Quảng Cáo

Ông Blinken đã rời VN nhưng để lại nhiều mong đợi cho ‘bang giao nhiều duyên nợ’

Quảng Cáo

­­

Dư âm chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam chắc chắn sẽ còn kéo dài, ít nhất cho đến khi có ngã ngũ hay không chuyện Tổng thống Joe Biden có chuyến thăm lịch sử đến Hà Nội vào tháng 5 này hay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ vượt Đại tây dương sang Hoa Kỳ vào tháng 7 tới, theo một nhà quan sát.

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện là nhà quan sát thời sự tại Hà Nội, về điều mà ông gọi là “mối bang giao đầy duyên nợ Việt Nam – Hoa Kỳ”.

BBC News Tiếng Việt: Câu hỏi trước hết là nhìn lại chuyến thăm đầu tiên của ông Antony Blinken đến Việt Nam ở cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Tiến sỹ đánh giá đặc điểm nổi bật nhất từ chuyến thăm?

TS Đinh Hoàng Thắng: Theo đánh giá của tôi, chuyến thăm của ông Blinken sang Hà Nội có ba đặc điểm nổi bật: khởi động lâu nhất, hoạt động ngắn nhất, nhưng dư âm sẽ dài nhất. Xin giải thích một chút về cái “nhất” đầu tiên. Được biết, chuyến thăm chuẩn bị từ trước cả mùa hè năm ngoái mà mãi tới 14/4 năm nay mới được thực thi. Hai bên Việt, Mỹ không nói ra nhưng giới quan sát thì giải mã được nguyên nhân. Đó là vì lúc bấy giờ, Việt Nam đột ngột đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sát với lịch của ông Blinken; Chưa hết, từ Hà Nội, các tuyên bố của Ngoại trưởng Nga phải nói là “sặc mùi chống Mỹ” trước hội nghị G20 ở Indonesia. Nga đã lợi dụng diễn đàn Hà Nội để tấn công Hoa Kỳ. Vì thế, hiển nhiên, Ngoại trưởng Mỹ quyết định bỏ chuyến thăm đã lên lịch là chuyện có thể cắt nghĩa.

BBC: Ấn tượng mạnh nhất đối với ông trong các hoạt động ngắn ở thủ đô Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ?

Đó là buổi họp báo tại Đại Sứ quán Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Blinken đã tổng kết một cách súc tích toàn bộ các hoạt động của ông tại Hà Nội. Tôi ngạc nhiên, là khác với lệ thường, lần này báo chí Việt Nam chuyển tải khá đầy đủ, hầu như là toàn bộ nội dung phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Ngoại trừ một vài câu hỏi quá tế nhị đối với VN. Hoạt động chính thức của ông Blinken thật ra chỉ gói gọn trong một ngày. Ông đến vào buổi tối, ngày rời Hà Nội vào buổi sáng hôm sau, tạm coi như không có hoạt động chính thức. Thế nhưng qua họp báo, thấy ông đã làm được nhiều chuyện. Vì vậy, dư âm chuyến thăm, tôi nghĩ sẽ còn dài dài. Tôi muốn nói về những hứa hẹn ở phía trước.

BBC: Dài là bao lâu và hứa hẹn là thế nào, thưa ông?

Nếu BBC muốn cắm mốc, thì theo tôi, nó sẽ còn kéo dài cho đến khi Tổng thống Joe Biden có hoặc không có chuyến thăm lịch sử đến Hà Nội vào tháng 5 này, hay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ vượt hay không vượt biển bay sang Hoa Kỳ vào tháng 7 tới. Dư âm, thậm chí còn kéo dài sau cả những sự kiện hứa hẹn ấy.

BBC: Nội dung nào Tiến sỹ cho là quan trọng nhất từ các cuộc tiếp xúc giữa Blinken với lãnh đạo trong Tứ trụ của Việt Nam?

Phải phân loại thông tin. Công khai, qua báo chí, truyền thông. Những hàm ý, là nội dung phải đọc giữa hai hàng chữ mới ra. Và cuối cùng là những thông điệp quan trọng hai bên trao cho nhau. Điều này thì công chúng không biết được, chỉ có thể phỏng đoán. Gộp tất cả lại, tôi cho có 3 nội dung quan trọng qua các tiếp xúc ở Hà Nội vừa rồi: Thứ nhất, hai bên đánh giá 2023 này là năm chín muồi để nâng cấp quan hệ song phương.

Thứ hai, việc nâng cấp này sẽ gắn với một trong hai chuyến thăm cấp Nhà nước, hoặc ông Biden sang Hà Nội, hoặc ông Trọng sang Washington. Và thứ ba, các chất lượng chiến lược đã và sẽ bao trùm mọi chiều kích quan hệ: từ chính trị, kinh tế, khoa học – công nghệ đến giáo dục, an ninh và quốc phòng… Nhưng điều quan trọng hơn cả, đó là hàm ý, các chất lượng chiến lược trong quan hệ song phương kỳ này, từ nay sẽ tiệm cận tới các kết nối đa phương và liên khu vực.

BBC: Tiến sỹ có thể nói rõ hơn về nội dung thứ ba, về “tiệm cận đa phương” có nội hàm gì được không?

Vâng, chúng ta thấy rằng trong các cuộc hội đàm, trong diễn văn tại lễ động thổ xây ĐSQ Mỹ, cũng như trong họp báo trước khi rời Hà Nôi, ông Blinken luôn luôn đặt bang giao Mỹ – Việt vào khung cảnh của không gian “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Quan hệ Việt – Mỹ như thế là đã tiệm cận FOIP, nhưng Việt Nam chưa thể, và có thể sẽ không bao giờ là thành viên của QUAD, của AUKUS, nhưng lại đang tích cực đàm phán để trở thành một trong 14 thành viên của IPEF (Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương). IPEP sẽ giúp dẫn đầu những nỗ lực về các vấn đề có vai trò định hình nền kinh tế trong thế kỷ 21, gồm sức chống chịu của chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng sạch và kết nối kỹ thuật số. “Tiệm cận đa phương” có nghĩa là Việt Nam sẽ tham gia mảng này mảng kia trong tập hợp lực lượng mới ở khu vực và trên toàn cầu.

BBC: Thế còn vấn đề hệ giá trị trong quan hệ Việt – Mỹ, theo Tiến sỹ, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, hiện nay ai cần ai hơn? Các giá trị Mỹ được đề cao ở đâu tại Việt Nam?

Theo tôi, không nên đặt vấn đề như vậy! Mà nên đặt câu hỏi là tại sao các lợi ích chiến lược cốt lõi nhất của mỗi nước giờ mới tiệm cận gần sát nhau. An ninh và phát triển là hai lợi ích cốt lõi mà quốc gia nào cũng theo đuổi. Tất nhiên siêu cường như Hoa Kỳ thì họ còn gánh nặng đối với vai trò toàn cầu của họ. Đối với Việt Nam, giờ đây, 4 trụ cột của IPEF (Khuôn khổ Kinh tế Ấn Đô-Thái Bình Dương) thực sự có giá trị như một cú hích đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn sau đại dịch.

Còn về an ninh, nhất là an ninh trên biển đảo, thì Việt Nam không mong gì hơn, các quốc gia tôn trọng UNCLOS-1982 và Phán quyết của PCA. Mà chiến lược FOIP có ba trụ cột: hệ giá trị toàn cầu, kết nối kinh tế và an ninh hàng hải, tất cả tạo nên một Trật tự dựa trên luật lệ và pháp quyền. Đây là một sự bảo đảm lý tưởng cho Việt Nam và các quốc gia vừa và nhỏ trong khu vực ASEAN.

BBC: Nhưng có phải nhiều giá trị Mỹ hay tạm gọi là những giá trị Phương Tây mà Hoa Kỳ đề cao nhưng lại đang bị bác bỏ ở Việt Nam, ít ra là trên các diễn đàn chính thống?

Tôi không nghĩ như vậy! Chính thống nói gì thì cũng nên căn cứ vào người dân nghĩ gì. Hãy gác quá khứ sang một bên, ngày nay đã có những điều tra xã hội học cho thấy hơn 90% dân VN thích làm ăn với Mỹ. Tất nhiên, hội chứng Mỹ ở Việt Nam và hội chứng Việt Nam ở Mỹ chưa phải là đã hết, nhưng so với cách đây 28 năm thì giờ đây đã thay đổi một trời một vực. Phải nói tuyên bố “có cánh nhất” của ông Blinken ở Hà Nội, tôi cho đó là câu đánh giá, Việt Nam giờ đây “đã sát cánh cùng với Mỹ trong giai đoạn cần hỗ trợ nhau nhất”.

“Sát cánh” hay “vai kề vai” là diễn ngôn xưa nay chính khách Mỹ chỉ dùng để nói về đồng minh.

BBC: Theo ông có hay không yếu tố Nam – Bắc trong nhãn quan về Mỹ và về Trung Quốc ở Việt Nam?

Trước đây thì có thể. Bởi vì con người miền Nam thường được cho là dân “trọng nghĩa khinh tài”, dám làm ăn lớn, họ có những nostalgia (hoài niệm) về Hoa Kỳ là chuyện đương nhiên. Còn người miền Bắc, bên cạnh những nét thâm thúy, sâu sắc nhưng tư duy có thể ít phóng khoáng hơn dân Nam, lại gắn với Trung Quốc nhiều hơn qua các giai đoạn chiến tranh. Nhưng tôi nghĩ vài chục năm trở lại đây thì yếu tố Nam – Bắc trong nhãn quan về Trung Quốc và Mỹ không còn như cách đây nửa thế kỷ nữa. Bây giờ Bắc hay Nam thì cũng thích Mỹ cả. Phần lớn, họ toàn gửi con cháu, toàn đi định cư bên Hoa Kỳ, mấy ai đi các nước bên Á châu đâu, dầu văn hóa có thể gần gũi hơn.

BBC: Ngoại trưởng Blinken vừa rồi nói, Mỹ – Việt nay có một cơ hội, ông hy vọng, sẽ đưa mối quan hệ lên một cấp độ cao hơn nữa trong những tuần tới và tháng tới. Tiến sỹ có cho ông Ngoại trưởng quá lạc quan hay không? Không ít ý kiến trên mạng xã hội gần đây lo ngại, giống như hồi chậm vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), VN có thể vì nặng gánh ý thức hệ của Đảng Cộng sản mà lỡ nhịp lần nữa?

Việt Nam từ lịch sử hậu chiến từng nhiều lần bị lỡ nhịp trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cũng như lỡ nhịp vào WTO. Và VN đã phải trả giá khá đắt cho những lỡ nhịp ấy. Trả giá bằng các cuộc chiến tranh không đáng có, trả giá bằng sự suy kiệt cùng cực về kinh tế, và trả giá bằng cả uy tín quốc tế của mình nữa. Tất cả, tôi nghĩ đã được lãnh đạo qua các thế hệ đúc kết đầy đủ.

Không phải ngẫu nhiên, trong gặp Ngoại trưởng Mỹ lần này, cả Tổng bí thư lẫn Thủ tướng Việt Nam đều có tuyên bố giống nhau về cơ hội để nâng cấp bang giao hai nước lên tầm cao mới. Cũng là lần đầu tiên, VN đã đề cập công khai đến tầm quan trọng của không gian “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Trong chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Kamala Harris tháng 8/2021 đến Hà Nội làm gì có những tuyên bố mang tính chất “đường phân thủy” (watershed) như thế ấy.

BBC: Tại sao có sự thay đổi ấy và nó đến từ tự thân các vận động nội bộ, trong nhận thức của giới hoạch định chính sách Việt Nam hay từ đâu?

Đến từ đâu thì cũng từ một lý do giản dị: Năm 2023 là điểm ngoặt! Nếu mọi chuyện trót lọt như tuyên bố vừa rồi của Tổng bí thư, Thủ tướng Việt Nam và cả Ngoại trưởng Mỹ nữa thì xu thế liền sau đó, tức là khi đã nâng cấp lên Đối tác Chiến lược rồi, thì mọi chuyện khó ai có thể đảo ngược được, cho dù Trung Quốc có ép VN theo cách gì đi nữa. Vấn đề ở đây không chỉ có Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Thay đổi ở VN đến từ thay đổi trên thế giới. Các bạn thấy rằng cục diện khu vực và quốc tế thời kỳ hậu Covid-19 và hậu Ukraine (dù chiến tranh ở đấy chưa chấm dứt một sớm một chiều) đang đặt tất cả các quốc gia vào một quyết tâm mới. Kết thúc ba ngày họp tại Karuizawa (Nhật Bản), hôm 18/4, các Ngoại trưởng khối G7 đã thể hiện một mặt trận thống nhất, lên án các “hoạt động quân sự hóa trên biển” của Trung Quốc, đồng thời nghiêm khắc cảnh cáo những nước nào hỗ trợ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Việt Nam không thể không thay đổi và chắc chắn không thể đi ngược xu thế đó!

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux