Bình Phương (SGN)
Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy đã tổ chức một loạt cuộc họp được dàn dựng cẩn thận với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) bất chấp Trung Quốc hung hăng đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng quân sự quanh đảo quốc tự trị này.
Các cuộc họp đã diễn ra vào hôm nay thứ Tư 5 tháng Tư 2023 tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, California nhân sự kiện bà Thái quá cảnh tại Los Angeles trên đường trở về Đài Bắc sau chuyến công du các nước Trung Mỹ.
Cuộc gặp ông McCarthy, người có vị trí thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống Hoa Kỳ, là cuộc tiếp đón cấp chính phủ cao nhất mà một tổng thống Đài Loan từng được hưởng trên đất Mỹ tuy chưa bằng một cuộc diện kiến với tổng thống Mỹ. Nhưng đây cũng là một bước nhân nhượng của Chủ tịch McCarthy, người đã hứa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ rằng nếu được bầu làm Chủ tịch Hạ Viện, ông sẽ tới Đài Loan để gặp bà Thái nhằm thể hiện sự thách thức đối với Trung Quốc. Thay vì vậy, ông đã tiếp nhà lãnh đạo Đài Loan ngay tại tiểu bang nhà của ông, một lựa chọn được cả Washington và Đài Bắc coi là ít rủi ro hơn.
Người tiền nhiệm của ông McCarthy, bà Nancy Pelosi (Dân chủ – California), đã đến thăm bà Thái ở Đài Bắc vào năm ngoái khi còn là Chủ tịch Hạ viện, bất chấp những lời cảnh báo của Tổng thống Biden và để lại một cuộc khủng hoảng trong khu vực. Ông McCarthy (Cộng hòa – California) thường xuyên tố cáo ông Biden không đủ cứng rắn với Trung Quốc, đã tận dụng cuộc gặp này để củng cố thái độ đối đầu với Bắc Kinh và lưu ý rằng ông không loại trừ khả năng sẽ đến thăm hòn đảo này vào một thời điểm nào đó trong tương lai .
“Tôi là Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Trung Quốc không thể bảo tôi có thể đi đâu và nói chuyện với ai,” ông McCarthy nói với các phóng viên sau cuộc họp.
Cả Hoa Kỳ và Đài Loan đều đang cố gắng cân bằng giữa mong muốn củng cố mối quan hệ của Đài Loan với Hoa Kỳ với mong muốn tránh thúc đẩy các cuộc xâm lược quân sự hung hăng từ Bắc Kinh. Trong cuộc gặp với các nhà lập pháp Mỹ, bà Thái nói rằng “Chúng tôi sẽ không hành động liều lĩnh, nhưng chúng tôi cũng sẽ không cho phép mình bị bắt nạt,” theo lời thuật của Dân biểu Ritchie Torres (Dân chủ – New York) trong phái đoàn lưỡng đảng tham gia các cuộc họp với bà Thái cùng ông McCarthy.
Bà Thái ca ngợi các thành viên Quốc hội Mỹ đã tiếp đón bà đồng thời nói thêm rằng điều đó nhằm “bảo đảm với người dân Đài Loan rằng chúng tôi không bị cô lập và chúng tôi không đơn độc.”
Trung Quốc chưa bao giờ chiếm được hoặc đặt được sự cai trị của đảng Cộng sản lên đảo quốc Đài Loan nhưng vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ mà Bắc Kinh sẽ thâu tóm, có thể bằng vũ lực nếu cần. Về phía Đài Loan, chính phủ Đài Bắc tuyên bố tương lai của đảo quốc phải do 26 triệu người dân Đài Loan quyết định.
Trung Quốc đã lên án cả Hoa Kỳ và Đài Loan về chuyến thăm của bà Tsai bằng một thứ ngôn ngữ hiếu chiến, mặc dù họ không đưa ra bất kỳ phản ứng quân sự cụ thể nào. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo rằng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) “luôn duy trì cảnh giác cao độ, cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, đồng thời cho biết họ phản đối “lãnh đạo khu vực Đài Loan ngả theo Hoa Kỳ dưới bất kỳ danh nghĩa nào hoặc vì bất kỳ lý do gì”.
Một ngày trước khi diễn ra cuộc hội đàm McCarthy-Thái Anh Văn, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã gửi cho văn phòng Chủ tịch Hạ Viện một lá thư dài bốn trang, đầy những lời đe dọa: “Tôi phải chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ không ngồi yên trước hành vi gây hấn trắng trợn và chắc chắn sẽ có hành động cương quyết và cần thiết đáp lại tình huống không mong muốn này… Cựu Chủ tịch Pelosi viếng Đài Loan năm ngoái đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc và [các vị] cần phải học bài học đó,” Lý Tương (Li Xiang), người liên lạc giữa đại sứ quán với Quốc hội Mỹ, viết.
Trong một tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi cuộc họp McCarthy – Thái Anh Văn là hành động “thông đồng giữa Hoa Kỳ và Đài Loan” và cảnh báo Bắc Kinh sẽ “thực hiện các biện pháp cương quyết và mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi vào tháng Tám năm ngoái, Bắc Kinh đã hủy bỏ một số cam kết với Hoa Kỳ về chính sách ngoại giao, quân sự và khí hậu, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận quân sự kéo dài nhiều ngày tại bảy khu vực xung quanh Đài Loan.
Ở Hoa Kỳ, cách tiếp cận với Trung Quốc hiện nay được coi là tích cực; hai đảng Dân chủ và Cộng hòa dường như cạnh tranh nhau xem đảng nào cứng rắn với Bắc Kinh hơn. Chính quyền Biden đã hạn chế xuất cảng sang Trung Quốc các vật liệu và công nghệ liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn và các nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc thả một khinh khí cầu do thám bay ngang qua không phận Hoa Kỳ.
Lập trường cứng rắn với Trung Quốc đã được lặp lại bởi nhiều nhà lập pháp có mặt trong các cuộc họp hôm thứ Tư với bà Thái tại Thư viện Reagan – vị tổng thống Mỹ có tinh thần chống cộng quyết liệt, có lập trường đen trắng rạch ròi trong việc đối phó với đồng minh và kẻ thù của Mỹ.
Đáp lại những lời đe dọa hiếu chiến của Trung Quốc, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng hòa – Wisconsin), chủ tịch của một ủy ban mới được thành lập để đánh giá những rủi ro chiến lược do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra, cho biết: “Chúng ta không được sợ hãi. Và Chủ tịch McCarthy và phái đoàn lưỡng đảng có mặt ở đây hôm nay để gửi một thông điệp đơn giản, đó là ‘Chúng tôi không sợ hãi.’”
Mặc dù các tổng thống Đài Loan thường xuyên đến Hoa Kỳ và các thành viên cấp cao của Quốc hội thường xuyên đến thăm Đài Loan trong vài thập niên qua, tốc độ của các chuyến đi của quốc hội đã tăng nhanh kể từ năm ngoái, khi các nhà lập pháp gấp rút thể hiện tình đoàn kết và cam kết làm sâu sắc hơn hợp tác với Đài Loan, trang bị vũ khí cho Đài Loan để chống lại một cuộc chiến tiềm ẩn với Trung Quốc.
Dân biểu Michael McCaul (Cộng hòa – Texas), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện, dự kiến sẽ dẫn đầu một phái đoàn lập pháp lưỡng đảng khác đến Đài Loan và gặp bà Thái vào thứ Bảy.
Đài Loan gần đây đã mất dần các đồng minh dưới áp lực của Bắc Kinh. Không lâu trước khi bà Thái rời Đài Loan để công du Trung Mỹ, Honduras đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để ủng hộ Trung Quốc.
Trong thời gian dừng chân ở New York và California, bà Thái đã tránh đưa ra những bài phát biểu chính trị quan trọng; cuộc gặp gỡ các quan chức như ông McCarthy diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín; bà cũng giữ bí mật về một phiên họp vào tuần trước với Dân biểu Hakeem Jeffries của New York, lãnh đạo đảng Dân chủ trong Hạ Viện; tránh tạo cớ cho Bắc Kinh phô trương sức mạnh quân sự tương tự như chuyến thăm diễn ra sau chuyến thăm của bà Pelosi năm ngoái.
Chuyến thăm của bà Thái diễn ra trong bối cảnh đang có cuộc tranh luận gay gắt ở Washington về cách tăng cường hỗ trợ vận chuyển vũ khí cho hòn đảo và liệu Hoa Kỳ có nên cam kết hỗ trợ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hay không. Năm ngoái, với sự ủng hộ của lưỡng đảng, Quốc hội đã cho phép một chương trình thí điểm kéo dài năm năm để cung cấp cho Đài Loan tối đa đến $2 tỷ cho việc huấn luyện quân sự và mua vũ khí và $1 tỷ hàng năm cho việc mua vũ khí như một sự thể hiện cam kết của Hoa Kỳ giúp Đài Loan duy trì khả năng phòng thủ được quy định trong bộ luật Quan hệ Đài Loan của Mỹ.
Một số nhà lập pháp ở cả hai đảng đã suy đoán rằng bất kỳ thành công nào mà Nga đạt được trong cuộc xâm lược Ukraine sẽ khuyến khích Trung Quốc thực hiện một cuộc xâm chiếm tương tự ở Đài Loan.
Chuyến công du Hoa Kỳ của bà Thái cũng diễn ra khi hòn đảo này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống để chọn người kế nhiệm, vì giới hạn nhiệm kỳ khiến bà không thể tái tranh cử. Trong cuộc tranh cử vào tháng Một 2024, người kế nhiệm bà Thái Anh Văn trong đảng Tiến bộ Dân chủ, đảng tự coi mình là người bảo vệ quyền tự trị của Đài Loan, sẽ cạnh tranh với một ứng cử viên của Quốc Dân Đảng đối lập, đảng ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi những bước đi của Washington và Bắc Kinh trong những tháng tới, bao gồm cả việc liệu Trung Quốc có phản ứng quân sự trước cuộc gặp tuần này hay không.
Nhà nghiên cứu Tôn Vân (Yun Sun), đồng giám đốc Chương trình Đông Á và giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, nhận định: “Vấn đề là Bắc Kinh sẽ thua theo cách nào đó. Nếu họ phản ứng thái quá, họ sẽ thua vì Mỹ sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Đài Loan, và dư luận Đài Loan sẽ càng chống lại việc thống nhất với Hoa Lục. Nhưng nếu họ không phản ứng, điều này sẽ được coi là sự đồng tình.”./.
Leave a Comment