Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hội kiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, ngày 15/4/2023 trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên của ông đến quốc gia đông nam Á này trên cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trước đó, ông Blinken đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn của nước chủ nhà.
Trong ba cuộc gặp, các quan chức Mỹ và Việt Nam thảo luận về “cách thức hợp tác những vấn đề trong khu vực bao gồm tiểu vùng sông Mekong, cuộc khủng hoảng khí hậu, và Biển đông. Hoa Kỳ khẳng định cam kết nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện và ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Đại sứ quán Mỹ cho hay.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh với ông Blinken các yếu tố làm cơ sở để phát triển quan hệ song phương là là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và thế giới, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Về phần mình, ông Blinken cũng đã lặp lại các nguyên tắc này, cũng theo hãng tin Nhà nước, và tái khẳng định ‘Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn đưa quan hệ lên tầm cao mới’.
Ông Blinken đã chuyển lời của Tổng thống Joe Biden mời ông Trọng đến thăm Mỹ một lần nữa. Ông Trọng được cho là đã nhận lời và đề nghị hai bên sắp xếp thời gian thích hợp. Người lãnh đạo cao nhất Việt Nam cũng thông qua ông Blinken mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam, cũng theo Thông tấn xã Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc một ngày làm việc tại Hà Nội, Ngoại trưởng Blinken được Reuters dẫn lời khẳng định rằng đối với Mỹ và Tổng thống Biden, mối quan hệ với Hà Nội ‘là là một trong những mối quan hệ năng động nhất và là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng tôi từng có’. “Niềm tin của chúng tôi là nó có thể và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa,” ông nói.
Theo bản ghi của Bộ Ngoại giao Mỹ thì mặc dù nhấn mạnh cam kết ‘hỗ trợ Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập’ và ‘tôn trọng quyền của Việt Nam trong việc định hình tương lai của đất nước dưới hệ thống chính trị của mình’ nhưng ông Blinken tiếp tục kêu gọi Hà Nội ‘cần có tiến bộ về nhân quyền để khơi mở tiềm năng của người Việt’.
Phát biểu khi gặp Ngoại trưởng nước chủ nhà Bùi Thanh Sơn trước đó, ông Blinken nói trong hành trình mối quan hệ 28 năm qua, hai nước đã cùng nhau xây dựng nền tảng rất vững chắc cho mối quan hệ song phương.
“Và bây giờ chúng ta có một cơ hội, tôi hy vọng, để đưa mối quan hệ lên một cấp độ cao hơn nữa trong những tuần tới và tháng tới”, ông Blinken nói, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
“Những gì mà chúng ta đang làm về khí hậu, năng lượng, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, giáo dục và rất nhiều lĩnh vực khác nữa đem đến nhiều hứa hẹn to lớn cho người dân cả hai nước. Và cam kết chung của chúng ta về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi nó đang bị thách thức, nhưng cả hai [nước] chúng ta đều cùng nhau thẳng thắn đấu tranh cho trật tự đó”, vẫn lời ngoại trưởng Mỹ.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn được dẫn lời nói rằng Việt Nam ‘sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các bạn để tăng cường về thực chất cũng như hiệu quả của mối quan hệ giữa hai nước theo các chủ trương mà hai nhà lãnh đạo hàng đầu của hai nước đã nhất trí’.
“Washington và Hà Nội gần như hoàn toàn có cùng lập trường về việc chúng tôi muốn thấy và muốn sống ở một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như thế nào: một khu vực tự do và cởi mở, nơi tất cả các nước lớn cũng như nhỏ tuân thủ một luật chơi, nơi các nước lớn không bắt nạt các nước nhỏ, nơi các nước giao thương tự do nhưng cũng công bằng, và nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Dan Kritenbrink, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hiện là nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á, được AP dẫn lời nói./.
Leave a Comment