Những dự án vô bổ với kinh phí hàng trăm, hàng ngàn hàng tỷ chẳng giúp gì cho dân mà chỉ là dịp dựng lên để một số kẻ lợi dụng kiếm chác. Người dân vẫn khổ muôn đời.
Sau mấy ngày nghỉ lễ, cô giáo Mai Thị Yến cùng chồng cũng là giáo viên đang dạy học vùng cao cùng con nhỏ quay trở lại trường. Đường đến trường ở trên núi, đi qua những con đường nguy hiểm, cheo leo và xe cùng người rơi xuống vực sâu. Cô giáo Yến qua đời, chồng chấn thương nặng phải vào cấp cứu ở bệnh viện, đứa con bị thương nhẹ. Cô Yến là giáo viên mầm non trường Đường Thượng, huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang. Cô giáo quê huyện Bắc Quảng, Hà Giang, xung phong lên bản làng xa xôi dạy học đã 13 năm nay.
Tin báo: “Ngày 3/5, sau kỳ nghỉ lễ, bé N.K.T theo ba mẹ từ Phú Thọ lên xã Đường Thượng dạy học. Trên đường đi, do dốc trơn trượt, xe máy gặp sự cố, cả gia đình lao xuống vực.
Điểm xảy ra tai nạn cách điểm trường học 2km. Khi được đồng nghiệp và người dân phát hiện, cô Yến vẫn ôm chặt bé N.K.T vào lòng để bảo vệ con khỏi va chạm. Cả gia đình nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, do bị thương quá nặng, mẹ bé N.K.T là cô giáo Mai Thị Yến qua đời lúc 20h cùng ngày. Bố bé là thầy Nguyễn Đại Đình Nam, giáo viên trường Tiểu học Đường Thượng, tiếp tục được cấp cứu tại viện. Sau khi trải qua phẫu thuật cắt bỏ 1 bên thận do đa chấn thương, thầy Nam hiện có thể nói chuyện được với mọi người. Thầy đã biết tin xấu về vợ mình, tuy nhiên sức khoẻ còn rất yếu nên không thể về chịu tang vợ.”(VTC)
Tình trạng thầy cô giáo lên vùng xa, vùng cao dạy học phải đi qua những cung đường hiểm nguy là chuyện thường thấy vì phương tiện giao thông còn sơ sài. Số người thương vong trên con đường đến trường cũng thường xảy ra. Thường là thương tật và cũng đôi lúc gây chết người. Gia đình cô giáo Mai Thị Yến bị tai nạn bỏ lại đứa con khóc mẹ và người chồng không biết có qua nổi vì những vết thương không? Đám tang cô Yến không có mặt chồng, chỉ có tiếng khóc của đứa bé mất mẹ. Nỗi đau này biết trách ai? Những cao tốc xây dựng rầm rộ ở miền Bắc, người dân được đi lại trên những con đường hiện đại. Những hồ sơ tham nhũng, hối lộ của quan chức với hàng ngàn tỷ bị phanh phui. Thế nhưng, những vùng xa, vùng cao vẫn còn đó những con đường đất cheo leo, trơn trợt trong mùa mưa và đầy bụi mù trong nắng hạn. Khi kinh tế phát triển, phố thị tràn ngập những cao ốc chọc trời, những cổng chào liên tục xuất hiện, những tượng đài hàng ngàn tỷ mọc lên. Thế nhưng những bản làng, những vùng quê xa với những người dân nghèo vẫn khó khăn khi đi chuyển, những học sinh bé bỏng phải ôm cặp, phủ bao nilon, đu ròng rọc, nhịn thở qua sông, người dân phải trèo non, lội suối trong những sinh hoạt. Những dự án vô bổ với kinh phí hàng trăm, hàng ngàn hàng tỷ chẳng giúp gì cho dân mà chỉ là dịp dựng lên để một số kẻ lợi dụng kiếm chác. Người dân vẫn khổ muôn đời.
Cái chết của cô giáo Yến gây xót xa trong lòng dân nhưng rồi đây sẽ còn bao nhiêu thầy cô giáo phải bỏ mạng trên con đường đến trường?
Theo quy chế, giáo viên dạy học vùng sâu vùng xa sau 5 năm công tác sẽ được thuyên chuyển về dạy gần nhà. Cô giáo Yến đã công tác 13 năm ở nơi xa xôi, sao chẳng ai quan tâm để gia đình cô đỡ vất vả sau thời gian dài cống hiến. Hay cô không đủ tiền chung chi?
Giáo dục bây giờ ngập ngụa mùi tiền, không đặt dấu hỏi sao được.
Những thầy cô giáo xung phong về vùng sâu, vùng cao là cả một sự hi sinh lớn lao. Nhưng xem lại sổ lương của họ, ta thấy thu nhập mỗi tháng có mấy triệu đồng. Đề nghị chính phủ ít nhất tăng gấp đôi lương cho các trường hợp này. Họ xứng đáng hưởng những đãi ngộ vì đấy là những người yêu nghề, thương học sinh và là những người còn thiết tha với sự nghiệp giáo dục.
Học sinh ở các vùng đó bị quá nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng lứa tuổi ở phố thị, vùng đồng bằng. Các thầy cô giáo cũng gánh chịu bao khó nhọc và thiếu thốn để đi gieo con chữ. Nếu không thay đổi hiện trạng này, giáo dục Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ.
Cái chết của cô giáo Mai Thị Yến có khiến cho các lãnh đạo có chút ngậm ngùi, thương cảm nào chăng? Hay chỉ là một điện chia buồn. Trong tương lai nếu không có sự thay đổi, trẻ con vùng cao, vùng xa sẽ chẳng còn thầy cô đến lớp. Và hậu quả sẽ là một thế hệ thất học tồn tại ở thế kỷ XXI khi thế giới đã phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) rầm rộ để làm phong phú tri thức của con người./.
Leave a Comment