Ông Nguyễn Đức Chung – Anh hùng các lực lượng vũ trang, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, cựu Thiếu tướng Công an nhân dân, cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội, cựu Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội – lại trở thành bị can của một vụ án hình sự nữa. Đây là lần thứ tư ông Chung trở thành bị can.
Ông Chung đã từng bị phạt tù ba lần. Một lần vì “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” trong vụ án liên quan đến Công ty Nhật Cường. Hai lần vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (tạo điều kiện cho công ty của gia đình thắng gói thầu cung cấp chế phẩm hỗ trợ lọc nước cho thành phố Hà Nội và tạo điều kiện cho liên danh Đông Kinh – Nhật Cường thắng gói thầu cung cấp dịch vụ “số hóa” cho thành phố Hà Nội). Ông Chung đang thi hành cả ba bản án với hình phạt được tổng hợp là 12 năm tù.
Trong vụ án hình sự thứ tư liên quan đến chuyện “thổi” giá cây xanh ở Hà Nội gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách, ông Chung tiếp tục bị khởi tố vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án này hình thành từ “chương trình trồng mới, thay thế, bổ sung, chăm sóc cây xanh ở Hà Nội”.
Lợi dụng chương trình vừa kể, nhiều doanh nghiệp của cả nhà nước (Công ty Công viên – Cây xanh Hà Nội) lẫn tư nhân (Công ty Xanh Hòa Lạc, Công ty Phát triển vỉ nhân dân, Công ty Hoàng Anh Phát) đã bắt tay với nhau để buôn lậu cây từ Trung Quốc vào Việt Nam, nâng không giá trị cây, tạo lập hóa đơn – chứng từ giả để hợp thức hóa hồ sơ, dự toán, phê duyệt thanh toán… chiếm đoạt của công quỹ khoảng 30 tỉ đồng. Đến nay, đã có 17 người bị khởi tố về nhiều tội khác nhau và số bị can có thể sẽ còn cao hơn (1).
Tới đây, xin lưu ý, việc tóm lược vụ án “thổi” giá cây xanh ở Hà Nội liên quan đến ông Chung và những cá nhân đã bị khởi tố vì “buôn lậu”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” không nhằm để bàn về vụ án này. Vụ án này chỉ là ví dụ minh họa cho bản chất của thể chế vẫn tự nhận là “của dân, do dân, vì dân”, luôn đề cao “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và sự “đúng đắn” của “báo chí cách mạng”…
***
Năm 2014, chính quyền thành phố Hà Nội phê duyệt “Đề án cải tạo, thay thế cây xanh hai bên đường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014 – 2015”, theo đó sẽ đốn hạ, thay thế 6.708 cây cổ thụ ở Hà Nội nên còn được gọi tắt là “Đề án 6708”. Cuối năm 2014, chính quyền thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện “Đề án 6708” và đến tháng 3/2015 thì việc phản đối đề án này bùng phát thành phong trào có tên “Vì một Hà Nội xanh”. Sự phản kháng mạnh đến mức chính quyền thành phố Hà Nội phải… “tạm dừng thực hiện đề án”.
Điều đáng nói là khi dân chúng Hà Nội yêu cầu Thanh tra Hà Nội phải nhận diện cá nhân sai phạm, xác định sai phạm cụ thể thế nào, chính quyền phải truy cứu và xử lý việc lập – thực thi “Đề án 6708” bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy đó là phạm pháp thì nhiều người tham gia “Vì một Hà Nội xanh” bị quy chụp là “chống chính quyền nhân dân” (2).
Đây là một số thứ đã xuất hiện trên “báo chí cách mạng” hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2015:
– Đầu tiên là Quân Đội Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam ngày 30/3/2015
Đừng “té nước theo mưa”!
Những ngày qua, trong dư luận xã hội cũng như trên báo chí, nhất là báo mạng “nóng” lên câu chuyện chặt cây ở Hà Nội.
Báo chí trước hết là phản ánh dư luận xã hội, tiếp đến và đồng thời là sự thể hiện quan điểm, tấm lòng, cảm xúc của nhà báo trước các sự kiện. Công bằng mà nói, có người vì quá bức xúc nên đã có những suy luận, bình luận chưa thật khách quan, công bằng. Chẳng hạn có bài viết xem vụ chặt cây là “có tổ chức”, là “đô tặc” (phá hoại Thủ đô)… Song, nếu đọc kỹ những bài báo nói trên, cho dù câu chữ, ngôn từ có gay gắt nhưng người ta vẫn thấy được tấm lòng của tuyệt đại đa số người cầm bút với xã hội, với văn hóa, con người Thủ đô.
Thế nhưng, lợi dụng câu chuyện của báo chí trong nước, không ít báo nước ngoài cũng “té nước theo mưa” làm nóng thêm vấn đề. Một số người suy luận, bình luận, thậm chí bóp méo nhằm “lái” những bức xúc, bất bình của người dân sang bôi nhọ cấp ủy, chính quyền, phủ nhận chế độ xã hội XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đồng thời, họ dẫn dắt tình cảm, suy nghĩ của mọi người đến mô hình xã hội “dân chủ đa nguyên, tam quyền phân lập” ngoại nhập. Họ nói rằng: “Nguyên nhân quan trọng (dẫn đến vụ chặt cây sai lầm) là do sự thiếu vắng các hội đoàn dân sự…”. Có kẻ lại nói: “Muốn bảo vệ môi trường cần phải có… tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “tự do lập hội, lập đảng”… Có kẻ còn trắng trợn nói cần phải thay đổi chế độ xã hội, chế độ đó phải “có nhiều hơn một đảng”…
Không ai phủ nhận việc thực hiện “Đề án thay thế cây xanh ở Hà Nội” có những thiếu sót, nhất là trong quá trình triển khai. Nhưng việc họ suy diễn, tuyên truyền rằng, vụ chặt cây này chỉ là “chuyện nhỏ” còn các dự án “hàng chục tỷ đô-la đã, đang và sẽ được vẽ ra, thông qua một cách khuất tất để lấy tiền dân chia nhau”… Rõ ràng, đó là một thủ đoạn chính trị nhằm kích động những bức xúc của người dân trong vụ việc này nhằm phá hoại chế độ ta. Thậm chí một số vấn đề chẳng có mối quan hệ gì đến chuyện chặt cây xanh cũng được họ đề cập đến như một “giải pháp”. Chẳng hạn từ chuyện cây xanh Hà Nội, họ nói chỉ khắc phục được vấn đề này trong chế độ xã hội “dân chủ, đa nguyên”… Đã quá rõ ràng, với họ, việc bàn luận, “tư vấn” về vụ chặt cây ở Hà Nội chỉ là cái cớ để họ xuyên tạc, bôi nhọ chế độ xã hội, hướng lái những suy nghĩ, tình cảm của người dân vào phủ nhận bản chất của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Nếu khách quan xem xét, “Đề án thay thế cây xanh ở Hà Nội” là một ý tưởng hợp lý, nhất là khi Hà Nội đang triển khai nhiều dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn như: Xây dựng đường sắt trên cao, mở rộng một số tuyến phố… và hằng năm, nhất là vào mùa mưa bão, Hà Nội vẫn còn không ít vụ tai nạn do cây gãy cành, bật gốc… gây thương vong cho người dân… Đáng tiếc là việc nghiên cứu, triển khai đề án này chưa được công khai đầy đủ, kịp thời.
Tuy nhiên, có thể thấy lãnh đạo Hà Nội đã có những quyết định khá nhanh chóng, thẳng thắn khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc. Xin được điểm lại một số quyết định của lãnh đạo Hà Nội: Ngày 20-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định: “Dừng việc chặt hạ, thay thế cây”. Trong quyết định này, Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu cụ thể: “Những cây đã hạ chuyển thì trồng ngay cây thay thế… Chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gãy ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân… Việc chỉnh trang trồng bổ sung thay thế cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng quy trình quy định; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện”. Ngày 23-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp về vụ việc trên. Ngày 25-3, theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố đã quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để làm sáng tỏ vụ việc: “Thiếu sót ở đâu, do ai và biện pháp sửa chữa, khắc phục cụ thể” như thế nào… Trên đây có lẽ chưa phải là tất cả những gì mà cấp ủy Đảng và chính quyền Hà Nội đã và đang làm xung quanh vụ việc nói trên.
Qua diễn đàn báo chí về vụ việc này cho thấy, ở Việt Nam không phải là “không có tự do báo chí, tự do ngôn luận” như nhiều trang mạng đang rêu rao tuyên truyền. Có thể nói, những kẻ suy luận, gán ghép rằng nguyên nhân của những sai trái trong vụ việc chặt cây xanh ở Hà Nội là do chế độ xã hội, là do Đảng Cộng sản “độc quyền” chỉ là thủ đoạn chính trị “té nước theo mưa” rẻ tiền (3).
– Kế tiếp là Hà Nội Mới, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội ngày 2/4/2015
Chuyện thay cây xanh – đừng suy diễn thiếu căn cứ pháp luật!
Câu chuyện cải tạo cây xanh ở Hà Nội bỗng chốc đã trở thành đề tài “nóng” trong dư luận thời gian qua. Thậm chí, sự việc còn bị đẩy đi quá xa so với “mốc” khởi phát, đó là có một số quan điểm cho rằng Hà Nội đã phạm luật, hoặc có ý kiến đòi phải truy tố trách nhiệm hình sự những người có liên quan về các hành vi như “thiếu trách nhiệm”, “cố ý làm trái”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”…
Người Hà Nội yêu cây xanh, yêu thiên nhiên và tất cả chúng ta đều tự hào về một thành phố biểu tượng của màu xanh. Và để Hà Nội mãi giữ được danh hiệu “Thành phố xanh” thì khi thực hiện việc thay thế cây xanh theo quy hoạch rất cần những quyết sách, những tư duy đổi mới để làm thay đổi, để chuyển sang một trạng thái tốt hơn, đẹp hơn, vì lợi ích chung của mọi người. Ở góc độ “phương pháp luận sáng tạo và đổi mới” thì mỗi người chúng ta đều cần suy nghĩ để sáng tạo. Ở đây, sự sáng tạo gắn liền với sự thay đổi, đưa ra cái mới, ý tưởng mới, các phương án lựa chọn mới. Và đôi khi có thể phải chấp nhận mất đi một điều gì đó ở mức độ nào đó để hướng tới cái mới tốt hơn, nhất là khi thành phố ngày càng có nhiều cây mục, rỗng, nghiêng đổ nguy hiểm, nhiều tuyến phố có cây không phù hợp với đô thị…
Trước khi thực hiện việc quy hoạch hệ thống cây xanh, từ nhiều năm trước Hà Nội đã có đề tài nghiên cứu khoa học về cây xanh, trong đó làm rõ những chủng loại cây phù hợp. Từ kết quả của những đề tài này, thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành “Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ” đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2013, UBND TP Hà Nội cũng phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường giai đoạn 2014-2015, giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương thực hiện. Sau quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội, thành phố có quy hoạch về công viên cây xanh và nhiều thiết kế đô thị, tuyến đường, nhiều quy hoạch phân khu được phê duyệt. Dự án này cũng nằm trong khuôn khổ, định hướng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Và lần triển khai thay thế cây xanh gây ồn ào trong dư luận vừa qua chỉ là sự cụ thể hóa những quy hoạch, đề án nói trên,…
Thế nhưng, khi triển khai đã vấp phải sự phản ứng khá mạnh của dư luận, và câu hỏi “vì sao” cũng đã được nhiều người đặt ra. Ở đây, có thể nhìn theo hai hướng. Một là sự bức xúc chính đáng từ chính tình yêu cây xanh của người Hà Nội. Nhiều người cảm thấy bị tổn thương và bỡ ngỡ, không hiểu vì sao ra đường bỗng thấy người ta ào ạt chặt bỏ cả những cây đang xum xuê bóng mát. Người dân đã không có được thông tin sớm và đầy đủ; đồng thời cũng chưa nhận được những lời giải thích thỏa đáng về sự việc, buộc họ phải bộc lộ trạng thái tình cảm một cách quyết liệt. Hướng thứ hai, đó là “phản ứng” từ những cái “đầu quá nóng”, có phần vội vã và thiếu căn cứ. Một số người khác thì tỏ ra “cố tình” không hiểu vấn đề, suy diễn thiếu căn cứ xác đáng. Hướng thứ ba là lợi dụng sự việc để kích động, tập hợp người nhằm mục đích bội nhọ, chống phá chế độ.
Điển hình của hướng thứ hai là suy diễn rằng Hà Nội phạm luật và rồi đòi truy tố một số cá nhân về một số tội danh. Thực chất mục đích của các suy diễn này là gây nhiễu thông tin nên họ cố tình viện dẫn luật một cách thiếu chính xác… Bởi xét trên các căn cứ pháp lý thì việc xây dựng chủ trương, đề án, quy hoạch quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đã được tính toán kỹ, qua nhiều cấp, nhiều ngành, được sự thông qua của Hội đồng nhân dân thành phố, trong đó đã tính toán đến cả giải pháp, cách thức, nhân lực và kinh phí thực hiện thì không thể nói là sự “vô ý” hay “thiếu trách nhiệm” của một cá nhân nào…
Mỗi người trong chúng ta cần nhận thức đúng hơn bản chất của vụ việc để có tư duy đúng và những hành động đúng pháp luật, không gây tổn thương danh dự người khác, và cũng không để kẻ xấu lợi dụng cho mục đích chống chế độ (4).
***
Đã tròn tám năm tính từ 3/2015, nếu thể chế thật sự “của dân, do dân, vì dân”, thật sự đề cao “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và “báo chí cách mạng” đừng giành – giữ sự… “đúng đắn” theo kiểu như vừa dẫn, “Vì một Hà Nội xanh” được đón nhận một cách chân thành, chắc chắn dân không mất thêm 30 tỉ, không có vụ án “thổi” giá cây xanh!
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/RFAVietnam/posts/10153593457209571/
(3) https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/dung-te-nuoc-theo-mua-258332
Leave a Comment