Như một cơ thể đang lớn, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng cao trong hơn 20 năm qua, nhưng giờ đây, không gian phát triển đang bị thu hẹp dần và đang trườn dần về phía bên kia sườn dốc.
Năm ngoái là năm tăng trưởng cao nhất trong 12 năm khi GDP chính thức công bố là 8,02%. Nhiều người nghi ngờ con số này nhưng không một ai có thể đủ năng lực kiểm chứng.
Được tiếp sức bằng báo cáo kiểu “bốc thuốc” đó của Tổng cục thống kê, quốc hội đã rất lạc quan đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2023 là 6,5% và lạm phát là 4,5% mặc dù những di chứng của đại dịch đang bắt đầu âm thầm phát tác.
Sau 5 tháng thực hiện, dựa vào một số báo cáo và phát biểu của quan chức chuyên ngành cùng với cảm nhận thực tế, chúng ta thấy kinh tế Việt Nam đang vô cùng ảm đạm và năm 2023 dự báo sẽ dần thoái trào.
“TÀI SẢN TOÀN DÂN” ĐANG VỀ TAY NGOẠI QUỐC
Ngày 9/5/2023 vừa qua, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội của Uỷ ban thường vụ quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã nói rằng: “Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản của mình” và theo ông Dũng thì bán chỉ được bằng 50% giá trị và khách mua toàn là người nước ngoài.
Nhìn vào danh sách những thương vụ M&A (Mua bán & Sáp nhập) lớn nhất của năm 2021-2022 ta thấy hết các hoạt động được tiến hành là ở lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và bán lẻ.
Trong đó có nhiều vụ chuyển nhượng bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài như: dự án Ngân Hà đã chuyển cho Gamuda Land của Malaysia, Novaland nhận được đầu tư từ quỹ Warburg Pincus …
CapitaLand Group cũng đang đàm phán với Vinhomes JSC để mua một dự án ở phía bắc thành phố Hải Phòng. Giá trị của thương vụ ước tính lên tới 1,5 tỉ USD có thể sẽ được “đốt” ở một nước không phải Việt Nam.
Chúng ta đã từng nghe nói về việc người Trung Quốc mua những vị trí đất đẹp ở Phú Quốc, Đà Nẵng và Quảng Ninh nhưng chưa bao giờ được biết đến một con số công khai.
Điều đáng lưu ý là vào giữa tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã đạt 100 triệu người và mật độ dân số trên một km2 đã gấp đôi Trung Quốc, ở mức 300 người/1km2 trong khi Trung Quốc là 149 người/1km2.
Nạn nhân mãn không chỉ ở Trung Quốc mà chính chúng ta đang phải chia sẻ một không gian chung nhỏ hẹp ở vùng duyên hải vắng bóng cây và dày đặc bê tông cốt thép.
Điều 4 Luật đất đai năm 2013 (đang có hiệu lực) quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Từ ban đầu là “tài sản của nhân dân”, sau một số quyết định hành chính, đã trở thành tài sản của các tập đoàn tư nhân và bây giờ đang lần lượt về tay ngoại quốc. Những hoa trái ở thấp và dễ hái đã được bỏ trọn vào túi tư nhân.
DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI NHỎ VÀ NHIỀU
Ngoài lĩnh vực bất động sản, một nền kinh tế muốn phát triển bền vững phải có công nghiệp sản xuất. Hiện nay chúng ta không có một nền sản xuất và công nghiệp nặng đáng kể nào để có thể nêu tên.
Trước đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam với ý định là sẽ chuyển giao công nghệ, tìm kiếm những nhà thầu trong nước, thiết lập chuỗi cung ứng nội địa để giảm giá thành sản xuất.
Nhưng sau hơn 20 năm, từ quy hoạch các ngành kinh tế rất đồ sộ đã dần dần chuyển thành “quy hoạch” các ngành cung ứng “nguyên phụ liệu” và rồi cuối cùng vẫn không thể đáp ứng được các yêu cầu nhỏ nhất của các nhà sản xuất.
Tỷ lệ nội địa hoá vẫn rất thấp và doanh nghiệp nước ngoài đã nhảy vào đảm nhận sản xuất luôn cả ốc vít, thùng carton, đóng gói và giao nhận hàng hoá. Hiện nay Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản… đang dần dần xây dựng hệ thống cung ứng khép kín cho những nhà máy của họ ở Việt Nam.
Số lượng doanh nghiệp do người nước ngoài làm chủ tại Việt Nam ngày càng nhiều và kích thước ngày càng bé. Đó là điều vô cùng đáng ngại khi các nước xung quanh cũng đang gồng mình giữa cuộc đua làm ăn và đã bung mình ngay trên sân khách.
Song song với đó là việc các ngành dịch vụ và bán lẻ đã và đang được chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài: Central Retail của Thái Lan đã hoàn tất việc thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Công ty ThaiBev của tỷ phú đã chi đến hơn 5 tỷ đô để mua Sabeco và hàng loạt thương vụ khác đang được đàm phán.
Ngoài ra, các công ty hàng đầu về dịch vụ, tư vấn đào tạo, logistic hay bảo hiểm nhân thọ đều là của người nước ngoài. Không một ngành nghề dịch vụ nào có được dấu ấn đặc sắc của riêng chúng ta ngoại trừ hình ảnh đậm nét nhất là ‘làm thuê’ cho các ông chủ nước ngoài ngay trên chính quê hương mình.
TRỤC TRẮC Ở HỆ THỐNG NGÂN HÀNG
Nếu như yếu kém cuả toàn bộ nền kinh tế là vấn đề trong suốt nhiều năm nhưng chúng ta vẫn ì ạch vượt qua thì năm nay trục trặc ở hệ thống ngân hàng là sự cố lớn nhất, có khả năng kích hoạt một cuộc khủng hoảng tồi tệ.
Bởi vì hơn 10 năm qua, ngân hàng đã đứng ra bảo lãnh phát hành lòng vòng quá nhiều trái phiếu cho doanh nghiệp, như một kiểu đa cấp cắn đuôi nhau để hưởng lợi trong chính tháp ngà của mình. Khi xảy ra các vụ khủng hoảng như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát….đã xô đẩy hàng loạt các doanh nghiệp không thể phát hành tiếp trái phiếu để trả nợ mà quay vòng tiếp.
Giờ đây tất cả các doanh nghiệp chỉ còn nhìn vào tín dụng ngân hàng nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng có thể căng thẳng bất cứ lúc nào và ‘tăng xông” là điều rất dễ xảy ra. Năm nay chắc chắn càng tồi tệ hơn vì suốt một thời gian dài các doanh nghiệp đã đầu tư vào bất động sản là các tài sản không tạo ra dòng tiền để trả nợ khi đến hạn và thị trường thì đang đứng yên.
Ở cấp độ sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay cho vay sản xuất vì tài chính kém minh bạch, tài sản đảm bảo thiếu, khả năng quản lý kém và lãi suất cao. Do vậy, cái gốc của nền kinh tế không được đảm bảo, như cây đang lên mà không có rễ nhỏ để nuôi thân, chỉ cần một cơn gió là đổ xuống.
Ở một chiều kích khác, chưa bao giờ vay tiền để đi nước ngoài dễ dàng như bây giờ, nó đang trở thành một xu hướng giải ngân cơ bản của các ngân hàng ở vùng nông thôn. Bởi vì thực sự đi làm thuê ở nước ngoài luôn có một khoản tiền đều đặn gửi về để trả lãi.
Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang đi vào Việt Nam, chúng ta bắt đầu rời bỏ quê hương để bán sức lao động đơn thuần ở nơi xa xôi, đây chỉ là kiểu bóc ngắn cắn dài rất mong manh.
BỘ MÁY KHÔ DẦU VÌ THIẾU “PHONG BÌ”
Khi những trái thấp của nền kinh tế đã bị hái đi thì tương lai sẽ cần nhiều nguồn lực và khó khăn hơn rất nhiều và đòi hỏi một tư duy mới. Thế nhưng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam bị kẹt giữa một không gian phát triển nhỏ và tầm tư duy tù túng.
Các tập đoàn lớn của Nhà nước liên tục lỗ mà vẫn được ưu ái giữ “vai trò chủ đạo” và bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế là một bộ máy toàn trị đang “khô dầu”. Toàn bộ hệ thống chính quyền của Việt Nam đang bị ngưng trệ vì thiếu “phong bì” bôi trơn.
Trước đây thì ai cũng biết, là không ai có thể sống bằng lương nhưng ai cũng sống tốt vì có “lậu”. Nhưng giờ đây “lò đang cháy” và tai mắt thì đầy rẫy chung quanh. Việc nhận phong bì đã trở nên kín đáo hơn và khó khăn hơn.
Trước đây người ta nổ thẳng số tiền bằng “tiếng việt” nhưng bây giờ họ viết trong lòng bàn tay rồi mở ra hoặc kín đáo ghi xuống một tờ giấy, đặt trên bàn của mình rồi xoay ngược tờ giấy lại cho người dân thấy con số. Không đồng ý có thể ghi lại con số hoặc tỷ lệ ăn chia khác.
Hai bên cứ giao dịch như vậy và không một âm thanh nào được phát ra vì điện thoại hầu như đã được bật chế độ ghi âm khi bước vào cửa công quyền giao dịch.
Khi “người khôn của khó”, thì quan tham hơn và dân cũng gian hơn.
Văn hoá ăn chơi của các quan chức cũng đã bước sang một thời kỳ mới, bí mật và truỵ lạc hơn. Họ sẽ ra nước ngoài hoặc đến những nhà riêng được hẹn trước trong những khu vực kín đáo và “điều hàng” chứ không còn đến những nơi đông đúc như trước.
Đối với người dân thì chỉ biết vùi đầu trong những trò chơi giải trí rẻ tiền trên mạng. Một người bạn tôi cho rằng người dân đã thay đổi cả thói quen đi “nhậu”, rút lui về nhà, uống nhiều hơn bằng những chai rượu có tỷ lệ cồn cao hơn và với giá rẻ hơn.
Nếu không có một tầm tư duy mới để cải tổ chính trị và mở ra những không gian phát triển kinh tế khác, chúng ta sẽ dần dần xuống dốc rồi rơi tõm vào bẫy thu nhập trung bình và năm 2023 này sẽ là dấu chỉ ban đầu./.
Leave a Comment