Ngày mai 01/5/2023 lệnh cấm đánh cá đơn phương mùa hè của Tàu+ bắt đầu có hiệu lực ở biển Đông, tạm bỏ qua chuyện 30/4 xưa, bàn một chút về vụ này.
Kể từ năm 1999, hàng năm cứ đến khoảng thời gian này thì Tàu+ lại tung ra lệnh cấm đánh cá đơn phương mùa hè từ vĩ tuyến 12° N về phía Bắc ở biển Đông, với thời gian cấm có thể dao động trong khoảng từ 2,5 tháng đến 4,5 tháng, phạm vi cấm về cơ bản không thay đổi, riêng năm nay chỉ gộp chung phần phía Nam biển Hoa Đông và phía Bắc biển Đông lại (so sánh bản đồ 1 và 2). Lí do mà họ nêu ra cho lệnh cấm này nghe khá bùi tai với thế giới: bảo vệ nguồn cá, đảm bảo khai thác bền vững, cải thiện môi trường sinh thái biển.
Quy định về phạm vi áp dụng trước nay đều khá chung chung, ví dụ như lệnh điều chỉnh do Bộ Nông nghiệp Tàu+ đưa ra ngày 13/4 năm nay nêu là:
“Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông (bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ) ở phía bắc vĩ tuyến 12° N”….. “Vùng biển biển Hoa Đông và biển Đông có vĩ độ 26°30′ N đến 12°N là từ 12 giờ ngày 01/5 đến 12 giờ ngày 16/8”.
Đây là lệnh cấm đơn phương nên phạm vi đó lẽ ra phải được hiểu trong những vùng biển mà Tàu+ có quyền tài phán. Tuy nhiên, có thể do lời lẽ chung chung đó hoặc do được mớm mà một số công ti tư nhân của họ đã lập ra bản đồ hướng dẫn đã thể hiện phạm vi cấm bao gồm cả vùng biển của các nước khác (xem bản đồ 1).
Ví dụ như ở Hoàng Hải, vùng biển cấm đánh cá được vẽ gần như tới tận bờ biển của Hàn Quốc; ở biển Hoa Đông thì có vẻ vẽ tận lãnh hải của Nhật; ở biển Đông thì ‘nhân nhượng’ hơn chút ít chỉ vẽ bên trong đường LB (và trong VBB thì chỉ vẽ phần phía Đông đường phân giới theo hiệp định năm 2000#)… Không thấy phía chính phủ Tàu+ có ý kiến về cách vẽ này hay làm rõ phạm vi được quy định. Tuy nhiên, hành động của lực lượng thực thi pháp luật của họ trên biển dường như xác nhận cách vẽ đó là đúng như ý định của chính quyền. Kiểu quy định hay kiểu vẽ thế này hoàn toàn không có cơ sở trong luật pháp hay thông lệ quốc tế, và do đó ngoài lí do tốt đẹp như đã nêu, không nghi ngờ trong đó có ý đồ (và có thể thực chất là) muốn thể hiện quyền kiểm soát các khu vực biển đó làm cơ sở cho việc yêu sách chủ quyền.
Khi bắt đầu chế độ cấm đánh cá từ năm 1999 ở biển Đông cho đến trước năm 2009, lúc Tàu+ chưa chính thức công bố yêu sách đường LB, lực lượng thực thi của họ còn mỏng và yếu nên việc thực thi khó thể nghiêm ngặt, ít xảy ra va chạm lớn và do đó chỉ có VN phản đối là chính, còn phản ứng quốc tế không đáng kể. Chỉ sau khi công bố đường LB trong công hàm gởi LHQ vào năm 2009, Tàu+ mới bắt đầu tăng cường cưỡng chế bắt giữ tàu cá, ngư dân VN, phá hủy ngư cụ, tịch thu sản phẩm… thì thế giới mới chú ý đến nhiều hơn. Có thể để giảm nhẹ sự chỉ trích của dư luận và cũng như đối phó với thực tế nguồn cá đã bước vào tình trạng cạn kiệt, từ năm 2012* họ bắt đầu thực hiện nghiêm ngặt chế độ cấm đánh cá ở Bột Hải, Hoàng Hải và biển Hoa Đông và mở rộng việc thực thi đến bãi Scarborough ở biển Đông. Đáng chú ý là từ năm 2013, khi các lực lượng thực thi tản mạn (ngư chính, hải giám, hải cảnh…) của họ được thống nhất thành cảnh sát biển, được trang bị tàu bè lớn hơn (thường là từ tàu hải quân chuyển sang) và nhất là từ năm 2018 được đặt dưới sự chỉ đạo của Quân Ủy trung ương Tàu+ thì họ càng hung hăng hơn.
Về phạm vi cấm ở biển Đông, cho tới giờ vẫn không bao gồm vùng biển Trường Sa mà chỉ ở phần phía bắc vĩ tuyến 12° N. Điều này có thể là do ban đầu họ thấy ở khu vực này họ có khả năng kiểm soát thực tế nhiều hơn (gần đảo Hải Nam và đã kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, còn phía Nam vĩ tuyến 12° N họ chỉ mới kiểm soát mấy đảo đá chìm với chỗ trú đóng là các nhà giàn đơn sơ, chưa xây thành đảo nhân tạo). Hiện nay, ở khu vực phía Nam vĩ tuyến 12° N, dù họ đã có các căn cứ kiên cố trên các đảo nhân tạo, có khả năng phóng chiếu sự kiểm soát rộng hơn nhưng họ cũng cần có ngư trường để ngư dân họ giải toả trong mùa cấm và hơn nữa họ cũng cần đội ngũ dân quân ngụy trang dưới dạng ngư dân để giúp lực lượng chấp pháp chính quy thực thi chủ quyền trong đường LB như quấy phá, cản trở việc thăm dò, khai thác của các nước khác… Có lẽ vì vậy mà họ vẫn giữ nguyên phạm vi cấm chỉ gồm phần phía Bắc vĩ tuyến 12° N’ như trước đây.
Thật ra, vào năm 2014, có vẻ để thăm dò phản ứng dư luận, chính quyền Tàu+ đã để cho tỉnh Hải Nam ra quy định yêu cầu phải có giấy phép mới được đánh cá / khảo sát trong phạm vi họ quy định. Pham vi này kéo dài tới tận bãi ngầm James ở 4° N, phủ gần trọn đường LB, thậm chí vượt qua đường LB về phía Việt Nam (xem hình 2). Quy định này gây tranh cãi và bị VN và các nước liên quan phản đối và cũng bị dư luận quốc tế phê phán khá mạnh mẽ và cho tới nay không nghe họ nhắc tới nữa.
Chủ trương cấm đánh cá đơn phương này của Tàu+ đặt Việt Nam và các nước liên quan vào thế tương đối khá tế nhị. Nếu Việt Nam và các nước liên quan phản đối và không tuân theo lệnh cấm đánh cá của Tàu+ thì Tàu+ có thể rêu rao với dư luận quốc tế rằng VN và các nước này không hợp tác và quan tâm đến việc khai thác bền vững thủy sản và đặt lợi ích quốc gia lên trên tính bền vững của môi trường sinh thái; ngoài ra ngư dân VN và của các nước này cũng bị đặt trong tình trạng nguy cơ bị lực lượng chấp pháp Tàu+ xâm hại, cũng như nguy cơ đối đầu giữa lực lương chấp pháp của họ và của Tàu+.
Nhưng nếu Việt Nam và các nước liên quan chấp nhận chủ trương đơn phương không đánh bắt cá trong thời gian Tàu+ cấm, thì có thể bị diễn giải là VN và các nước này đang ngầm công nhận Tàu+ có quyền thực thi lệnh cấm đó ở vùng biển theo lí thuộc chủ quyền của mình, về cơ bản đồng nghĩa từ bỏ chủ quyền đối với vùng biển đó. Đặc biệt đối với VN, phán quyết phủ định đường LB của tòa trọng tài 2016 về nguyên tắc cũng như trên câu chữ chỉ có hiệu lực và liên quan tới vùng biển của Philippines nên VN càng thất lợi.
Hiện nay, có vẻ không còn nhiều người không rõ dã tâm của Tàu+ trong vụ cấm này nên các nước liên quan, nhất là VN đã chọn cách phản đối và không tuân theo lệnh cấm đơn phương của Tàu+. Đây gần như là lựa chọn bắt buộc đối với VN và có bao hàm những nguy cơ như đã nêu, nhất là đối với ngư dân phải liều mạng sống và dĩ nhiên cả tài sản để kiếm sống và qua đó cũng góp phấn bảo vệ chủ quyền quốc gia, và cũng dĩ nhiên lực lượng chấp pháp VN khó lòng có sự bảo vệ đầy đủ và hiệu quả cho họ.
________
# Thực tế trước đây lực lượng chấp pháp của Tàu+ hoạt động lấn cả qua đường phân giới này.
* Thật ra, chế độ cấm đánh cá đưa ra ở Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông trước vào năm 1995, và đến 1999 mới mở rộng xuống biển Đông. Nhưng có vẻ chuyện này chỉ đưa ra cho có lệ chớ không có thực thi vì không hiếm thấy các nguồn quốc tế đề cập tới, và có lẽ tới năm 2012, 2013 trở đi mới có kèm theo thực thi bài bản
^ Điều 123 UNCLOS đòi hỏi các nước ven bờ một biển kín hay nửa kín phải hợp tác với nhau để quản lí nguồn tài nguyên sinh vật biển và bảo vệ môi trường biển.
Leave a Comment