Điện là một loại hàng hoá đặc biệt, chịu sự quản lý điều tiết của nhà nước.
Thực tế là EVN liên tục kêu lỗ lớn, tăng giá điện vì chi phí sản xuất đã tăng cao chót vót do những biến động bất ổn trên thị trường thế giới.
Nhưng thay vì sử dụng điện của các doanh nghiệp sản xuất điện sạch trong nước, Việt Nam lại chấp nhận tăng nhập khẩu than để sản xuất điện, ít nhất trong thập kỷ tới, bất chấp giá cao hơn điện sạch và mới ký thỏa thuận trị giá hơn 15 tỷ USD hỗ trợ từ các nước phát triển để giảm điện than.
Ngày 10/3/2023, 36 doanh nghiệp đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã gửi văn bản tới kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong cơ chế giá, làm cho 34 nhà máy điện sạch đã đầu tư xong, sẵn sàng phát điện thương mại nhưng không thể bán điện cho EVN theo giá điện cơ chế cố định khuyến khích (FIT).
Các dự án bị “đắp chiếu” này có vốn đầu tư lên tới khoảng 85.000 tỷ VND, trong đó có đến 58.000 tỷ VND là vốn vay ngân hàng, đẩy các doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị nợ xấu.
Những lý do khiến các doanh nghiệp này lao đao, thậm chí lâm vào nguy cơ phá sản có thể kể đến là nhà nước thiếu cơ chế giá phù hợp cho loại hình điện tái tạo, quy trình cấp phép chưa rõ ràng. Ngoài ra, điện từ mặt trời và gió sản xuất ra chỉ bán được cho EVN khoảng 50%, do lưới điện quốc gia bị ‘quá tải’.
“Do lo ngại về tính an toàn, ổn định của cả hệ thống, nên EVN không chấp nhận cho các nhà máy năng lượng tái tạo mới hoàn thành được hoà mạng. Tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, chủ yếu là điện gió và điện mặt trời đã tạo ra những thách thức cho sự ổn định của lưới điện (quán tính hệ thống thấp, nghẽn đường truyền tải, dư thừa công suất, lỗi dự báo sai lệch lớn, nguy cơ lỗi đi qua và tỷ xuất dòng ngắn mạch giảm thấp gây mất ổn định”, doanh nhân Michael Nguyễn lý giải trong một bài viết gửi cho BBC News Tiếng việt gần đây.
Dưới góc độ các nhà đầu tư sản xuất điện, ông Michael Nguyễn nói rằng đối với các đơn vị đang vận hành nhà máy và đã có Hợp đồng mua bán điện (PPA), các hợp đồng này với EVN đã chốt giá đến 20 năm.
“Việc điều chỉnh về giá trong hợp đồng rất ít, thì về lý thuyết gần như không được hưởng lợi gì khi EVN tăng giá điện này. Tuy nhiên nếu EVN không cân đối được dòng tiền hay dòng tiền mà bị âm, thì họ không có nguồn để thanh toán điện họ mua từ nhà sản xuất điện và chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nặng. Đối với các nhà đầu tư mới, hoặc đang cân nhắc đầu tư dự án điện tại Việt Nam thì rõ ràng họ sẽ rất quan tâm”, ông cho biết thêm.
Nỗi lo khi giá điện tăng
Bài toán về nghịch lý của ngành điện vẫn đang chờ lời giải, nhưng trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế – xã hội, nhiều người bày tỏ lo ngại về hoá đơn tiền điện sẽ tăng phi mã.
Một doanh khoản có sức ảnh hưởng trên nhóm Facebook Bóc phốt tài chính có gần 90.000 thành viên bày tỏ quan điểm:
“Khi EVN tăng giá điện 3%, ai là người trả?
Người dân.
Khi EVN lời, ai là người trả?
Người dân trả.
Khi EVN lỗ, ai là người trả?
Người dân trả.”
“Dù EVN lời hay lỗ thì người gánh chịu cuối cùng vẫn là người dân”, tài khoản này viết.
Chị Ngọc Vũ, tại Quận 7, TP HCM gửi cho BBC hoá đơn tiền điện đầu tháng 5 đã tăng gần 1,4 lần so với tháng 4/2023 dù chưa áp dụng giá mới.
Chị Ngọc cũng bày tỏ sự lo lắng khi có thông báo rằng giá điện sẽ tăng thêm 3% kể từ ngày 4/5. Chị cho rằng: “Tôi chắc chắn tiền điện tháng tới sẽ còn cao hơn nữa. Rồi giá điện tăng thì những thứ khác cũng tăng theo, gia đình tôi sẽ cần thắt chặt chi tiêu.”
Gia đình chị không phải là trường hợp cá biệt, có hàng triệu sinh viên, người lao động, hộ gia đình cũng sẽ phải chật vật với giá điện tăng trong những ngày nền nhiệt lên tới gần 40 độ này.
“EVN sẽ tiếp tục tăng giá điện tăng đến mức đủ bù đắp được các chi phí đầu vào. Vấn đề là chính phủ Việt Nam cần có một chính sách tổng thể bình ổn mặt bằng giá để tránh việc các nhà cung cấp lợi dụng tăng giá không kiểm soát được”, chuyên gia Michael Nguyễn kết luận./.
Theo BBC
Leave a Comment