Cát Tường (VNTB)
Đại biểu Quốc hội đề xuất ghi quê cha và mẹ trên thẻ căn cước công dân vì đây là hai nơi mang nhiều ý nghĩa với mỗi người.
“Ghi quê cha trên thẻ căn cước sẽ có ý nghĩa như thế nào? Tại sao mục quê quán lại ghi quê cha mà không phải quê mẹ? Có thể ghi thêm thông tin quê mẹ trên thẻ căn cước công dân hay không?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu.
Theo ông Nghĩa, Ban soạn thảo cũng cần thống nhất ghi “nơi sinh” hay “nơi khai sinh”. Bởi một người có thể sinh ở bệnh viện thuộc tỉnh này nhưng đăng ký khai sinh ở tỉnh khác, dự thảo luật cần thống nhất cách hiểu.
Đồng tình với ông Nghĩa, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP.HCM), đề nghị Ban soạn thảo xem xét thể hiện cả quê cha (quê nội) và quê mẹ (quê ngoại) trên thẻ căn cước công dân. “Với hầu hết mỗi người, quê mẹ mang rất nhiều ý nghĩa, gắn với tuổi thơ, kỷ niệm”, ông Ngân nói.
Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội ngày 2-6-2023. Dự luật đề xuất trên thẻ căn cước bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng và thay thông tin quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú.
Cải tiến này theo Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng thẻ căn cước, hạn chế phải cấp đổi và đảm bảo tính riêng tư; thông tin người dân được khai thác qua chíp điện tử.
Thay nơi thường trú thành nơi cư trú được cho là phù hợp thực tiễn vì nhiều người hiện chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại. Với quy định này, tất cả người dân đều đủ điều kiện được cấp thẻ căn cước; đảm bảo quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Câu hỏi đặt ra: với những đứa trẻ không có tuổi thơ với quê nội hay quê ngoại, hoặc “không có quê” nào cả vì thân phận bị bỏ rơi, vậy trong tờ căn cước mà đứa trẻ đó phải buộc gắn bó đến hết đời, sẽ ghi như thế nào ở những đề mục mang tính thủ tục này?
Theo thống kê, số trẻ em bị bỏ rơi gia tăng với số lượng ngày càng lớn. Trong các năm từ 2016 – 2018 số trẻ bị bỏ rơi lên tới 469.869 trẻ. Điều đáng nói, con số này có xu hướng tăng theo từng năm.
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Trọng An, cựu Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em cho rằng, vấn đề trẻ em bị bỏ rơi đang trở thành vấn đề xã hội bức xúc. Hoàn cảnh sống khó khăn, nhận thức không đầy đủ là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc trẻ em bị tách ra khỏi gia đình; hoặc người dân chưa cảm thông và chia sẻ với các bà mẹ đơn thân là một trong những yếu tố dẫn tới việc bỏ rơi con cái.
Nhiều bà mẹ đơn thân không có đủ khả năng tài chính để chăm sóc trẻ nên buộc họ phải chọn giải pháp xa rời con đẻ. Ngoài ra việc thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản đã và làm gia tăng hiện tượng có thai ngoài ý muốn từ những cô gái trẻ, chưa kết hôn.
Một báo cáo mà người viết có được, thì trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 20 trường hợp trẻ sơ sinh bị vứt bỏ trên đường, bãi rác, hố ga, nhà vệ sinh, bệnh viện…
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo một số bệnh viện, nhiều phụ nữ trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh – sinh viên do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản; chưa được trang bị, tư vấn, hướng dẫn cách phòng tránh thai nên đã mang thai rồi sinh con ngoài ý muốn. Vì sợ cha mẹ, người ngoài dị nghị nên không ít người đã sinh con rồi… vứt bỏ.
Theo báo cáo của Unicef năm 2016 thì Việt Nam có hơn 170.000 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa với hơn 22.000 trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Trong số cả trăm ngàn đứa trẻ đó, tính đến thời điểm hiện tại 2023, có lẽ không ít đã sắp vào tuổi làm các thủ tục hành chính của tờ căn cước.
Những đứa trẻ này làm sao biết ai là cha, là mẹ để ghi trong phần quê quán bây giờ?
Leave a Comment