Quảng Cáo

Hiện tình đất nước qua các phát biểu ở nghị trường

Quảng Cáo

Nguyễn Nam  (VNTB)

Không rõ vì sao không thấy gương mặt của đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp hiện tại ở Quốc hội

Việc có mặt của đại biểu Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là rất quan trọng, thậm chí tối cần thiết, vì qua đó ông sẽ thêm hiểu về hiện tình đất nước, để trên cương vị Tổng bí thư Đảng, ông có những quyết sách phù hợp, đúng đắn hơn so với hô hào những mẫu ngợi ca quen thuộc suốt thời gian dài: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”…

Nghị trường sáng 25-5, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cho rằng kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2023 là một bức tranh ảm đạm khi số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm, số lượng lao động thất nghiệp tăng lên.

“Chỉ trong ngày 23-5, một ngày sau khi Quốc hội khai mạc, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tiếp nhận 22.000 hồ sơ thất nghiệp. Nguyên nhân là do giảm cầu, đơn đặt hàng không có. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp chưa hiệu quả, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa có sự chia sẻ với doanh nghiệp.

Trong lúc doanh nghiệp kiệt quệ như thế không chia sẻ mà liên tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra. Chúng ta chống tham nhũng là đương nhiên rồi nhưng chĩa chỗ nào chính xác chứ không chĩa tràn lan thế được”, ông Lê Thanh Vân dẫn số liệu cho vấn đề đặt ra.

Tin rằng nếu ông Nguyễn Phú Trọng nghiêm túc ở nghị trường Quốc hội để nghe những vấn đề mà vị đại biểu Lê Thanh Vân, chắc chắn ông sẽ không còn bảo thủ về chuyện của “đất nước ta chưa bao giờ…”.

Ông Lê Thanh Vân nói ở nghị trường rằng có tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP.HCM) nhìn nhận có giai đoạn 2 tuần liền không bán được món hàng nào. Điều này cho thấy cầu giảm, do khó khăn, người dân phải thắt lưng buộc bụng, lương không có, doanh nghiệp nợ, họ không có chi phí sinh hoạt.

“Trong khi đó, các dự án tượng đài, cổng chào vẫn triển khai. Trong lúc dân thì khó khăn, đặc biệt nơi vùng sâu, vùng xa, đói kém như vậy thì xây tượng đài để ca ngợi gì”, ông Vân đặt câu hỏi dạng… tu từ, bởi vì ngay sau đó, đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng, nguyên nhân của tình hình “ảm đạm” này bên cạnh sự tác động của dịch Covid-19 và thế giới, thì quan trọng nhất là chất lượng thể chế và cán bộ.

“Chất lượng thể chế đã kém rồi chất lượng cán bộ còn kém hơn, chứ không phải do sự vận hành các thiết chế về kinh tế, doanh nghiệp”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Một đồng liêu khác ở nghị trường Quốc hội đặt vấn đề mà tin rằng nếu ông Nguyễn Phú Trọng ‘trực tiếp nghe’, chắc chắn ông sẽ ‘ú ớ’ luôn: “Ai không làm đứng sang một bên, nhưng sang bên nào lại là câu chuyện”.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Phó đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội Lai Châu, đặt hẳn vấn đề mà rất nhiều lần công chúng nghe Tổng bí thư ra mệnh lệnh rằng ‘người nào không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm’:

“Ai không làm được đứng sang một bên là quan điểm rất đúng. Nhưng đứng sang bên nào, đứng chỗ nào lại là câu chuyện”, ông Khánh chơi chữ, và cho rằng, vấn đề này một nghị định của Chính phủ không thể giải quyết toàn diện vì công tác cán bộ liên quan quy định của Đảng.

“Để xử lý được thì Đảng cũng phải có những quy định cụ thể. Đứng sang một bên liên quan các quy trình, nhiều thứ. Đề nghị Đảng, Nhà nước sớm có quy định thống nhất giải quyết tình trạng này”, ông Khánh ý kiến.

… Ổn định chính sách, tránh bất an trong bối cảnh chất lượng thể chế kém cõi như lời của đại biểu Lê Thanh Vân, xem ra vẫn là câu chuyện chưa biết bao giờ mới có hồi kết ở Việt Nam./.

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux