TS Trần Diệu Chân
Người phụ nữ Việt Nam thường được mô tả là Nữ Hoàng của gia đình, cai quản quốc vương nhỏ bé của bà với nhiều quyền hành, định đoạt mọi chuyện hằng ngày cũng như hoàn toàn quản trị ngân quỹ của gia đình. Họ thường được các ông chồng trân quý gọi là Nội Tướng, một danh từ đã trở thành chính thức trong ngôn ngữ Việt Nam. Người đàn ông được vinh thăng làm Chủ Gia Đình, nhưng thường vẫn phải xin Nội Tướng tiền để chi tiêu. Đàn ông chung quyết những chuyện trọng đại trong gia đình nhưng thực tế là chỉ hợp thức hóa các quyết định của Nội Tướng. Trong thời bình cũng như thời chiến, người đàn ông Việt Nam đã nhờ bàn tay vợ để chăm sóc, nuôi dạy con cái nên người và nhiều khi chính các bà mẹ phải bương chải đem tiền về nuôi sống gia đình. Hình ảnh tiêu biểu của người đàn bà Việt Nam đã được mô tả rõ nét qua bốn câu thơ của ông Tú Xương tặng vợ:
Quanh năm buôn bán ở nom sông,
nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Mô tả hình ảnh đầy quyền uy của phụ nữ không có nghĩa là coi nhẹ vai trò của người đàn ông trong xã hội Việt Nam, mà chỉ để nói lên một truyền thống đã bắt nguồn tự nghìn xưa, biết nhận chân những giá trị của nữ giới và cho họ toàn quyền chọn lựa trong mục tiêu phục vụ gia đình và xã hội.
Lịch sử đất nước ta từ thời lập quốc đã có những gương sáng của người phụ nữ Việt trong vai trò cầm cân nẩy mực của đất nước. Trong cuộc chiến chống ngoại xâm, Hai Bà Trưng và cũng là hai bậc anh thư, anh hùng đầu tiên của dân tộc đã cầm quân cứu nước và lên ngôi vua vào thời kỳ năm thứ 39 tây lịch. Vị nữ anh hùng kế đến là Bà Triệu, Bà Bùi Thị Xuân, Cô Nguyễn Thị Giang, nhân tài như bà Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm và còn biết bao nhiêu nhân tài, nữ anh hùng vô danh khác…Thời kỳ nhà Ngô năm 939 tây lịch, việc phong vương phải được phép của mẫu hoàng. Thời nhà Trần từ 1225 đến 1400, các công chúa điều khiển binh tướng, thu thuế và gánh vác việc nước. Dấu tích của truyền thống bình đẳng nam nữ còn được thấy bàng bạc trong bộ luật Hồng Đức (13th Century) với những quan niệm tân tiến tương đương với xã hội Tây Phương ngày hôm nay. Đặc biệt, phụ nữ Việt Nam khi lập gia đình không đổi tên theo họ nhà chồng.
Quan niệm phóng khoáng này cho thấy Việt Nam là một quốc gia rất đặc biệt so với các xã hội Á Đông khác về phương diện bình đẳng giới tính. Nó cũng nói lên giá trị cởi mở của xã hội ta thời xưa đã vượt trội cả xã hội Tây Phương cùng thời. Nhưng qua gần một ngàn năm bị người Trung Hoa đô hộ, quan niệm trọng nam khinh nữ của họ đã phần nào biến cải nền văn hóa bình đẳng của dân tộc, giới hạn môi trường đóng góp của nữ giới trong phạm vi gia đình và hạ cấp vị trí của họ trong xã hội.
Người phụ nữ Việt nam, tuy nhiên, vẫn vượt được qua các thành kiến phân biệt để đóng góp vào mọi phương diện của xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi trong nhiều lãnh vực. Họ thường phải thay thế những người đàn ông vắng nhà vì phải tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương; các bà thay chồng gánh vác việc nhà, nuôi dậy con trẻ, chăm sóc cha mẹ già, bương chải kiếm sống và gánh vác cả đất nước mà không hề có một danh xưng hay quyền lực nào tương xứng trong xã hội.
Theo Ngân Hàng Thế Giới, phụ nữ hiện đang là sức mạnh chính yếu về kinh tế tại VN, giữ vai trò rường cột trong lãnh vực giáo dục, các hoạt động xã hội, từ thiện và y tế. Tại hải ngoại họ đã thành công xuất sắc trong nhiều lãnh vực nghệ thuật, thể thao, thương mại, học vấn mọi cấp, mọi ngành và đặc biệt cả trong lãnh vực quân sự.
Nguyên nhân khiến phụ nữ Việt Nam có thể thành công ra ngoài khuôn khổ hạn hẹp của gia đình do ảnh hưởng kỳ thị của Trung Hoa gồm có ba yếu tố: a) Truyền thống bình đẳng của dân tộc; b) Hoàn cảnh sống của đất nước: người đàn ông luôn phải ra chiến trường để chống ngoại xâm, phụ nữ ở lại phải bương chải trong mọi lãnh vực, trở nên đa năng, đa hiệu; c) Bản chất mạnh mẽ của phụ nữ VN; lòng can đảm, thương người và gương hy sinh của phụ nữ Việt đã được đề cao hết mực trong văn học, thi ca Việt Nam, tiêu biểu qua bốn câu thơ của thi sĩ Hồ Zếnh:
Cô gái Việt Nam ơi,
nếu chữ hy sinh có ở đời.
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực,
để lòng cô gái Việt Nam tươi.
( Hồ Dzếnh)
Điều này không có nghĩa là thành kiến và quan niệm thiên lệch giới tính không có ở Việt Nam mặc dù đã được cải tiến nhiều trong các gia đình Việt Nam tại hải ngoại. Các thành kiến này đã giới hạn cả nam lẫn nữ phái trong những đóng góp ý nghĩa cho xã hội cũng như những phát triển tiềm năng và ý thích cá nhân. Bứt tung những ràng buộc của thành kiến là điều quan trọng để có thể phát triển tiềm năng của mọi người, thăng tiến xã hội, phá bỏ các trở ngại và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người, mọi giới.
Đặc biệt, chúng ta cần phải:
1.Có những thay đổi trong nếp suy nghĩ của cả nam lẫn nữ giới. Suy nghĩ và phân biệt đối xử, cho là giới này hay hơn, quan trọng hơn giới kia cần được loại bỏ. Trong thực tế, chúng ta đều có những khả năng chuyên biệt để đóng góp cho xã hội. Chúng ta có những khả năng giống nhau, có khi khác nhau nhưng hỗ tương mật thiết cho nhau. Nam nữ hay già trẻ, chúng ta đều cần dựa vào nhau mà sống và giúp cho đời sống thêm phong phú.
2.Phá bỏ thành kiến. Nếp suy nghĩ “đàn bà thuộc phạm vi gia đình, đàn ông mới ra ngoài xã hội” là lối suy nghĩ lỗi thời. Trong thời kỳ của kỹ thuật và trí tuệ, yếu tố quan trọng để phát triển không còn là sức mạnh của bắp thịt mà là khả năng tinh thần, một khả năng mà nữ giới không hề thua kém nam giới. Thường thì nữ giới không có thể lực bằng đàn ông nhưng lại có khả năng nội tâm phong phú, tạo thông cảm và đương đầu với những thách đố về tâm lý giỏi hơn nam giới. Xã hội cần những bộ óc suy tính cụ thể và quyết định dứt khoát của đàn ông, nhưng cũng không thể thiếu những tình cảm trìu mến, thiết tha của đàn bà.
3.Có những chính sách khích lệ sự tham gia của nữ giới trong các lãnh vực còn thiếu sự hiện diện của họ để tạo sự quân bình trong phát triển, những lãnh vực mà từ trước đến giờ vẫn được quan niệm sai lầm là thuộc nam giới như chính trị, kinh tế, khoa học, lãnh đạo và quản trị. Trong những lãnh vực có ảnh hưởng sâu rộng lên toàn xã hội như chính trị và giáo dục, phụ nữ cần phải có tỷ lệ đại diện ở mức lãnh đạo tương đương với tỉ lệ trong dân số. Có thế thì các chính sách đề ra mới phục vụ được cho quảng đại quần chúng.
Phụ nữ Việt Nam cũng như các phụ nữ bạn trên thế giới, khi có được cơ hội phát triển đều có thể đóng góp ngang bằng với nam giới trong nhiều lãnh vực. Ở tỷ lệ 51% họ sẽ là một lực lượng cốt yếu trong việc tái thiết quốc gia và xây dựng cộng đồng hải ngo
Những thay đổi về quan điểm giới tính như đã nêu không những cần thiết để khai dụng tiềm năng kiến quốc mà còn là điều kiện tối cần để chấm dứt những tệ đoan trong xã hội như nạn bạo hành trong gia đình, xách nhiễu tình dục, nạn mãi dâm, đa thê, gia đình đổ vỡ, con cái thiếu cha v.v… Những thay đổi này cũng nói lên tinh thần nhân bản và quay về với truyền thống bình đẳng của dân tộc.
Ảnh: Shutterstock
Leave a Comment