Nguyễn Huyền (VNTB)
Liêm chính công vụ dường như phụ thuộc vào đạo đức của quan chức cộng sản.
Tin tức cho biết, hôm 19-5 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”.
Theo ban tổ chức thì “đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng”.
Lưu ý ở đây là “hội thảo khoa học cấp quốc gia” trong bối cảnh nền kinh tế đang cần chi những khoản ngân sách thiết thực hơn, vì sẽ rất khó hiểu khi một mặt Đảng đã ngợi ca cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (do Ban Nội chính Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản), đến mức được vào giảng dạy ở bậc đại học; mặt khác, như vấn đề nêu ở hội thảo khoa học nói trên, Đảng chấp nhận lấy ngân sách quốc gia để chi những khoản gọi là “nghiên cứu khoa học cấp quốc gia” về vấn đề đạo đức người cộng sản.
Số tiền ở đây là không nhỏ, và có thể tính toán ở mức tối thiểu với đơn giá ‘chưa tính hệ số trượt giá’.
Cụ thể, nội dung và định mức chi hội thảo khoa học phục vụ hoạt động nghiên cứu được xây dựng và thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.
Lưu ý thời giá này tính cho năm 2015, chưa tính trượt giá thời điểm hiện tại 2023: Người chủ trì: 1.500.000 đồng/buổi hội thảo; Thư ký hội thảo: 500.000 đồng/buổi hội thảo; Báo cáo viên trình bày tại hội thảo: 2.000.000 đồng/báo cáo; Báo cáo khoa học được cơ quan tổ chức hội thảo đặt hàng nhưng không trình bày tại hội thảo: 1.000.000 đồng/báo cáo; Thành viên tham gia hội thảo: 200.000 đồng/thành viên/buổi hội thảo.
Nội dung của “hội thảo khoa học” nói trên có yếu tố nào “tính mới” để được gọi là “khoa học”?
Theo góc nhìn tường thuật của báo chí, cho thấy dường như các tham luận vẫn là bài lên lớp quen thuộc theo văn phong tuyên giáo rất quen thuộc lâu nay. Đơn cử như tham luận với chủ đề “Giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam”, Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục V04, Bộ Công an, khẳng định đạo đức Hồ Chí Minh chính là hội tụ, kết tinh đạo đức truyền thống Việt Nam. Người cũng chính là tấm gương mẫu mực trong việc phát huy những giá trị đạo đức truyền thống đó.
Theo ông Trần Vi Dân, “học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh là giải pháp chiến lược quan trọng nhất đối với quá trình xây dựng đạo đức, văn hóa trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quan tâm nghiên cứu học tập những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được kết tinh trong đạo đức Hồ Chí Minh. Thời gian tới, khi xây dựng chuẩn mực đạo đức trong giai đoạn mới cần hết sức chú ý vấn đề này”.
Với tham luận của PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, thì, “dù ở giai đoạn cách mạng nào Đảng ta cũng luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng việc xây dựng Đảng về đạo đức.
Các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được Đảng ta nhấn mạnh là: Thật sự tiên phong, gương mẫu; kiên định, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì mục tiêu cách mạng; gắn bó mật thiết với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định… của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có nhân cách và lối sống mẫu mực, lành mạnh, trong sáng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, bản lĩnh, kiên định, đoàn kết, kỷ cương, trung thực, trách nhiệm; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, nêu cao danh dự, lòng tự trọng; có năng lực hoàn thành nhiệm vụ, năng động, sáng tạo, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và mọi biểu hiện, hành vi tiêu cực; học tập, rèn luyện không ngừng…”.
Cá nhân người viết bài này cũng là một đảng viên. Tôi cho rằng cần đặt vấn đề liêm chính công vụ được pháp luật quy định ra sao, chứ ai đời đến giờ này mà Đảng vẫn bài bản cũ kỹ của rao giảng đạo đức cộng sản thì rất khó thuyết phục. Bởi nếu đạo đức cộng sản sáng ngời thì tin rằng làm gì có chuyện nhiều quan chức cấp ‘trung ủy’ đã ‘tay nhúng chàm’ (?!).
Và, nếu đã gọi là “hội thảo khoa học cấp quốc gia”, vậy thì “tính mới của nghiên cứu khoa học” ở đây như thế nào? Khi không trả lời tử tế yêu cầu này, có lẽ đây sẽ là một dạng của tham nhũng khoa học nhân danh đạo đức cộng sản./.
Leave a Comment