Đề nghị của ông Nguyễn Thiện Nhân: Trao 130.000 tỉ đồng lẽ ra phải dùng vào các dự án đầu tư công cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để EVN… cắt lỗ (1) – khiến công chúng nổi giận nhưng đó không chỉ là chuyện để… giận. Trong bối cảnh kinh tế – xã hội như hiện nay, loại đề nghị này của một cá nhân đại diện cho nguyện vọng, ý chí toàn dân bộc lộ một vấn đề khác, đáng bận tâm hơn: Đại biểu Quốc hội thản nhiên phô bày nỗ lực vận động cho lợi ích “của EVN, do EVN, vì EVN” còn dân sinh thế nào thì thuộc loại chuyện “sống chết mặc bay”! Cứ như tường thuật của báo chí Việt Nam, hơn 400 cá nhân khác đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất của Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng chẳng có ai thèm bận tâm tới lợi ích “của dân, do dân, vì dân” nên hoặc đồng tình, hoặc… nín thinh, không ai phản bác đề nghị “bất cận nhân tình” ấy.
Tuần vừa qua – thời điểm hơn 400 cá nhân đại diện cho nguyện vọng, ý chí của nhân dân tụ tập ở Hà Nội để tiến hành “Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 15” – không chỉ có đề nghị lấy 130.000 tỉ từ công quỹ nhằm giúp một tập đoàn cắt lỗ, thiên hạ còn thấy ông Tô Lâm – vừa là Ủy viên Bộ Chính trị, vừa là Đại biểu Quốc hội, vừa là Bộ trưởng Công an – trình Quốc hội “Dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân”. Mục tiêu chính của dự luật là cho phép công an phong thêm năm cá nhân thành… tướng và nếu có cá nhân nào trong ngành công an được… “biệt phái” làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của Quốc hội thì đương sự phải được trao cấp bậc… Thượng tướng. Vào lúc này, quốc gia không còn chuyện gì đáng bận tâm hơn nên có thể dành thời gian, trí lực, sức lực vào việc xét xem ngành công an nên có bao nhiêu tướng?
Đáng ngạc nhiên là kinh tế – xã hội đã và đang trong tình trạng “nước sôi, lửa bỏng” nhưng chính phủ chỉ gửi thêm công điện yêu cầu các ngành và chính quyền các cấp “thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp” (2) và giành phần lớn thời gian, trí lực, sức lực cho những thứ như hỗ trợ Bộ Công an vận động sửa Luật Công an nhân dân sao cho “phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an”. Ông Tô Lâm trình “Dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân” cho Quốc hội không đơn thuần chỉ vì ông muốn, ông được ủy nhiệm thay mặt chính phủ thực hiện một trong những mục tiêu mà chính phủ xác định là… trọng tâm, phải gỉai quyết ngay, không thể chậm trễ (3).
Không may cho dân chúng Việt Nam là chính phủ đã thế mà Quốc hội cũng… thế! Ngoài việc chỉ bày tỏ sự sốt ruột vì kinh tế suy thoái trầm trọng, tất cả các giới đang lao đao vì đủ loại khó khăn, những diễn biến mới nhất trên nghị trường cho thấy Quốc hội chỉ chú tâm giải quyết những chuyện… “chưa hợp tình, hợp lý” kiểu như luật chưa… “thể chế hóa” việc hai trợ lý của ông Tô Lâm phải là… Thiếu tướng trong khi ông Tô Lâm vừa là Ủy viên Bộ Chính trị, vừa là Bộ trưởng Công an! Không phải chỉ có Ủy ban Thường vụ của Quốc hội dành thời gian, trí lực, sức lực cho điều này mà các Đại biểu Quốc hội khác cũng vậy. Nhiều đại biểu đề nghị đã… “luật hóa” Chủ nhiệm Ủy ban QPAN của Quốc hội phải mang hàm Thượng tướng thì phải… “luật hóa” việc trao hàm… Đại tướng cho cả Phó Chủ tịch đặc trách quốc phòng và an ninh của Quốc hội (4).
Quốc hội, chính phủ hoạt động bằng tiền thuế do dân chúng đóng góp nhưng vận hành theo kiểu như vừa đề cập vẫn… đúng đắn? Cách nay mươi năm đã từng có thống kê, chi phí mỗi ngày Quốc hội nhóm họp lên đến hàng tỉ, nay với mức lạm phát như đã biết, chi phí cho một ngày Quốc hội nhóm họp lên tới mấy tỉ? Chi ra mỗi ngày mấy tỉ trong khi dân chúng lầm than, các giới điêu đứng vì kiệt quệ mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào và vào dịp tụ tập theo định kỳ ấy thi nhau tung hứng những chuyện như nên dành 130.000 tỉ cho EVN cắt lỗ để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia hay cần phải tăng thêm “tướng” cho ngành công an, “nâng trần quân hàm” cho một số vị trí sẽ giúp “quốc thái, dân an”? Nếu đã làm luật, xác định Chủ nhiệm Ủy ban QPAN phải là tướng hoặc quân đội, hoặc công an thì sắp tới sẽ ngừng tổ chức bầu cử Quốc hội để tránh lãng phí?..
Ngoài chuyện phải thắt lưng, buộc bụng để đóng đủ loại thuế, phí, phải nhịn mọi thứ phúc lợi xã hội lẽ ra phải được thụ hưởng như dân chúng nhiều quốc gia khác để nuôi những cá nhân kiểu như viên tướng công an được “biệt phái” sang Quốc hội làm Chủ nhiệm Ủy ban ANQP, đến khi… “thi hành công vụ” do… “nhân dân giao phó”, viên trung tướng công an đồng thời là Ủy viên BCH TƯ đảng này thay mặt Ủy ban Thường vụ của Quốc hội dành thời gian, trí lực, sức lực để… “thẩm tra” những thứ như cái gọi là “Dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân”, tuyên bố việc ngành công an nên có thêm năm viên tướng và nên nâng chính ông ta (Lê Tấn Tới) từ trung tướng thành… thượng tướng là… “cần thiết” và “đa số ý kiến nhất trí”, chẳng lẽ không phải là bằng chứng mới nhất, rõ ràng nhất về tình trạng các “nhóm lợi ích” lũng đoạn chính sách, pháp luật và dù ra rả tuyên bố kiên quyết chống các “nhóm lợi ích” nhưng lại công khai dung dưỡng cho các “nhóm lợi ích” thỏa hiệp với nhau ở cả chính phủ lẫn quốc hội?
Cách nay khoảng ba tuần, tại cuộc họp của bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư đảng CSVN tuyên bố “Thường trực đã chỉ đạo kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm ‘lợi ích nhóm’, ‘lợi ích cục bộ’ trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước và xã hội” (5). Cứ ngẫm sẽ thấy cả chính phủ lẫn quốc hội công nhiên vi phạm hệt như vậy, đồng thời có thể khẳng định, bất kể các “nhóm lợi ích” hành xử trắng trợn đến thế nào thì tất cả vẫn vô can bởi ngoài lợi ích riêng tư, các “nhóm lợi ích” này đều tận tình bảo vệ quyền lực – “lợi ích” nền tảng của “nhóm lợi ích” lớn nhất: Đảng CSVN!
Tham khảo
(1) https://thanhnien.vn/de-xuat-nha-nuoc-chi-130000-ti-dong-de-evn-cat-lo-185230523214135141.htm
Leave a Comment