Huỳnh Thị Tố Nga (Helena Zen )
Bình đẳng sẽ luôn đi đôi với công bằng, và công bằng xã hội là yếu tố quan trọng nhất để duy trì sự ổn định cho một quốc gia.
CÔNG BẰNG XÃ HỘI LÀ GÌ?
Công bằng xã hội là một tình trạng mà trong đó tất cả mọi người trong một xã hội hay một nhóm cụ thể nào đó có địa vị, tình trạng pháp lý tương tự như nhau ở những khía cạnh nhất định, thường bao gồm các quyền dân sự, tự do ngôn luận, quyền sở hữu và tiếp cận bình đẳng đối với hàng hóa và dịch vụ xã hội. Nó cũng bao gồm các khái niệm về công bằng sức khỏe, bình đẳng kinh tế và các an toàn xã hội khác. Nó cũng bao gồm các cơ hội và nghĩa vụ ngang nhau, và do đó liên quan đến toàn bộ xã hội.
Từ các khái niệm về bình đẳng và công bằng xã hội, chúng ta thấy được đó là nhu cầu tất yếu cho mỗi công dân sống ở trong một quốc gia. Bởi vì mỗi con người sống trên trái đất này đều có quyền được hưởng quyền lợi như nhau. Vấn đề là làm thế nào để hiểu đúng và thực thi quyền bình đẳng, công bằng xã hội một cách đúng đắn? Điều này phụ thuộc vào cơ chế chính trị.
TẦM NHÌN HẠN HẸP ĐI NGƯỢC LẠI TỰ NHIÊN CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Chủ nghĩa xã hội (tiếng Đức: Sozialismus; tiếng Anh: Socialism) là một trong ba ý thức hệ chính trị lớn hình thành trong thế kỷ 19 bên cạnh chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ. Trong lịch sử các tư tưởng chính trị, các nhân tố nhất định của một quan điểm chủ nghĩa xã hội hay cộng sản đã xuất hiện trước khi được khái quát lại thành hệ thống lý luận của chủ nghĩa xã hội trong nửa đầu thế kỷ 19.
Tác phẩm Cộng hòa (tiếng Hy Lạp: Πολιτεία Politeia) của Plato hay tác phẩm Utopia (Thế giới không tưởng) của Thomas More là hai dẫn chứng. Phong trào Mazdak trong thế kỷ thứ 5, diễn ra ở vùng mà bây giờ là Iran, đã được mô tả là “có tính chất cộng sản” do đã thách thức nhiều quyền lợi của tầng lớp quý tộc và tăng lữ, đồng thời đấu tranh cho một xã hội quân bình. William Morris cho rằng John Ball, một trong những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa nông dân ở Anh vào năm 1381, là người theo chủ nghĩa xã hội đầu tiên. John Ball được công nhận là đã nói câu nói nổi tiếng sau đây:
“When Adam delved and Eve span, Who was then the gentleman?” (Khi Adam đào đất, và Eve quay sợi, thì ai là quý ông?) Câu nói này đại ý là, Adam và Eva tượng trưng cho xã hội không có giai cấp, không có sự tư hữu, không có ông chủ và người làm công.
Trong lịch sử phát triển tự nhiên của loài người, giai cấp và nhà nước xuất hiện như một nhu cầu để phân chia, định hình và quản lý xã hội. Một quốc gia tất yếu phải có nhà nước lãnh đạo để quản trị quốc gia, quan trọng là nhà nước này lập ra với bản chất như thế nào? Có đảm bảo công bằng quyền lợi cho công dân hay chỉ dùng để bảo vệ thiểu số lãnh đạo? Chứ không thể “Phi chính phủ” như lý thuyết chủ nghĩa xã hội và cộng sản. Sự phát triển phải tuân theo quy luật tiến hóa của tự nhiên, không thể đi ngược. Đây chỉ là một lý thuyết với tầm nhìn hạn hẹp.
Chủ nghĩa xã hội, một chủ thuyết luôn nhân danh cho sự bình đẳng và công bằng, thế nhưng tại sao khi áp dụng vào thực tế, áp dụng ở quốc gia nào thì quốc gia đó trở nên nghèo hèn, lạc hậu và thể chế lãnh đạo trở nên độc tài gây tang thương cho mọi đất nước, không có trường hợp nào ngoại lệ. Vậy thì vấn đề bất cập nằm ở đâu?
Những người hệ thống lại chủ thuyết này, Karl Marx và Friedrich Engels, một là, họ là những người hoang tưởng và hoàn toàn không hiểu gì về “nhân tính” con người. Họ đưa ra một chủ thuyết để áp dụng cho đối tượng là CON NGƯỜI, nhưng họ không hiểu về đặc tính con người. Đó là sự đấu tranh hơn thua, tham, sân, si, ngã mạn, lòng trắc ẩn nhân văn, yêu thương nhưng cũng chứa đựng sự thù hận…Tất cả những đặc tính đó đều hiện hữu trong mỗi con người. Đặc tính nào nổi trội lấn át để tạo nên một tính cách điển hình thì phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, môi trường giáo dục và niềm tin tín ngưỡng.
Chủ nghĩa xã hội chủ trương vô thần, chính điều này đã cổ súy con người trong thể chế của nó dần dần vô đạo đức. Bởi vì khi không có tín ngưỡng, không tin vào đời sống tâm linh rộng lớn thì tầm nhìn sẽ trở nên hạn hẹp, tư tưởng chỉ bó hẹp trong đời sống hiện tại, vì thế con người mặc nhiên hành động theo ý thích của họ, không quan tâm và không sợ điều gì, chỉ có pháp luật kìm kẹp, nhưng pháp luật trong chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ bảo vệ quyền lợi cho giai cấp lãnh đạo, không dùng để trị quốc an dân, thành ra tạo nên một xã hội nháo nhào, bất công, loạn lạc và suy đồi đạo đức điển hình như Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.
“Nhân tính” là yếu tố quan trọng nhất làm cho chủ nghĩa xã hội thất bại toàn diện. Chủ nghĩa xã hội mà sau đó sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản theo Karl Marx và Friedrich Engels sẽ là một xã hội công hữu và phi nhà nước, hoàn toàn dựa vào sự tự giác của con người để tồn tại, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Họ không hiểu rằng, sự tự giác thiên về tính cách con người, nó phụ thuộc vào sự giáo dục nhân văn để con người có thể hoàn thiện tâm hồn và nhân cách hơn là dùng “luật” để bắt buộc con người thực hiện sự tự giác.
Lại nói một chút về “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Theo họ, khi xã hội tiến đến giai đoạn chủ nghĩa cộng sản thì năng suất lao động tăng cao, cao đến nỗi sản phẩm tạo ra lớn hơn nhu cầu sử dụng, vậy nên con người cứ mặc sức mà sử dụng theo nhu cầu. Câu hỏi đặt ra là, nếu không có sự tự do tranh đấu từ cơ bản, không có động lực sáng kiến tìm tòi khoa học như xã hội tư bản chủ nghĩa thì lấy đâu ra nền khoa học phát triển vượt bậc như họ đề cập?
Hai là, họ nhìn được những bất cập đó nhưng vẫn cố tình áp đặt và ca ngợi nó, dùng nó làm một chủ thuyết lừa mị để giành quyền lợi cho thiểu số lãnh đạo. Bằng chứng là những gì áp dụng từ chủ nghĩa xã hội vào thực tế đều thu được kết quả hoàn toàn trái ngược. Con người dưới chế độ chủ nghĩa xã hội bị mất hoàn toàn tự do về tư tưởng, ngôn luận, mất quyền tự do phát triển kinh tế, đóng góp cho xã hội. Thể chế lãnh đạo không buông bỏ bớt quyền lực để hướng đến một quốc gia phi chính phủ như lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản mà còn độc tài hơn, đến mức độc tài toàn trị về mọi mặt như Trung Quốc và cả Việt Nam hiện tại.
Một chủ thuyết hoàn toàn không thể áp dụng vào thực tế, và khi áp dụng vào quốc gia nào, thì quốc gia đó trở nên tang thương, vậy mà giai cấp lãnh đạo vẫn cố tuyên truyền nhồi nhét cho các thế hệ con dân rằng nó tốt đẹp và cố gắng duy trì nó bằng cách đàn áp công dân của mình thì thể chế đó hoàn toàn giống như ma quỷ, lừa gạt và độc tài để giành lợi ích. Việt cộng và Trung Cộng, Venezuela, Bắc Hàn và một số quốc gia ở Châu Mỹ Latin đang điều hành như thế.
Với xã hội mà chủ thể là con người, mà con người với những đặc tính cố hữu như vừa nêu trên thì quốc gia phải có chính phủ để quản trị. Quan trọng là một Chính phủ tạo được sự bình quyền, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ đó, người dân được hưởng quyền lợi như nhau và tự do phát triển theo năng lực, đó mới chính là sự bình đẳng thực thụ. Chứ không phải nhân danh sự bình đẳng bằng cách “Lấy của người giàu chia cho người nghèo”, đó là cướp công sức lao động của người khác chứ không phải là bình đẳng, rồi dựa vào đó lấy công quỹ làm của riêng. Mọi người được tạo điều kiện như nhau để phát triển, ai làm thì người đó hưởng, ai gây tội thì phải chịu tội, đó mới là lẽ công bằng. Ngay cả trong tôn giáo cũng vậy, gieo nhân thì gặp quả, bản thân làm thì phải chịu trách nhiệm, xấu hay tốt cũng phải nhận lấy. Luật công bằng khách quan là như thế. Vậy nên có thể thấy rằng CNXH nó đi ngược lại tất cả, ngược với quy luật phát triển và công bằng của tự nhiên, trái ngược với đặc tính con người.
Chính phủ đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Lập pháp, hành pháp và tư pháp minh bạch rõ ràng. Chính phủ phải tạo mọi cách kích thích mọi tài năng, sáng tạo của công dân. Tạo điều kiện cho họ tự do cạnh tranh phát triển kinh tế. Cái gốc giáo dục cần phải chú trọng hàng đầu, giáo dục kiến thức và đạo đức, khuyến khích tự do tín ngưỡng để nâng cao tầm nhận thức cho tâm hồn, từ đó mới có thể tạo nên những con người văn minh và nhân văn.
Một chủ thuyết có tầm nhìn hạn hẹp, hoang tưởng và lừa mị, tạo điều kiện cho giai cấp lãnh đạo trở nên chuyên chế, độc tài thế nhưng vẫn còn rất nhiều người lầm tưởng cho rằng bản chất CNXH thực thụ là thần thánh, là tốt đẹp, chỉ vì con người không thực hiện được mà thôi. Nói vậy cũng bằng không. Một lý thuyết đã “hư từ trong trứng”, đi ngược lại quy luật tự nhiên thì không thể cho nó là tốt đẹp. Nên nhớ, đối tượng để thực hiện và hưởng thụ kết quả của nó là con người. Đã áp dụng không có kết quả thì bằng mọi cách phải bỏ nó đi. Không lấy bất cứ lý do gì để nguỵ biện cả. Thực tế đã chứng minh rõ ràng hậu quả của nó. Càng duy trì chủ nghĩa xã hội, nhất là CNXH nửa vời như ở Việt Nam hiện nay, chỉ là cái vỏ bọc, là sự lừa gạt trắng trợn, làm ngu dân và tước đoạt mọi quyền lợi căn bản của công dân.
Các chủ thuyết chính trị xã hội khác cũng rất đề cao quyền con người, đưa ra đường lối phát triển kinh tế xã hội vượt bậc nhưng rất ít chủ thuyết đưa ra được nguồn gốc làm sao để duy trì quyền con người và cái gốc quyền con người đó được xây dựng từ tập tính nào của con người, đó là sự Nhân Bản. Nhân bản làm cho chúng ta có tinh thần khai phóng ở mức rất cao, từ đó chúng ta nhìn sự vật hiện tượng sẽ sáng suốt, trí tuệ cũng từ đó được nâng cao. Con người không thể sống với mục đích sinh ra rồi lớn lên, học tập, lao động, kiếm thật nhiều của cải vật chất để hưởng thụ rồi chết đi, chúng ta không thể sống một cách máy móc, đi giữa thế giới một cách vô cảm. Chúng ta còn phần thế giới tinh thần, chính phần tinh thần này làm cho cuộc sống chúng ta đầy màu sắc và sinh động.
Chỉ có sự Nhân Bản mới làm cho tinh thần chúng ta phát triển. Từ đó, chúng ta sẽ phát triển tình thương yêu, chính tình thương yêu làm cho con người nâng lên những tầng bậc cao hơn trong tâm thức. Điều này hầu như điều được đề cập đến trong kinh thánh của các tôn giáo nhưng ít được phân tích ở các chủ thuyết dùng để điều hành cơ chế chính trị. Nhất là thuyết vô thần càng làm cho con người đi vào u mê, bất chấp đạo lý, trở nên dã man, tàn ác đối với chúng sinh.
Người Việt chúng ta từ ngàn xưa đã có khái niệm tạm gọi là “giềng mối gia đình” hoặc “giềng mối xã hội”, đó là sự gắn kết tình cảm giữa những người trong gia đình hay giữa những người trong xã hội với nhau, nó hơn hẳn sự nhận thức của con người ở các quốc gia khác ở đặc điểm không chỉ gắn kết với nhau chỉ vì trách nhiệm, trên trách nhiệm còn có tình cảm yêu thương nhau. Chính tình cảm này làm cho con người tự giác làm tròn trách nhiệm của họ đối với gia đình và xã hội chứ không phải là sự bắt buộc. Nói vậy để thấy rằng, truyền thống từ xa xưa của người Việt ưu việt như vậy bởi vì căn tính tổ tiên chúng ta rất cao, thế nhưng căn tính này đã lụi tàn theo thời gian, khi mà người Việt chúng ta trải qua nhiều thời đại thống trị mà giai cấp lãnh đạo không còn đề cao tính nhân bản trong chính sách cai trị của mình, và tộc Lạc Việt ngày càng chìm trong tăm tối.
May 1, 2023