Kết quả bầu cử Quốc Hội Thái Lan hôm qua, 14/05/2023, cho thấy hai đảng đối lập ủng hộ dân chủ, Move Forward (Áo Cam) và Pheu Thai (Áo Đỏ) đã thắng áp đảo trước các đảng bảo thủ, bảo hoàng và ủng hộ quân đội. Người dân hy vọng một chính phủ dân chủ mới lên cầm quyền. Nhưng câu hỏi « Liệu kịch bản năm 2019 có tái diễn, khi quân đội đã giải thể đảng đối lập thắng cử, tiền thân của Move Forward ? » vẫn ám ảnh người dân Thái và giới quan sát.
Có một điều chắc chắn là trong cuộc bầu cử lần này, việc đông đảo người dân đã tham gia bỏ phiếu, 75,22%, thấp hơn một chút so với năm 2019, sự kiện đảng Move Forward, một đảng chính trị của giới trẻ Thái giành được chiến thắng áp đảo khi thu về gần 14 triệu phiếu bầu, chiếm hơn 113 ghế đại biểu Quốc Hội, bao gồm toàn bộ số ghế đại biểu của Bangkok, và đảng đối lập truyền thống là Pheu Thai về nhì cuộc đua với hơn 10 triệu lá phiếu ủng hộ, cho thấy ước nguyện của người dân Thái muốn sang trang sau gần một thập niên quân đội cầm quyền.
Nhưng liệu rằng đối lập Thái Lan sẽ có thể thật sự cầm quyền được chăng? Câu hỏi được đặt ra ngay sau thông báo kết quả bầu cử dường như khó trả lời. Các quy định bầu cử ở Thái Lan là khá phức tạp, buộc các đảng đối lập phải có được một đa số tuyệt đối hoặc là phải thành lập một liên minh để có thể lên cầm quyền.
Về điểm này, đảng Move Forward của ông Pita Limjaroenrat, có thể trông cậy vào sự ủng hộ của đảng Pheu Thai do bà Paetongtarn Shinawatra lãnh đạo. Cả hai đảng này chia sẻ một nhận định về tình hình kinh tế tồi tệ của đất nước, và đề nghị có những cải cách, nhưng đôi bên lại đối lập nhau trong nhiều vấn đề xã hội, trong đó có điều luật liên quan đến tội khi quân, một vấn đề mà Pheu Thai tỏ ra dè dặt hơn.
Đảo chính, giải thể đảng: Những công cụ trấn áp đối lập của quân đội
Nhưng dù có được sự nhất trí của các đảng đối lập, người được chỉ định làm thủ tướng, không những phải có được đa số phiếu thuận trong số 500 đại biểu Quốc Hội mà cả từ 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự bổ nhiệm. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu phe quân đội và các đảng chính trị có sẽ thừa nhận thất bại bầu cử hay không?
Nhà nghiên cứu Eugénie Mérieau, chuyên gia về Luật Công, trường đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho đài phát thanh France Culture trước ngày bầu cử lưu ý chính trường Thái Lan thường xuyên đối mặt với những cuộc đảo chính, trung bình cứ mỗi 6-7 năm có một cuộc đảo chính do quân đội tiến hành.
Tuy nhiên, việc sử dụng «đảo chính» như là một công cụ có nguy cơ gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Thái Lan, nhất là trước nhiều rủi ro gánh lấy các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu và nhiều nước khác. Do vậy, đây luôn là công cụ sau cùng của quân đội để đối phó với các đảng chính trị đối lập.
Nhưng nền chính trị Thái Lan cũng nổi tiếng là có mức độ giải thể các đảng phái chính trị từ Tòa Hiến Pháp rất cao. Một công cụ pháp luật tinh vi để phe tướng lĩnh và bảo hoàng «vô hiệu hóa» đối lập mà không cần tiến hành đảo chính như đưa ra các cáo buộc tham nhũng hay vi phạm luật bầu cử. Đảng của ông Thaksin, cha của bà Paetongtarn Shinawatra, đã ba lần bị giải thể. Năm 2014, việc bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, từ chối từ nhiệm theo phán quyết của Tòa Hiến Pháp đã dẫn đến cuộc đảo chính cho phép quân đội cầm quyền trong vòng gần 10 năm qua.
Liệu rằng lần này Move Forward có thể điều hành đất nước hay lại một lần nữa chịu cùng số phận như năm 2019, đảng bị giải thể còn lãnh đạo bị cấm ra tranh cử trong vòng 10 năm? Với nhà nghiên cứu Eugénie Mérieau mọi khả năng không thể loại trừ. Một mặt, đang có những cáo buộc gian lận nhắm vào đảng Move Forward. Mặt khác, vài ngày trước cuộc bầu cử, tham mưu trưởng quân đội Thái Lan cảnh báo quân đội có thể can thiệp nếu các chính trị gia không tôn trọng các nền tảng cơ bản của Thái Lan./.
Leave a Comment