Phạm Minh-Tâm
Đã hơn 30 năm trôi qua rồi mà trên trang mạng “The American Prospect”, ký-giả Julian E. Zelizer vẫn còn luận-bàn và nhắc lại vấn-đề Hoa-kỳ đã nghiệt-ngã bức-tử Miền Nam bằng kế-hoạch cắt hết mọi viện-trợ kinh-tế và quân-sự cho Việt-Nam Cộng-hoà.
Trong bài viết ngày 19-02-2007, mang tựa-đề …How Congress Got Us Out of Vietnam – Quốc–hội đã đưa chúng ta ra khỏi Việt–Nam như thế nào…ký-giả Julian E. Zelizer viết…Quốc–hội đã giữ vai trò then chốt trong việc gây áp lực lên chính quyền Nixon nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của khoảng 58.000 người Mỹ… Năm 1975, Quốc hội đã từ chối yêu cầu vào phút cuối của Tổng thống Gerald Ford tăng viện trợ cho miền Nam Việt Nam thêm 300 triệu đô la, chỉ vài tuần trước khi nó rơi vào tay cộng sản…(Congress was ultimately pivotal to placing pressure on the Nixon administration to end a conflict that cost approximately 58,000 American lives…In 1975, Congress refused President Gerald Ford’s last-minute request to increase aid to South Vietnam by $300 million, just weeks before it fell to communist control).
Chỉ một món tiền ba trăm triệu Mỹ-kim cứu nguy cho một đất nước để mua khí-giới chống kẻ thù cộng-sản cũng bị cắt, không phải vì nước Mỹ nghèo, người dân Mỹ hẹp bụng, mà vì chủ-trương của Richard Nixon và Hoa-thịnh-đốn lúc đó chỉ muốn mau-mau đóng lại cửa ngõ bang-giao với Sài-gòn để còn thực-hiện thông-thương với Bắc-kinh. Cũng thời điểm này, Việt-Nam bắt đầu có nhiều hy-vọng về dầu hoả. Ngày 17-8-1974, hãng khai-thác Pecten đào thấy có dầu hỏa ở độ sâu 1.374 mét trong thềm lục-điạ Miền Nam. Tiếp theo tại một nơi khác trên cùng diện-tích lại tìm thêm được nguồn dầu cao hơn, đã đủ điều-kiện chính-thức được công-nhận là mỏ dầu. Tháng 10-1974, hãng Mobil khoan giàn Bạch-hổ 1, đã tìm được lượng dầu quan-trọng ở độ sâu 2.700 mét. Tiếp theo, hai hãng Esso và Sunningdale đặt chương-trình khoan dầu vào tháng 4-1975 cùng ước-tính sẽ có ít nhất 20 giàn khoan tiến-hành khai-thác dầu hoả ngoài khơi thềm lục-điạ Việt-Nam. Với niềm vui này, người Miền Nam chúng ta đã nghĩ đơn-giản rằng Hoa-kỳ sẽ không bỏ rơi mình, mà không nghĩ rằng với một thị-trường kinh-tế Trung-cộng gần hai tỷ người tiêu-dùng thì dầu-hỏa này có là bao.
Ngày 08-9-1974, linh-mục Trần Hữu Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu-thế Việt-Nam, xướng-xuất phong-trào chống tham-nhũng bằng một bản cáo-trạng tố-giác một số nhân-sự trong Chính-quyền và Quân-đội bị liên-hệ. Ông tổ-chức họp báo tại nhà thờ Tân-sa-châu, chính-thức công-bố cáo-trạng này. Đường Trương Minh Giảng, đoạn trước nhà thờ Tân-sa-châu, giới-hạn từ ngã tư Thoại Ngọc Hầu đến Lăng Cha Cả, tấp-nập người đi xem thì đúng hơn là đi hưởng-ứng. Nhiều phóng-viên, ký-giả ngoại-quốc lỉnh-kỉnh máy hình, máy ghi-âm đứng túm-năm tụm-ba trò chuyện trong sân nhà thờ. Còn trong phòng họp báo, linh-mục Trần Hữu Thanh cứ đều-đều nặng lời đả-phá Chính-quyền và một số giới-chức trước con số cử-toạ rất khiêm-tốn. Trong câu chuyện cuời nói xôn-xao của một nhóm phóng-viên ngoại quốc ngay gần cửa ra vào, họ đang hỏi nhau, sao giữa lúc này, tình-hình chiến-sự của Việt-Nam Cộng-hoà đang nguy-kịch mà ông linh-mục này lại đi chống tham-nhũng thay vì chống cộng-sản trước đã. Một ký-giả trả lời bằng tiếng Pháp làm tôi bối-rối, không biết là mỉa-mai hay nói theo sự-thật, chống cộng-sản thì phải ra mặt trận cầm súng, còn chống kiểu này chỉ cần ngồi nói đến hết ngày là xong thôi. Nghe sao buồn và nản quá. Đúng như người ta nói, cứ thêm một lư hương lại thêm một con ma. Đang khi tiền-tuyến mệt mỏi vì Việt-cộng, thì hậu-phương rối-loạn với đủ thứ phe nhóm mà sau này, khi đã trả giá bằng sự sụp đổ của chế-độ cộng-hoà, người ta mới thấm-thía như kinh-nghiệm của tác-giả Nguyễn Văn Lục…bất cứ tổ-chức nào đòi cái này cái nọ đều là dưới sự điều động của công-sản hết…(Hai mươi năm giới trẻ Miền Nam Việt-Nam. Motgoctroi.com). Song tôi thấy còn điều phải nói hơn, C.I.A Mỹ mới là nhân-sự điều-động chính, mới là con ma-cà-rồng; còn cộng-sản là ma-trơi, ma-xó luôn rình-rập để chụp lấy cơ-hội để phá rối. Trong tập Tiểu-luận “Sứ-vụ Thừa-sai của Dòng Chúa Cứu-thế Canada-Pháp tại Việt-Nam giai-đoạn 1925-1975” (La Mission des Rédemtoristes Canadiens-Francais au Vietnam entre 1925-1975) của Éric Vincent viết năm 2012, ghi lại…Vào năm 1974, linh mục Giuse Thanh mở một chiến– dịch chống tham–nhũng, được Cơ–quan Tình–báo tài–trợ cách kín–đáo, trực–tiếp nhắm vào Tổng–thống Thiệu. Một số các linh–mục Québec, trên căn-bản, hỗ trợ đồng-viện của mình, nhưng cũng xét thấy là thời–điểm chọn không hợp thời (le père Joseph Thanh, lance en 1974 une campagne anti-corruption, financée discrètement par la CIA, qui vise directement le président Thieu. Plusieurs pères québécois appuient leur collègue sur le fond, mais jugent le moment mal choisi).
Và mãi cho đến nay, nhiều người vẫn còn vì nước tạm dung Hoa-kỳ mà đấu-đá nhau sống chết, chứ không suy xem tại sao mới hồi năm 1968, Việt-cộng cũng đã tấn-công chiếm giữ nhiều nơi, cũng đã len-lỏi vào đến Sài-gòn; nhưng chỉ trong thời-gian ngắn đã bị đẩy lui hoàn-toàn; đã chỉ còn là một số lượng tàn-quân lui về chỉnh-đốn lại như trong cuốn “Bên thắng cuộc” đã nói. Rồi bốn năm sau, một mùa hè đỏ lửa cũng đã đưa Quảng-trị vang danh ở Cổ-thành, Kontum hiên-ngang và Pleiku kiêu-hùng giữa chốn núi rừng cao-nguyên; tới Bình-long An- lộc thành địa sử ghi danh…Một Quân-lực như thế, mà sao chỉ hai năm sau, 1974-1975, lại cứ như lần-lượt nhường chỗ cho Việt-cộng đến thay thế tại các vùng quân-sự .
Vào mỗi dịp 30-4, vẫn thường có các bài viết trên báo, trên “net” thuật lại tỉ-mỉ các dịp rút quân này song tôi không khi nào dám đọc bất cứ bài nào theo chủ-quan hạn-hẹp từ những ngày tháng cũ, vẫn cứ ấm-ức với cảm-giác phiền-muộn khó nguôi-ngoai rằng “sao không tiến mà cứ lui”. Phải mãi đến khi tìm được lối về lại quá-khứ từ nơi những trang tài-liệu về cả bang-giao lẫn quốc-phòng của tình đồng-minh Việt Mỹ, tôi đã mang tâm-trạng xúc-động bồi-hồi. Thành vậy, mà không cam-tâm để những cách gọi như triệt-thoái, di-tản chiến-thuât, rút lui…nơi các trang sử của một thời Miền Nam chống cộng-sản, ngoài chữ “mất”. Một Miền Nam bị bức-tử cùng triệu-triệu vong-linh oan-khuất, vẫn còn phảng-phất giữa cỏ cây non-nước Việt-Nam cần được giãi-bày.
Cái hậu-trường đen tối với những vai diễn nhiều mặt của kịch-bản lý-tưởng bảo-vệ tiền-đồn chống cộng vùng Đông Nam Á này của Hoa-kỳ chỉ được mở sáng ra sau ngày 30-4-1975 hàng chục năm. Khi mọi sự đã thành tàn cuộc. Để chỉ còn biết ngậm-ngùi hoài-niệm Chính-quyền cũng như tập-thể những người Miền Nam cầm súng chiến-đấu chống cộng-sản suốt 20 năm. Họ không hèn và cũng không thiếu ý-chí. Họ bị bức-tử không ngờ…Trong cuốn The Final Collapse (Sự sụp đổ cuối cùng), Đại tướng Viên đã kết luận: “Trong những năm 1974-1975, người lính Việt-Nam Cộng-hoà ra trận mà lòng lo sợ rằng đạn không tiếp tế kịp và nếu bị thương thì việc tải thương cũng sẽ chậm trễ hơn. Thời vàng son tiếp liệu thừa thãi và trực thăng quân vận mau lẹ đã qua rồi… Việc cắt viện trợ quá nhiều và quá đột ngột đã triệt tiêu mọi cơ hội thành công và làm cho dân chúng cũng như quân đội miền Nam hốt hoảng, đồng thời khuyến khích Cộng sản gia tăng nhịp độ thanh toán miền Nam bằng võ lực” (Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 202).
Trong những ngày tháng Tư lịch-sử này, người dân Miền Nam chỉ có một mối sợ-hãi về Việt-cộng, trong khi đằng sau hậu-trường lại là cả một sự sắp xếp phức-tạp của cái trục liên-hệ từ Hoa-thịnh-đốn, Bắc-kinh, Mạc-tư-khoa mà hoàn-toàn không có sinh-mạng dân của họ trong đó. Tác-giả Nguyễn Tiến Hưng đã dẫn-chứng…trong khi tại Washington, các ông Ford và Kissinger đi qua ngả Dobrynin để nhờ Nga Xô áp lực Hà-nội; thì ở Sàigòn, hai ông Martin và Polgar liên lạc qua ngả đại diện Hung-gia-lợi trong Phái-đoàn Kiểm-soát Đình-chiến và Đại-sứ Pháp Merillon. (Khi Đồng Minh tháo hạy. Trang 386).
Việc Chính-phủ Hoa-kỳ chỉ có ý định di-chuyển hết nhân-viên Mỹ còn lại ở Miền Nam là điều có thật. Cho nên họ cũng đã không ngần-ngại dùng cả cách ti-tiện đánh lừa những người Việt-Nam muốn theo họ chạy trốn Việt-cộng. Báo Newsweek đã tường-thuật trường-hợp xẩy ra tại Nha-trang: Khi Tòa Lãnh-sự Mỹ di tản, chỉ có đủ máy bay để chở người Mỹ. Những lính gác Mỹ đã phải chĩa súng tự động vào số nhân viên để họ khỏi tràn vào máy bay. Và một nhân viên C.I.A còn kể đến chuyện phản-bội nhẫn-tâm hơn khi di tản Toà Lãnh-sự Mỹ ở Đà-nẵng …họ đã cho đậu ba chiếc xe vận tải trước cổng Toà lãnh-sự. Người Việt vội vàng trèo lên, thế là xe phóng đi liền. Khi đám đông đi rồi, người Mỹ mới chạy ra. Rồi những chiếc xe vận tải thả ngay đám người này xuống một bãi ở cách Toà Lãnh-sự mấy dặm…(Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 376).
Vào giữa Tháng Tư, Hoa-kỳ còn có quyết-định đem mấy sư-đoàn Thủy-quân Lục-chiến Mỹ sang để bảo-vệ an-ninh cho việc di-tản sáu ngàn người Mỹ. Người duy-nhất chống lại kế-hoạch này là Đại-sứ Martin. Ông chẳng những không tuân lệnh của Hoa-thịnh-đốn bắt phải ra đi ngay và đi cho nhanh, lại trì-hoãn việc di-tản người Mỹ vì muốn giúp thêm nhiều người Việt-Nam cũng được di-tản theo. Ông đã chần-chừ dùng chính minh làm con tin với Hoa-thịnh-đốn, ra đi vào phút cuối.
Ngày 17-4-1975, Đại-sứ Martin gửi mật-điện về Hoa-thịnh-đốn, ngăn chặn quyết-định của Hoa-kỳ…Người Việt nam sẽ cho rằng Hoa kỳ mang Thuỷ-quân Lục-chiến vào để di tản người Mỹ và mặc kệ số phận người Việt ở đây. Đó là một hành động phản bội trắng trợn của Hoa kỳ. Họ sẽ tin rằng Mỹ chẳng còn cần để ý tới những gì sẽ xẩy ra cho họ nữa. Và từ cái cảm nhận sâu đậm đó, nều chỉ có một việc gì bất ngờ xẩy ra, dù là nhỏ nhoi tới đâu, cũng có thể gây ra tình trạng hỗn độn. Cứ để như tình trạng hiện tại, chúng tôi sẽ gây được cảm tình với người Việt-Nam vì họ cho rằng người Mỹ còn ở lại đây cũng chịu chung số phận với họ…Thế nhưng tất cả những điều này đều có thể thay đổi đột ngột nếu như có một tên điên rồ khốn kiếp nào đó (some god-damned fool) lại thuyết phục được một trong các quý ông ở địa vị lãnh đạo cao cấp, mang Thuỷ-quân Lục-chiến vào trước khi tôi yêu cầu…Có một điều tôi đoan chắc tuyệt đối (deadly certain) là nếu đưa quân đội Hoa kỳ ào ạt vào đây trong điều kiện hiện nay thì họ sẽ phải chiến đấu với quân đội miền Nam để tìm đường tháo chạy. Nếu ta hành động một cách bình tĩnh thì ta có thể rút khỏi một cách êm đẹp – tôi xin nhắc lại – và ta sẽ không làm một lỗi lầm ghê gớm nữa trong trăm ngàn lỗi lầm người Mỹ đã làm ở Việt-Nam và về vấn đề Việt-Nam”. (Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 376-378).
Cũng ngày 17-4-1975 này…chỉ một ngày sau thông điệp của Ford gửi Brezhnev và trong khi chờ đợi Nga Xô trả lời, Đại-sứ Martin đã bắn tiếng cho ông Thiệu, khuyến cáo vị Tổng-thống Việt-Nam Cộng-hoà nên từ chức. (Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 388)…Ông Thiệu hỏi Martin “Nếu tôi từ chức thì liệu viện trợ Mỹ có đến không”. Martin trả lời “Tôi không dám hứa nhưng cũng có thể”. Trước khi ông Đại-sứ ra về, ông Thiệu hứa “Tôi sẽ làm điều gì có lợi nhất cho nước tôi”(Trang 389).
Ngày 22-4-1975, Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu từ-chức. Phó Tổng-thống Trần Văn Hương lên thay. Trong bài diễn-văn thông-báo quyết-định từ chức đọc trên đài Truyền-hình, Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói về Hoa-kỳ…Các ông để chiến sĩ của chúng tôi chết dướí làn mưa đạn của địch. Đó là một hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo…(Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 389). Nhân dịp Tổng-thống Trung-hoa Dân-quốc Tưởng Giới Thạch mới qua đời, Tổng-thống Trần Văn Hương đã yêu-cầu Đại-sứ Martin thuyết-phục và thu-xếp để ông Nguyễn Văn Thiệu ra ngoại-quốc bằng quyết-định làm đặc-sứ sang Đài-bắc dự tang-lễ. Tổng-thống Trần Văn Hương mời ông Dương Văn Minh đứng lập Chính-phủ nhưng ông nhất định đòi giữ chức Tổng-thống để không đầy ba ngày sau, ông tuyên-bố đầu hàng. Ông tướng này được Kissinger ghi công là giúp cho Mỹ tháo ra mà không bị tiếng bỏ rơi đồng-minh của mình.
Đêm 25-4-1975, Đại-sứ Martin cùng CIA sắp-xếp để ông Nguyễn Văn Thiệu sang Đài-bắc bằng máy bay của Đại-sứ Hoa-kỳ. Tác-giả Nguyễn Tiến Hưng đã theo tài-liệu phía Hoa-kỳ, ghi lại mấy chi-tiết chính của chuyến đi …Chiếc máy bay DC-6 dưới quyền sử dụng của Đại Sứ Hoa Kỳ từ Thái Lan bay qua Sài Gòn trong đêm 25 tháng 4. Ông Polgar, trùm CIA ở Sài Gòn và Tướng Timmes gặp ông Thiệu và đoàn tùy tùng ở nhà Thủ Tướng Khiêm trong Bộ Tổng Tham Mưu. Polgar chuẩn bị ba chiếc công xa màu đen chở mọi người ra phi trường…Đoàn xe chạy vút về phía sân bay của hãng Air America. Đại Sứ Martin đã đợi sẵn ở đó để tiễn đưa. Dù buồn thảm và cam chịu số phận, ông Thiệu vẫn đi thủng thẳng, cố giữ phong độ, ông quay lại cám ơn ông Martin đã dàn xếp chuyến đi.
Vậy nhưng chỉ qua một đêm ngắn, sáng hôm sau, người ta đã kháo nhau tối qua ông Nguyễn Văn Thiệu ra đi mang theo 16 tấn vàng. Vậy trong số nhân-sự có mặt tại phi-trường tối hôm trước toàn là “đại nhân” quan trọng chứ làm gì có bà bán rau bán cá nào, sao tin tức mau vậy? Và buồn nữa là ai nghe cũng tin ngay, không cần thắc-mắc ngay cả theo kiến-thức phổ-thông căn-bản. Chắc người ta nghĩ cứ làm Tổng-thống thì có quyền sai ai đi mở hầm chứa vàng của Ngân-hàng Quốc-gia cũng được. Trách gì bao nhiêu chính-khách lẫn nhân-sĩ trí-thức trước 1975, đã vì cái ghế lãnh-đạo này mà từng cúi đầu cho Mỹ sai bảo.
Và hy-vọng sự tường-thuật của tác-giả Nguyễn Tiến Hưng về sự-kiện 16 tấn vàng sau đây không còn là một câu chuyện ”tào-lao” nữa. Vào giữa tháng Tư 1975, giữa lúc không còn hy-vọng gì có được nguồn tài-chính để giải-quyết các khó-khăn sau khi Hoa-kỳ đã cắt hết viện-trợ, Việt-Nam Cộng-hoà được Saudi Arabia hứa giúp ổn-định kinh-tế. Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu liền kêu gọi Quốc-hội Việt-Nam Cộng-hoà phê-chuẩn cho Chính-phủ đi vay ngân-hàng bên Thụy-sĩ để có tiền mua đạn dược. Các khoản thế-chấp để bảo-đảm, gồm tiềm-năng đầu hoả, lượng gạo xuất-cảng, ngân-khoản Saudi Arabia đã hứa cho vay và số 16 tấn vàng dự trữ của Ngân-hàng Quốc-gia Việt-Nam. Đại-sứ Martin giúp việc chuyển số vàng này đi thế-chấp. Nội-dung vấn-đề này đã là một trong các việc Đại-sứ Graham Martin trình-bày trước Quốc-hội Hoa-kỳ ngày 27-01-1976, như sau:…Những sắp xếp tạm thời đã được thực hiện để chuyển số dự trữ vàng của Việt-Nam Cộng-hoà sang Ngân hàng Bank of International Settlement (BIS) ở Basel bên Thụy-sĩ để có thể làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn dược bên Âu châu. Khi tin này lộ ra, thì đã không còn cách nào chở vàng đi bằng hàng không thương mại được nữa. Bởi vậy có những sắp xếp (tiếp theo) để chuyển nó sang tài khoản của Việt-Nam Cộng-hoà tại Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang New York (Federal Reserve Bank of New York). Chẳng may, đang khi có sự chậm trễ về phía Hoa-kỳ trong việc tìm nguồn bảo hiểm (cho việc chuyên chở số vàng) thì Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra đi. Ông Phó Thủ-tướng và Tổng-trưởng Tài-chánh đã không xin được phép của tân Tổng-thống kịp để chuyển số vàng này đi…(Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 312).
Ngày 28-4-1975, Đại-sứ Martin di-tản một số phi-công Việt-Nam cùng gia-đình khoảng hai ngàn người, lái máy bay sang Utapao, Thái-lan. Cũng trong ngày này, ông Dương Văn Minh được Tổng-thống Trần Văn Hương “truyền ngôi” cho để soạn bức “công-hàm” gửi Đại-sứ Martin, mang nội-dung ngắn gọn yêu cầu tất cả những người Mỹ còn lại phải rời Việt-Nam trong vòng 24 tiếng đồng-hồ. Theo tác-giả Nguyễn Tiến Hưng, mười năm sau ngày Miến Nam sụp đổ, ông mới được cựu đại-sứ Martin cho xem tài-liệu có tính cách lịch-sử này. “Lịch-sử” vì đó là văn-kiện ngoại-giao cuối cùng của giữa Việt-Nam Cộng-hoà và Hoa-kỳ, và như Kissinger nói đã giúp cho Mỹ tháo chạy “trong danh-dự”.
Những tháng năm tiếp theo ngày 30-4-1975, người dân Miền Nam nếm đủ mùi-vị của khẩu-hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ-nghĩa xã-hội” với lao-động là vinh-quang. Và tuy không có “tắm máu” như Nam-vang, nhưng còn dã-man tàn-độc hơn, đúng như những gì nhà văn Michel Tauriac kể lại trong tập “Hồ sơ đen về cộng sản ở Việt-Nam từ 1945 đến nay” (Viêt Nam – Le dossier noir du communisme de 1945 à nos jours) và những điều trong phần giới-thiệu của trang Amazon đã viết, đều đúng như những gì mọi người Miền Nam đã trải qua: “Lần đầu tiên có một tác-phẩm tố-giác những tội ác khủng-khiếp của một chế-độ Sít-ta-lin chính-cống. Những tội ác được che giấu đàng sau những hình ảnh lừa-lọc. Tội diệt-chủng của chế-độ này vượt hẳn bọn Khờ-me đỏ. Chẳng hạn, ta có biết rằng bảy trăm ngàn (700.000) nông-dân Bắc Việt đã bị thủ-tiêu, theo lệnh Hồ Chí Minh? Ta có biết 80% người Việt sống với dưới một Mỹ-kim mỗi ngày? Ta có biết 15% trong số họ thiếu đói kinh niên và 69% trẻ em suy dinh-dưỡng, trong khi Việt–Nam đứng thứ hai về xuất cảng gạo và trong giới tư bản đỏ Việt Nam có từ 500 đến 1000 triệu phú tính bằng đô-la? Những người phong cùi bị bỏ rơi, những bệnh-viện tốt nhất được dành riêng cho các quan-chức của chế-độ. Ta có biết bất cứ người Việt nào cũng có thể bị cầm tù hoặc bị cô-độc hóa trên bình-diện kinh-tế mà chẳng cần kiện-cáo gì? Ta có biết những tín-đồ Công-giáo, Phật-giáo bị cấm-cách chỉ vì niềm tin của họ? Với những tư-liệu và chứng-từ dồi-dào chưa từng phổ-biến, cuốn sách này là một bản án gắt-gao. Cũng là lịch-sử của một xứ-sở bị chính người mình đóng đinh và là một sự đền-bù mà tất cả những ai trân-quý Việt-Nam từng chờ đợi…(Pour la première fois, ce livre dénonce les horreurs qu’un régime demeuré stalinien dissimule sous une image trompeuse et qui a sur la conscience un génocide dépassant celui des Khmers Rouges. Sait-on, par exemple, que 700 000 paysans du Nord Viêt-Nam ont été ” liquidés ” sur les ordres de Ho Chi Minh ? Sait-on que 80 % des Vietnamiens vivent avec moins d’un dollar par jour? Que 15 % d’entre eux connaissent la disette chronique et que 69 % des enfants souffrent de malnutrition, alors que le Viêt Nam est le deuxième exportateur de riz et apparatchiks compte entre 500 et 1000 millionnaires en dollars? Sait-on que tout Vietnamien peut être emprisonné sans procès ou isolé économiquement ? Que les lépreux sont abandonnés, que les bons hôpitaux sont réservés à la nomenklatura, que bouddhistes et chrétiens sont persécutés à cause de leur foi ? Regorgeant de documents et de témoignages inédits, ce livre est un implacable constat. C’est aussi l’histoire d’un pays crucifié par les siens, et la réparation qu’attendaient tous ceux qui ont le Viêt Nam au cœur).
Và trên hết mọi sự, tôi mang nỗi-niềm “Thương quá Việt-Nam”
Việt-Nam, Việt-Nam
Hai tiếng gọi thật êm-đềm, tha-thiết
Nghe ngọt-ngào nhưng buốt giá tận trong tim
Hai chữ mà bao lâu nay tôi mỏi mắt đi tìm
Trên cùng khắp nẻo đường đời phiêu-bạt.
Việt-Nam, Việt-Nam
Một tiếng nói, một mầu da đang phai nhạt?
Hay một chuyển dời còn trôi-giạt, trầm-luân?
Một dư-âm mãi vang-vọng theo cuộc xoay vần?
Là một vận-số hay một lương-tâm chưa thức-tỉnh?
Việt-Nam, Việt-Nam
Quê-hương tôi đã bao năm qua chưa một ngày ổn-định
Đồng-bào tôi còn luôn mang bao nỗi kinh-hoàng
Gia-đình tôi vẫn ly-cách, tan-hoang
Nhiều anh em tôi mang thân-phận tội-đồ suốt kiếp
Việt-Nam, Việt-Nam
Sao oan-khiên mãi bủa vây tư bề trùng-điệp
Giải giang-sơn gấm vóc đã sinh ra tôi
Trải suốt bốn ngàn năm lịch-sử tài-bồi
Triệu-triệu đứa con được dưỡng nuôi chung một bầu sữa mẹ.
Việt-Nam, Việt-Nam
Một con đường cái quan ngày hôm nay chia thành bao lối rẽ
Ý-hệ này, chủ-thuyết nọ lớn lên
Mẹ Việt-Nam mang nặng nỗi ưu-phiền
Nhìn một bọc trăm trứng rồng tiên gần năm ngàn năm sau
Đã phần nào bị lai căng thành liu-điu, nòng nọc.
Việt-Nam, Việt-Nam
Bao năm rồi mẹ hiền chưa thôi khóc
Nhìn lũ con tan đàn xẩy nghé không cam.
Đứa ở gần thì bạc-ác, gian-tham
Đứa sống xa lại vong-thân, mất gốc
đang từng ngày …từng ngày …chạy theo thiên-hạ…
Việt-Nam, Việt-Nam
Hai tiếng Quê-hương – một mối tình nước non chưa đền trả…
Trong thân-phận lưu-đầy
tôi mang niềm thao-thức: Việt-Nam.
Cho ngày 30–4-2023
tại Úc-châu
Phạm Minh-Tâm
Leave a Comment