Tản mạn về status của võ sư Đoàn Bảo Châu viết về kỹ sư Nguyễn Lân Thắng

- Quảng Cáo -

Phêrô Nguyễn Văn Khải

Tôi khâm phục tinh thần yêu nước và hy sinh của kỹ sư Nguyễn Lân Thắng. Tôi tôn trọng tinh thần phản biện và khâm phục thái độ “độc lập tuyệt đối trong tư tưởng” của võ sư Đoàn Bảo Châu. Tôi viết những suy nghĩ tản mạn này trong tinh thần của hai vị “sư” này.

Tôi thấy võ sư Châu “không đồng ý với việc kỹ sư Thắng có hành vi chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh.” Tại sao? Võ sư giải thích vì: “ông không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một chân dung văn hoá, về lòng yêu nước và tư tưởng, kể cả tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp.”

Tôi thấy ở đời ai cũng phải chịu sự đánh giá của những người xung quanh. Lối sống, lời nói và việc làm của mỗi người, nhất là của những người mang trọng trách, những con người của công chúng càng cần phải được xem xét bằng những cái nhìn khác nhau mà trong đó họ có thể trở thành đối tượng chễ giễu hoặc tôn vinh.

- Quảng Cáo -

Ông Hồ Chí Minh cũng là một con người, hơn nữa ông còn là một lãnh tụ, một nhân vật của công chúng, một nhân vật lịch sử lẫy lừng của Việt Nam trong thế kỷ XX, cho nên tìm hiểu và đánh giá về ông luôn là điều cần thiết. Vì vậy không chế giễu ông là quyền của võ sư Châu; chế giễu ông là quyền của kỹ sư Thắng. Vấn đề là nội dung chế giễu có cơ sở hay không mà thôi!

Võ sư Châu coi ông Hồ Chí Minh là “một chân dung văn hóa” thì đó là nhận thức và là quyền của võ sư. Còn nếu kỹ sư Thắng coi ông Hồ Chí Minh là một chân dung phản văn hóa, thì đấy cũng là nhận thức và là quyền của anh. Mỗi người mỗi cái nhìn, mỗi cách đánh giá và tùy cách đánh giá mà người ta chễ giễu hay tôn vinh.

Nhưng có thật Hồ Chí Minh là một “chân dung văn hóa” không? Nói đến văn hóa là nói đến cái tốt, cái đúng, cái đẹp chuẩn mực và phổ quát của con người trong lối ứng xử với bản thân, với tha nhân, với xã hội và với môi trường xung quanh. Ít là như vậy. Vì thực ra người có văn hóa toàn diện còn là con người biết ứng xử với Thiên Chúa và các bậc thần thánh nữa!

Một người được coi là “chân dung văn hóa”, tức là mô phạm để nhiều người khác noi theo, tất phải thể hiện những điều trên đây ở mức độ tuyệt hảo! Trong khi đó, thực tế cho thấy ông Hồ Chí Minh không phải là người như vậy! Ông có thể là nhà chính trị nhạy bén và thành công nhờ thủ đoạn, nhưng là một chân dung văn hóa thì dứt khoát không!

Vì ông dối trá, giả hình, lừa thầy phản bạn, vô ơn bội nghĩa. Vì ông độc ác tàn bạo với cả ân nhân và thân nhân mình. Ngay cả trong những chuyến công du, ông vẫn có những hành vi bất xứng, thiếu văn hóa, chẳng ra ta cũng không ra Tây để đến nỗi báo chí nước người ta phải lên tiếng.

Nếu một người chỉ có lòng yêu nước thì chưa thể được coi là “một chân dung văn hóa.” Một cái tốt đơn lẻ không thể khái quát thành cái tốt toàn thể! Cứ cho là được đi nữa thì ông Hồ Chí Minh cũng không phải là một “chân dung văn hoá về lòng yêu nước” như võ sư Châu quan niệm .

Vì các bằng chứng lịch sử cho thấy ông Hồ Chí Minh yêu bản thân ông, yêu đảng cộng sản chứ chẳng yêu gì đất nước và dân tộc này. Nếu yêu thật ông đã không có những chọn lựa và việc làm sai lầm và tai hại cho đất nước như vậy. Theo logic và thực tế: anh em ruột thịt của ông, ông không yêu; vợ con ông, ông không yêu, thì làm sao có thể khẳng định được rằng ông yêu nước!

Võ sư Châu coi ông Hồ Chí Minh là một “chân dung văn hóa về tư tưởng…” Tôi không biết võ sư quan niệm thế nào là “tư tưởng”? Nếu “tư tưởng” là một hệ thống quan niệm thống nhất về nhân sinh quan và vũ trụ quan theo cách cách hiểu của Tây phương-loại tư tưởng có cái đuôi “ism”- thì ông Hồ Chí Minh có không?

Ông Nguyễn Văn Trấn, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Khu ủy Khu 9, trong hồi ký “Viết cho Mẹ và Quốc Hội” cho biết chính ông Hồ Chí Minh đã nói với các đồng chí tại Đại hội Đảng toàn quốc năm 1950 rằng ông chẳng có tư tưởng gì, ông chỉ vận dụng tư tưởng Mác-Lê-Mao vào hoàn cảnh Việt Nam thời bấy giờ mà thôi!

Võ sư Châu nói ông Hồ Chí Minh có tư tưởng dân chủ và đó là những tư tưởng dân chủ có tầm cao! Tôi không biết võ sư hiểu dân chủ là thế nào, tư tưởng dân chủ là thế nào “tư tưởng dân chủ tầm cao” của ông Hồ Chí Minh là thế nào so với tư tưởng dân chủ tầm thấp của nhân loại trước và sau ông.

Nhưng tôi thấy hiển nhiên ông Hồ Chí Minh có tư tưởng độc tài toàn trị. Trên thực tế chưa bao giờ ông coi trọng dân chủ và các nguyên tắc dân chủ! Chưa bao giờ ông HCM tôn trọng người dân và để cho người dân được quyền làm chủ! Có chăng chỉ là những lời lẽ dân chủ giả hiệu để ru ngủ và lừa đảo người dân.

Ông đã khai sinh ra cái đảng cộng sản lấy “chuyên chính vô sản”- có nghĩa là độc tài cộng sản và lấy bạo lực cách mạng làm nguyên tắc cướp chính quyền và cai trị dân chúng. Cái chế độ mà ông xây dựng thực chất là một chế độ độc tài toàn trị, tổng hợp những thứ sai lầm, dối trá và bạo lực của Tây Tầu khiến cho nước Việt tan hoang và dân việt điêu đứng!

Võ sư Châu ngầm trách kỹ sư Thắng thiếu thông cảm với các sai lầm của đảng cộng sản. Điều này có thể hiểu được! Đúng như võ sư nói: con người có thể mắc sai lầm! Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ mình có dám nhận rằng mình đã sai lầm không và quan trọng hơn nữa là mình có can đảm để sửa sai hay không hay chỉ đổ thừa cho các thế lực thù địch và các hoàn cảnh khách quan?

Một cách tổng quát có thể nói rằng những sai lầm của ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản do ông lập ra là những sai lầm căn bản, có tính hệ thống mà ông cũng như đảng độc tài của ông xưa nay chưa chịu nhận và vì thế chưa thể sửa chữa sai lầm. Họ tiếp tục duy trì những lý thuyết và nguyên tắc phi nhân bản, phản dân chủ, phản tự nhiên, phản tiến bộ, phản khoa học để thống trị đất nước.

Giả thiết con người có thể sai lầm để bênh vực và bảo vệ cái sai lầm của cá nhân và tổ chức, hay ít nhất để bác quyền chỉ trích những sai lầm kia, thì không phải là lối ứng xử logic của một người đang có tư tưởng dân chủ và mong muốn xã hội tiến bộ, đất nước phát triển và dân tộc thịnh vượng, người dân hạnh phúc.

Võ sư Châu kêu gọi kỹ sư Thắng và mọi người “không nên phủ nhận sạch trơn những gì thế hệ trước đã làm”, tức là những gì ông HCM và chế độ cộng sản đã làm trong gần 100 năm qua! Cái này có vẻ võ sư quá lo! Vì thực sự không ai làm được điều ấy! Có muốn cũng không được! Vì lịch sử có tính liên tục và kế thừa! Kế thừa cả cái hay, cái tốt lẫn cái xấu, cái hại!

Thí dụ, trước đây chế độ cộng sản lên nắm quyền đã cố gắng “phủ nhận sạch trơn” bằng cách triệt để “xóa bỏ những tàn tích của thực dân phong kiến” (ở Miền Bắc) và của “ngụy quân ngụy quyền” ở Miền Nam mà có được đâu! Có chăng cho đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước chế độ cộng sản mới chỉ phá hủy được toàn bộ đình đền miếu mạo chùa chiền từ Quảng Bình ra cho đến Thanh Hóa, rồi sau đó từ đầu năm 1990 bắt đầu làm lại!

Thực tế mấy chục năm nay tại nước mình chẳng phải là chính trị thì từ Bắc mà vào, còn văn hóa và kinh tế thì từ Nam mà ra sao! Chẳng phải là hiện nay âm nhạc từ thời tiền chiến đến thời cộng hòa đang được hát khắp các hang cùng ngõ hẽm và trên các phương tiện truyền thông đến nỗi lấn át cả nhạc cộng sản sao? Thế nên nỗi lo trước sự kiện một số ít người phản biện về một số nhân vật lịch sử- sẽ phủ nhận sạch trơn những gì các thế hệ trước đây đã làm là nỗi lo thiếu cơ sở thực tiễn.

Võ sư Châu lo rằng chế giễu của kỹ sư Thắng hay của những người khác có thể sẽ là thiếu lễ, nghĩa là thiếu luân lý. Tuy nhiên, hành vi chế giễu luôn được các nền văn hóa xưa nay chấp nhận. Còn việc nó có tính luân lý hay không thì tùy thuộc vào hình thức, nội dung và hiệu quả cải tạo xã hội của nó.

Võ sư Châu sợ rằng hành vi chế giễu lãnh tụ sẽ dẫn thế hệ trẻ hành động theo kiểu “cứt lộn lên đầu” và đất nước bước về “thời kỳ man rợ và mất phương hướng.” Tuy nhiên, thực tế có thể ngược lại: nếu thiếu sự phản biện những sai lầm của thế hệ trước, nhất là của những nhà lãnh đạo, nếu thiếu sự chễ giễu hay sự lên án những cái xấu, cái sai, cái ác của quá khứ, thì hiện tại và tương lai con cháu chúng ta có thể tiếp tục tưởng sai là đúng, tưởng xấu là tốt, tưởng ác là thiện, tưởng dở là hay và tiếp tục ứng xử man rợ trong thế giới văn minh này.

Võ sư Châu nghĩ rằng kỹ sư Thắng hay độc giả sẽ không làm được gì nếu sinh vào thời ông Hồ và ông Giáp. Sự so sánh này khập khiễng! Không thể giả thiết cái đã chắc chắn không thể xảy ra để biện minh cho một cái đã xảy ra. Hơn nữa, thực tế trong nhiều hoàn cảnh có khi “không làm được gì” lại tốt hơn là “làm được gì”!

Thực tế có những người bị tha hóa và sự hiện hữu của họ giữa trần gian ở trở nên có hại cho chính họ và cho tha nhân hơn là không có họ. Chính vì vậy mà Chúa Giê su đã nói về ông Giuda “Khốn thay kẻ nộp Con Người, thà kẻ ấy đừng sinh ra thì hơn!”

Kỹ sư Thắng có chế giễu ông Hồ Chí Minh không? Tôi không biết! Chế giễu một lãnh tụ có phải là đạp đổ và nâng mình lên không? Tôi không nghĩ như thế! Có xã hội nào xưa nay không chế giễu cái sai trái của vua chúa quan quyền? Tôi nghĩ giả như kỹ sư Thắng có chế giễu đi nữa thì anh cũng không có tham vọng thay thế ông Hồ Chí Minh hay lãnh tụ nào!

Tôn trọng người khác! Đúng! Nhưng tôn trọng cả cái sai của người khác, đặc biệt là những sai lầm dẫn đến cái chết của hàng triệu người, những sai lầm di lụy qua nhiều thế hệ thì không bao giờ là đúng!

Tôn trọng người khác không có nghĩa là không được chế giễu các cái sai của họ, vì đó là một yếu tố cần thiết để giáo dục và đào tạo con người và xã hội. Chỉ các nhà độc tài mới sợ chế giễu. Chỉ có người có tinh thần nô lệ mới không dám chế giễu vua quan.

Võ sư Châu viết rằng “Ta là hậu sinh, ta phân biệt đúng sai để tránh sai lầm trong hiện tại và tương lai.” Đúng vậy! Tuy nhiên, nếu coi một lãnh tụ phải được tôn kính như thần thánh mà không ai được nói động đến, và nếu mình tìm cách biện minh cho cái sai của thế hệ đi trước thì làm sao mình còn biết đúng sai? Làm sao mình còn hiểu được quá khứ, giải thích được hiện tại và rút ra được bài học lịch sử cho tương lai?

….

Còn những điều đúng và điều không đúng khác nữa trong status của võ sư Châu mà người ta có thể tán đồng hay phản bác. Tuy nhiên, không như nhiều status trước đó được võ sư viết một cách rất thuyết phục, status này đã được võ sư đã viết bằng tình cảm nhiều hơn lý trí và vì thế ít nhiều lập luận thiếu nhất quán và lẫn lộn giữa các phạm trù.

Tôi có cảm tưởng sự tuyên truyền của chế độ cộng sản trong việc thần thánh hóa lãnh tụ vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều trên võ sư. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi nghĩ võ sư là người ủng hộ chế độ độc tài cộng sản, cũng không vì thế mà võ sư mất đi giá trị và sự tôn trọng qua nhiều ý kiến phản biện xã hội rất có giá trị xây dựng.

Võ sư Đoàn Bảo Châu vẫn là một trong số ít ỏi những trí thức được coi là đáng kính ở Việt Nam vì dám thường xuyên và thẳng thắn lên tiếng trước các vấn đề xã hội và chính trị của đất nước. Việc chụp mũ, kết án và mạ lỵ võ sư chỉ vì một bài viết có quan điểm chưa xác đáng thì không phải là lối ứng xử công bằng, cũng phải là hành động tốt nhất trong việc mưu ích cho sự nghiệp chung của dân tộc và đất nước./.

Roma 15.04.2023

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

  1. Nguyên văn bài viết của võ sư Đoàn Bảo Châu ở đây: https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165
- Quảng Cáo -