Bức tranh ‘giải ngân vốn đầu tư công’, một nguồn lực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vẫn tiếp tục ảm đạm. Báo Chính phủ dẫn lời Bộ Tài chính nói trong bốn tháng đầu năm nay, chỉ có 3 bộ và 19 địa phương giải ngân trên 20%. Còn lại, 47/52 Bộ, cơ quan trung ương và một địa phương giải ngân dưới 5% kế hoạch. Ách tắc triển khai vốn đầu tư công đang gây ra không ít khó khăn cho hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp. Thậm chí những doanh nghiệp không dính dáng gì đến nguồn vốn đầu tư công cũng khốn đốn vì tâm lý sợ trách nhiệm, không dám ký duyệt của các cấp lãnh đạo từ những bệnh viện công cho tới các cơ quan hành chính cấp quận, tỉnh, thành.
Anh N.H.N, giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế công nghệ cao, cho biết hiện tại công ty anh không triển khai bất kỳ dự án mới nào,chỉ hoạt động ‘cầm cự qua ngày’, cố gắng duy trì cho những dự án đã triển khai mà thôi. Anh nói giờ mà cố làm thì có ngày ‘đi tù như chơi’.
“Đối thủ cạnh tranh của bọn tôi vừa bị công an vào hốt cả văn phòng hai mươi mấy người cả nhân viên và sếp…giám đốc trốn sang Canada rồi,” anh chia sẻ với VOA.
Anh N cho hay hiện đang phải tìm mọi cách hợp thức hoá các khoản chi của doanh nghiệp để tránh bị cơ quan thuế ‘sờ gáy’. Anh nói đây là chuyện thường tại các doanh nghiệp Việt Nam vì các khoản lót tay vốn không thể khai vào chi phí doanh nghiệp mà lại ‘không thể không có’ cho quan chức các cấp mỗi lần muốn được phê duyệt và triển khai một dự án mới.
“Hôm vừa rồi cũng phải làm dỏm hoá đơn đầy ra. Nếu không thì sẽ bị moi ra là trốn thuế, mà bây giờ tội nhẹ nhất của doanh nghiệp là tội trốn thuế,” anh phân trần.
Câu chuyện của anh N không phải là hiếm và cũng không phải chỉ riêng trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế công nghệ cao.
Chị N.T.H, quản lý một doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông chuyên thực hiện dự án cho các tổng công ty và tập đoàn lớn của nhà nước, cho biết từ sau đại dịch, công ty của chị vẫn tiếp tục ‘nằm thở’ vì không kiếm được hợp đồng mới. Chị cũng phải cho nghỉ phần lớn trong số gần 300 nhân viên, chỉ giữ lại số lượng tối thiểu đảm bảo hoạt động cầm chừng.
“Tư nhân muốn làm nhưng nhà nước không dám ký thì làm cái gì? Thế là nó ách hết lại. Thằng nào cũng sợ,” chị H than vãn và dự kiến tình hình ảm đạm trong hoạt động kinh doanh sẽ còn kéo dài.
Bất chấp những khó khăn về kinh tế và tình trạng ảm đạm trong hoạt động của các doanh nghiệp vì chiến dịch ‘đốt lò’, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định phương sách chống tham nhũng hiện nay là đúng đắn.
Phát biểu hôm 10/5 trong cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hà Nội, ông Trọng nói công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực đã được tiến hành rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ, thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, có tác dụng răn đe và rằng việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng là rất cần thiết.
Anh N.P.N, một phóng viên lâu năm trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, cho rằng thế bế tắc hiện nay là do sự thiếu đồng bộ trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng.
“Vấn đề là song song với việc đánh chuột thì ông phải đổi mới thể chế…chứ bây giờ một vấn đề thì có biết bao nhiêu là luật quy định chồng chéo, luật này đá luật nọ. Riêng về bất động sản thì có mấy cái luật rồi như luật nhà ở, luật bất động sản, luật xây dựng, luật kinh doanh bất động sản, luật bán nhà…Tóm lại là nó chồng chéo lên nhau rất là khó làm,” anh N nói với VOA.
Theo nhà báo này, luật ở Việt Nam chồng chéo như vậy là cố ý, chứ không phải do trình độ hạn chế của đội ngũ lãnh đạo.
“Nó mập mờ như thế thì ông mới ăn được chứ, rõ ràng quá thì ông ăn cái gì,” anh nói thêm.
Anh N nói đây chính là vấn đề trong chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng: muốn chống tham nhũng nhưng lại để cho căn nguyên tạo ra tham nhũng, sự chồng chéo và mập mờ trong hệ thống luật, tồn tại.
Theo VnExpress, hơn 77.000 doanh nghiệp đã rời thị trường trong 4 tháng qua. Một số khác thì phải bán lại doanh nghiệp để tránh vỡ nợ hoặc chọn cách co hẹp sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự. Tình hình được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn. Gần 50% doanh nghiệp cho rằng năm nay sẽ còn khó khăn hơn so với năm ngoái giữa bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, nguồn vốn đầu tư công tiếp tục bị tắc nghẽn do tâm lý sợ trách nhiệm và sợ bị ‘quẳng vào lò’ của các cấp lãnh đạo từ địa phương cho tới các bộ ban ngành trung ương./.
Leave a Comment