. Mới đây, Long An phát lệnh truy tìm ba luật sư của đoàn Luật Sư TP.HCM từng tham gia bào chữa cho các bị cáo.
“Truy tìm” luật sư là động thái hiếm có trong hoạt động tư pháp. Luật sư Đào Kim Lân đã lên tiếng trả lời báo chí và livestream trên kênh Youtube Nhật Ký Luật sư giải đáp, Công an Long An mời và truy tìm các luật sư là sai thẩm quyền, không phù hợp pháp luật. Công An Long An đã vi phạm tố tụng, bao che tội phạm, làm giả chứng cứ, các luật sư tố cáo đến các cơ quan nhà nước, cơ quan pháp luật các cấp, nhưng không ai thụ lý giải quyết, ngược lại bên bị tố cáo lại quy chụp người tố cáo.
Truy tìm anh em với lệnh truy nã!
Ngày 12-6, báo chí nhà nước đồng loạt đưa thông báo của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An truy tìm 3 luật sư từng bào chữa cho các bị cáo ở Tịnh Thất Bồng Lai là Đào Kim Lân, Nguyễn Văn Miếng, Đặng Đình Mạnh. Lý do được nêu ra là các luật sư này bị tố cáo đã livestream trên mạng xã hội các thông tin về vụ án, vi phạm Điều 331, được công an mời làm việc hai lần nhưng vắng mặt, hiện không có mặt tại nơi cư trú. Thông báo cũng phát động quần chúng, ai biết thông tin về ba luật sư này thì thông tin cho Cơ quan điều tra theo địa chỉ và số điện thoại.
Thuật ngữ pháp lý “truy tìm” khá mới mẻ, lạ lẫm với người Việt và ý nghĩa cũng khá mơ hồ đến nỗi luật sư Phùng Thanh Sơn đã đưa một stt trên Facebook: “Bộ Công an có một Thông tư đóng dấu MẬT (hình như năm 2022) quy định về thông báo truy tìm! Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cần có ý kiến về tính hợp hiến của Thông tư MẬT này!” (1).
Nhưng với nội dung và kết cấu thông báo của Cơ Quan Điều Tra tỉnh Long An, thì chừng như “truy tìm” và “truy nã” có bà con ruột thịt gần gũi như anh em. Nó mang đầy uy lực và tính đe dọa. Báo Pháp Luật đã có bài viết dẫn ý kiến của luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, “truy tìm là thuật ngữ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động điều tra phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo đó, truy tìm là việc tìm kiếm nạn nhân chưa rõ tung tích, người liên quan đến vụ án mất tích, đối tượng gây án bỏ trốn chưa rõ lai lịch, nhân chứng, vật chứng của vụ án hình sự phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử…”
Theo LS Tuấn, “trong hoạt động điều tra, khi xác định chưa rõ được đối tượng, nhằm làm rõ vụ án mà họ đang điều tra thì CQĐT truy tìm. Tuy nhiên, truy tìm không đồng nghĩa với việc đối tượng đang bị tìm đã được xác định là vi phạm pháp luật, mà là để xác định sự thật vụ án mà đối tượng truy tìm có liên quan hay không, có vi phạm pháp luật hay không… Ví dụ như trong hoạt động điều tra về nạn nhân chưa rõ tung tích, người mất tích, bị hại cần truy tìm để làm sáng tỏ về thiệt hại hoặc đối tượng gây án bỏ trốn chưa rõ lai lịch, nhân chứng, vật chứng… thì CQĐT truy tìm để phục vụ công tác điều tra” (2).
Theo lý giải này thì trường hợp “chưa rõ đối tượng” bị loại trừ vì qua vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, ba luật sư và cơ quan điều tra đã nhẳn mặt nhau, đã làm việc tranh luận, thậm chí các luật sư đã nhiều lần khiếu nại, tố cáo công an Đức Hòa, Cơ Quan Điều Tra vi phạm tố tụng. Lý do truy tìm chỉ có thể là “để xác định sự thật vụ án mà đối tượng truy tìm có liên quan hay không, có vi phạm pháp luật hay không…”, trong trường hợp này sự chuyển hóa từ truy tìm sang khởi tố bắt giam hoặc truy nã, chỉ cách nhau khoảng cách mong manh bằng sợi tóc.
Việc công an “mời” luật sư bào chữa cho vụ án do chính mình điều tra và bị các luật sư khiếu nại, tố cáo với nhiều sai phạm rất cụ thể là điều hết sức bất thường, là dấu hiệu đàn áp, trả thù, trái với cách ứng xử của nền tư pháp minh bạch.
Trong nước và quốc tế đã lên tiếng bảo vệ Luật Sư!
Ngay trong lần đầu tiên được mời, Luật sư Đào Kim Lân đã có đơn trình báo với liên đoàn luật sư và các cơ quan pháp luật các cấp. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản “thông tin với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An để các cơ quan được biết. Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bên cạnh việc giám sát, hỗ trợ quyền hành nghề của Luật sư thành viên, đồng thời quan tâm đến nhận thức, kỹ năng và ứng xử trong quá trình tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẵn sàng phối hợp và cử đại diện làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An trong trường hợp cần thiết (hoặc khi có yêu cầu) nhằm góp phần xác minh, làm rõ vụ việc nêu trên.
Do đó, thông qua nội dung đơn và kết quả làm việc nêu trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các cơ quan xem xét và có đường lối giải quyết vụ việc một cách thận trọng, khách quan theo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật” (3).
Không chỉ giới luật sư trong nước, mà tổ chức Luật gia Quốc tế (ICJ) vào ngày 14/3 công bố thư ngỏ gửi hai Bộ Tư pháp và Công an Việt Nam, lên án cuộc điều tra hình sự đối với luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh.
Thư ngỏ của ICJ nêu rõ biện pháp điều tra hình sự đối với vị luật sư này liên quan đến công việc đại diện cho những nhà bảo vệ nhân quyền, những tiếng nói bất đồng chính trị, và những thân chủ trong các vụ án nhạy cảm khác, trong đó có vụ Tịnh Thất Bồng Lai.
Bản thân Luật sư Đặng Đình Mạnh đã bày tỏ quan ngại của ông một cách công khai qua những bài viết và video clip trên mạng xã hội về tiến trình điều tra của các cơ quan chức năng đối với vụ Tịnh Thất Bồng Lai.
ICJ bày tỏ quan ngại về điều 331 không tương thích với luật nhân quyền quốc tế, nhằm bảo vệ quyền tự do bày tỏ. Lý do vì điều luật này mơ hồ và quá mông lung, áp đặt những hạn chế không cần thiết và không phù hợp đối với các hoạt động hợp pháp của những nhà bảo vệ nhân quyền và luật sư.
“ICJ kêu gọi hai Bộ Tư Pháp và Công an của Việt Nam ngay lập tức tiến hành các bước ngưng điều tra hình sự đối với luật sư Đặng Đình Mạnh và những luật sư khác với mục đích gây phương hại đến hoạt động và quyền tự do biểu đạt của họ; có biện pháp hủy bỏ hay sửa đổi thực sự điều 331 cho thương thích với luật nhân quyền quốc tế; có mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc thực thi một cách tự do nghề luật sư mà không phải lo sợ bị trả thù, bị hạn chế, gồm những sách nhiễu trong quá trình tư pháp” (4).
Quan trọng hơn, vụ việc đã vang đến Liên Hiệp Quốc, ba báo cáo viên đặc biệt về tính độc lập của thẩm phán và luật sư, về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt, và về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, viết:
“Luật sư Đặng Đình Mạnh là một luật sư nhân quyền nổi tiếng và là nhà hoạt động nhân quyền được ghi nhận vì các hoạt động của mình. Là một luật sư bảo vệ của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 15 năm qua, ông Mạnh đã tham gia bảo vệ trong ít nhất 37 vụ và thay mặt hơn 50 thân chủ, trong đó có nhiều người là người bảo vệ nhân quyền, nhà báo độc lập và người hoạt động dân chủ.
Thông tin cho thấy cuộc điều tra có thể là một hành động trả đũa từ chính quyền, vì nhóm luật sư đã gửi đơn khiếu nại chính thức tố cáo Công an và Viện Kiểm sát tỉnh Long An vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án chống lại chùa Phật giáo (Tịnh thất Bồng Lai)” (5).
Bất chấp những khuyến cáo của các tổ chức luật sư, nhân quyền trong và ngoài nước, Công An Long An tiếp tục chơi luật rừng, tiếp tục tung chiêu truy tìm các luật sư.
Công An Long An truy tìm là sai thẩm quyền
Việc truy tìm đăng ồn ào trên báo làm người đọc hoang mang, các luật sư này phạm tội gì, trốn ở đâu mà phải truy tìm?
Giữa một rừng 800 tờ báo nhà nước hồn nhiên đăng nguyên văn thông báo truy tìm của công an đúng theo lề phải, lẻ loi duy nhất báo Dân Trí làm nghiệp vụ hết sức thông thường và cần thiết của nghề báo là ghi nhận thông tin của các đối tượng liên quan. Theo đó, Đoàn luật sư TPHCM cho biết “ông Lân, ông Mạnh và ông Miếng đang sinh hoạt tại tổ chức này. Trong thời gian hành nghề luật sư, những người này chưa từng có vi phạm”.
Luật sư Đào Kim Lân khẳng định với phóng viên, “ông vẫn sinh hoạt bình thường tại địa phương. Ngay khi có thông báo tin báo tội phạm liên quan đến các luật sư, ông đã có văn bản phản hồi nêu quan điểm về vụ việc đến lãnh đạo công an, VKSND tỉnh Long An. Đồng thời, từ tháng 6/2022, luật sư này có đơn trình bày và kêu cứu đến các cơ quan Trung ương.
Luật sư Lân nói mình là người tố cáo các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, việc tố cáo thực hiện công khai và được các cơ quan Trung ương tiếp nhận, chuyển về Long An nhưng đến nay chưa có câu trả lời. Trong trường hợp cần xác minh làm rõ, luật sư Lân cho rằng đó là Bộ Công an hoặc Công an TPHCM (nơi ông Lân cư trú) chứ không liên quan tới Công an Long An” (6).
Cùng ngày 12-6, luật sư Đào Kim Lân đã livestream trao đổi với cộng đồng về sự kiện này. Luật sư Lân giải thích rõ hơn về thẩm quyền điều tra theo luật tố tụng thuộc về công an nơi ở của nghi can hoặc nơi tội phạm xảy ra. Luật sư Lân cư trú và đăng ký hành nghề tại TP.HCM, hoạt động livestream xảy ra tại TP.HCM nên nếu có xảy ra sai phạm pháp luật thì thẩm quyền, trách nhiệm điều tra là Công an TPHCM không phải của Công an Long An.
Cấp dưới lạm quyền, cấp trên làm lơ!
Luật sư Lân đã ôn lại quá trình tham gia bào chữa cho các bị can ở Tịnh Thất Bồng Lai, luật sư Lân và các đồng nghiệp đã phát hiện Công An huyện Đức Hòa, Công An tỉnh Long An có nhiều sai sót trong hoạt động điều tra. Theo luật và theo thông lệ, chức năng của luật sư, các luật sư đã trao đổi với công an huyện, tỉnh nhưng các cơ quan này không tiếp thu. Các luật sư đã có văn bản tố cáo đến Viện Kiểm Sát Tối cao và lãnh đạo đảng, nhà nước. Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã tiếp nhận đơn và chuyển về cho VKSND tỉnh Long An xem xét xử lý.
Theo luật, cơ quan có chức năng phải điều tra, làm rõ các nội dung tố cáo này, nếu luật sư tố cáo sai sẽ xử phạt theo luật, nếu đúng, phải xử lý những cá nhân và tổ chức vi phạm. Nhưng họ ngâm tôm từ tháng 11-2022 cho đến nay, không xử lý và cùng đường, quay sang mượn cớ có đơn tố cáo các luật sư có hành vi phát tán, nói xấu công an trên mạng, quy chụp điều 331.
Từ chuyện tố cáo công an Đức Hòa đòi hối lộ 300 triệu đồng, gia đình Tịnh Thất Bồng Lai đang yên lành bỗng dưng ông Võ Văn Thắng và bà Mai dẫn 50 côn đồ xâm nhập trái phép, đập phá, trộm cắp tài sản. Đại diện Tịnh Thất Bồng Lai tố cáo nhiều lần nhưng Công An Đức Hòa liên tục cho rằng không phạm pháp. Bức xúc vì bị đối xử bất công, các thành viên Tịnh Thất Bồng Lai chỉ nói Công An bao che tội phạm, liền bị khởi tố, bắt giam. Cụ Lê Tùng Vân chỉ nói Thích Thanh Từ ngu hơn bò mà bị 5 năm tù. Bản án tù thực chất chỉ là một trong chuỗi hành vi Công An trả thù việc họ đã tố cáo công an Đức Hòa vòi tiền hối lộ.
Đến lượt các luật sư cũng bị điều tra về cái tội nói đúng cái xấu, cái sai của công an (7).
Oan án dao thớt của tử tù Hồ Duy Hải kéo dài đã hơn 14 năm qua, đến oan án Tịnh Thất Bồng Lai, cho thấy Long An là vùng trũng sâu nhất trong hố thẳm tối tăm phi pháp, là đỉnh cao cường quyền của xứ sở “thiên đường”. Những sai phạm ấy đã được các luật sư tố cáo đến tất cả các cơ quan pháp luật và các lãnh đạo đảng, nhà nước cao nhất, kể cả Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Thế nhưng hai năm qua, những vi phạm pháp luật, đạo đức nghiêm trọng, trắng trợn, man rợ, trời không dung, đất không tha ấy, không có cơ quan nào nào xem xét, ngược lại những tên tội phạm tiếp tục lạm quyền, trấn áp những luật sư, bất chấp dư luận trong nước và quốc tế, cho thấy sự vô pháp này không riêng của Long An, mà đã di căn từ địa phương đến trung ương.
Số phận không riêng của ba luật sư và mọi người dân thật mong manh. Các cơ quan pháp luật ở đây không tôn trọng mà các cơ quan này tha hồ lạm dụng quyền lực để nhũng nhiễu bức hại người dân.
_______
Ghi chú:
Leave a Comment