Xã ta phải có tượng đài

- Quảng Cáo -

Mạc Van Trang

Hôm nay ông Hùng Phó Chủ tịch xã Đại Phát khánh thành ngôi nhà 5 tầng, vừa xây trên phần đất giãn dân. Khách đến ăn mừng tân gia nhộn nhịp suốt cả ngày. Mấy đồng chí Đảng ủy xã bận họp, chiều tà mới đến. Gia chủ đã dành một bàn cỗ thịnh soạn trên lầu 2, có phòng lạnh, kín đáo mát mẻ.

Tửu nhập, ngôn xuất. Lại toàn các đồng chí chí cốt với nhau nên đủ thứ chuyện rôm rả. Nhưng cuối cùng lại xoay về chuyện tìm kiếm dự án.

Chủ tịch bảo:

- Quảng Cáo -

– Này các cậu, năm tới xem kiếm được cái dự án gì, không thì treo niêu à?

Trưởng ban Mặt trận:

– Khó đấy nhỉ! Điện, đường, trường, trạm, nghĩa trang liệt sĩ, trụ sở … mấy khoá trước nó làm sạch cả rồi. Đình, chùa, nghĩa trang nhân dân … thì các thôn nó quản lý.

Bí thư Đảng ủy:

– Dự án gì phải kều được ngân sách, xã hội hóa một phần, chứ toàn xã hội hóa, dân kêu lắm rồi. Làm như cái Trạm xá vừa rồi là được, nhà nước 7, dân 3…

Trưởng Công an xã:

– Báo cáo các anh, cái khoản cho khai thác cát trên sông, nộp ngân sách địa phương, năm tới cũng khó khăn lắm. Phần thì cát cũng vãn, phần thì xói lở đất ven bờ ngày càng lớn quá… Dân phản ứng mạnh là mình dẹp cũng khó. Lại còn cái thằng xã Đại Lộc phía hạ, Đại Cường phía thượng, cũng to mồm tranh giành dữ lắm.

Phụ trách Tuyên giáo:

– Tôi nghĩ nát ra rồi, ta làm cái dự án dựng tượng đài là hay nhất… Đề xuất này như gãi đúng chỗ ngứa, ý kiến sôi nổi hẳn lên.

– Nhưng tượng đài gì nhỉ?

– Tượng đài hạ gục pháo đài bay B52 Mỹ được không? Vì hồi Bảy hai (1972) có một mảng xác máy bay rơi trúng sân nhà bố em, ông hy sinh, được công nhận liệt sĩ đấy thôi…

– Nhưng cái xác máy bay ấy nó rơi ở bên Đại Cường là chính, mình chỉ có một mảnh. Mà ở đâu bắn rơi, một mảnh xác bay về mình, chứ có phải mình bắn hạ đếch đâu, mà thuyết minh dự án được!

– Hay ta dựng tượng Du kích giữ làng. Lịch sử đảng bộ xã ta vẫn in đậm câu chuyện năm Năm hai (1952) “Chị Khế giả vờ cắt cỏ gần đồn giặc, dụ thằng Tây gác cổng đồn ra, khi nó đè ra sắp hiếp, thì đồng chí Vó từ trong bụi rậm xông ra chém chết thằng Tây đen, tước được một khẩu súng, một chiếc đồng hồ đeo tay của nó, lập chiến công lẫy lừng…

– Vụ này không ổn, dựng tượng sẽ lắm chuyện đàm tiếu lắm. Nghe dân kể, thì đồng chí Vó đã thống nhất phối kết với chị Khế là, khi nó đè ra sắp hiếp thì chị Khế ôm chặt nó, kêu to lên, đồng chí Vó theo đúng hiệu lệnh, từ trong bụi rậm xông ra chém liền. Nhưng đằng này, chị Khế mãi không kêu được, đồng chí Vó cứ chần chừ, để nó hiếp chị Khế xong rồi, mới xông ra, nên sau này chị Khế đẻ ra thằng cu Đen đấy. Cũng vì dân làng đàm tiếu quá, trên thu hồi bằng khen của chị Khế, mà cậu Đen con chị Khế, lớn lên cũng bỏ làng đi đâu mất.

– Hay ta dựng tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nghe nói tỉnh gì trong kia dựng tượng một Mẹ tiêu biểu mà hơn 200 tỷ cơ mà. Xã ta cũng có năm Mẹ chứ có kém đâu?

– Cũng khó đấy. Các Mẹ xã mình không được tiêu biểu. Thực ra còn có bốn Mẹ chứ có nhiều nhặn gì! Bà Gái, sau này tấp tửng theo giai, đi bước nữa, có ở quê nữa đâu. Bốn Mẹ kia thì hai Mẹ có con một hy sinh, một Mẹ hai con hy sinh, một Mẹ cả chồng và con trai hy sinh. Nhìn chung đều loại làng nhàng, không được tiêu biểu như Mẹ gì trong kia những 9 con hy sinh cơ.

– Tôi nghĩ ra rồi. Xây nhà lưu niệm hay là Đền và dựng tượng đồng chí Thành. Đồng chí vào Đảng năm từ năm 1935, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện từ năm bốn nhăm (1945), sau này bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo rồi chết ở đó. Có Đền rồi, hàng năm ta tổ chức thật linh đình Lễ tưởng niệm đồng chí, thu hút khách thập phương đến, cũng hay…

– Hơi vướng đấy. Bố đồng chí Thành hồi cải cách ruộng đất bị quy là địa chủ, đấu tố, rồi xử bắn, nay lập đền thờ con cũng sái lắm. Mà sau này mẹ đồng chí Thành đem con cháu chạy ra Hà Nội, họ có về quê đâu. Anh em, con cháu đồng chí Thành hiện nay toàn đại gia, nhưng mấy lần kêu gọi đóng góp làm đường, xây đình, xây chùa, họ có thèm công đức gì đâu. Thậm chí bảo làm giấy đề nghị công nhận bố liệt sĩ, gia đình có công với nước, họ cũng chả làm!

– Nghe nói Vĩnh Phúc xây Văn miếu mấy trăm tỉ, có mà ăn bẫm. Xã mình ngày xưa cũng có ông gì đỗ Trạng nguyên, có cái lăng toàn bằng đá, dân gọi là Lăng Cụ Trạng. Hồi Sáu nhăm (1965) hợp tác xã đập ra lấy đá nung vôi. Nay ta lập dự án khôi phục Lăng Cụ Trạng và dựng tượng Cụ để khuyến học, khuyến tài, bảo tồn văn hoá truyền thống của quê hương. Trúng quá còn gì.

– Nhưng cái lăng ấy có được công nhận di tích quốc gia đếch đâu mà trên duyệt!

– Ngày xưa ta coi ông ấy là quan lại phong kiến nên đập bỏ, không coi là di tích văn hóa, lịch sử, thì nay ta phải chạy. Chạy là được tất!

– Cái này xem ra cũng có cơ sở. Nhưng chạy từ huyện, tỉnh lên Bộ cũng mệt đấy.

– Này, Thành hoàng làng Phú Cường được sắc phong là Tiết tháo Đại Vương, nghe nói Ngài là một tướng quân dưới trướng Hưng Đạo Đại Vương, góp sức đánh tan quân Nguyên xâm lược. Trận cuối cùng Ngài hy sinh, xác dạt vào bờ sông Cái, một đêm mà tổ mối đùn lên thành Đống… Nghe nói Ngài thiêng lắm, thu hút khách thập phương đến lễ hội ngày càng đông. Nay ta nâng lên Thành hoàng Xã, dựng tượng và Đền thờ là có lý. Rồi Hội làng hàng năm vào ngày giỗ Ngài, ta nâng lên Lễ hội cấp Xã cho thật hoành tráng. Mà sẵn có tâm linh rồi, ta huy động xã hội hóa cũng nhạy lắm.

– Phương án này hay đấy, nhưng lai rai lắm. Ta cứ nghĩ xem có cái nào ngon hơn, làm nhanh gọn trong nhiệm kỳ này mới ăn thua.

– Tượng đài Bác Hồ! Xã đội trưởng vỗ đùi “đét” một cái – Có thế mà không nghĩ ra. Cái hồi năm Sáu nhăm (1965), Bác đi xe về tỉnh làm việc, tiện đường ghé xuống cánh đồng Gáo thăm bà con Hợp tác xã thôn ta đang gặt lúa. Bác cầm bó lúa trên tay hỏi chuyện mùa màng với bà con. Hơn chục xã viên xúm lại. Bà Vạy rót bát nước vối ra mời Bác xơi, Bác khen nước vối vừa mát vừa thơm… Dựng tượng Bác Hồ thì bố thằng nào dám phản đối…

– Cái đó trên tỉnh ẵm mẹ nó rồi! Mấy tháng trước Ban liên ngành do sở Văn Hóa dẫn đầu đã về khảo sát rồi. Nó bảo tuy Bác về thăm một làng, nhưng thuộc tỉnh ta. Tượng Bác phải dựng ở quảng trường tỉnh, cao 6 mét, cộng với các công trình phụ trợ, dự trù nghìn tỷ đồng. Xã mình bằng cái lỗ mũi, đọ sao được với tỉnh mà đòi dựng tượng Bác!

– Nghìn tỉ! Chúng nó ăn vào đâu hết! Nhất định xã mình cũng phải đấu tranh để có phần trong đó chứ!

– Tớ cũng nói với giám đốc sở Văn Hóa cái ý ấy rồi. Tay ấy bảo, yên tâm. Cái phần thuyết minh nhân chứng lịch sử trong hồ sơ dự án là phải nhờ địa phương rồi…

Vừa lúc đó bà chủ nhà tiếp thêm đồ nhắm bằng mấy đĩa dồi chó nóng hôi hổi. Ông Hùng vừa rót thêm rượu vừa vui vẻ:

– Đề nghị các bác, các chú nâng chén đã, chuyện tượng đài trước sau gì xã ta cũng phải có. Bây giờ uống đã! Nào trăm phần trăm!…

Tượng đài của xã Đại Phát thế nào rồi cũng có. Vì một khi Đảng ủy đã nhất trí đưa vào nghị quyết, dám nghĩ, dám làm thì chủ trương biến thành quyết tâm chính trị, được toàn hệ thống chính trị triển khai, sẽ thành “ý Đảng – Lòng dân”, khó mấy cũng thành công. Nhất định xã Đại Phát sẽ có tượng đài. Xã ta lại tự hào đi đầu phong trào. Rồi khối xã cơm đùm cơm nắm đến tham quan học tập cho mà xem./.

- Quảng Cáo -