Đã tròn nửa tháng tính từ ngày người Việt biểu tình trước Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ba Lan phản đối nhũng nhiễu (1) nhưng ngoài việc tăng số giờ phục vụ công dân từ sáu tiếng/tuần lên chín tiếng/tuần và thân thiện, niềm nở hơn khi tiếp đồng bào, việc truy cứu trách nhiệm hình sự những nhân viên ngoại giao sử dụng vị thế trong hệ thống công quyền để tống tiền, thậm chí tống tình đồng bào (2), cũng như xử lý Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan (về nguyên tắc, ít nhất phải chịu trách nhiệm liên đới) vẫn dậm chân tại chỗ.
Tại sao những viên chức ngoại giao làm việc trong ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan vẫn “bình an, vô sự” dù có vô số bằng chứng cho thấy họ đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau buộc đồng bào phải “cắn răng, bóp bụng” tìm kiếm, kể cả vay mượn, nộp cho đủ hàng ngàn USD để đứa con mới sinh có hộ chiếu (3)? Tại sao họ có thể nhẫn tâm đến mức bắt chẹt cả những đồng bào từ Ukraine đến Ba Lan tị nạn chiến tranh nên mất sạch mọi thứ và vì vậy hộ chiếu giống như một loại phao cứu sinh để xin tạm cư (4), nhận trợ cấp (5)?
Cũng sắp tròn nửa tháng tính từ ngày RFA đề cập đến thân phận của gần 30 ngư dân Việt Nam đang vất vưởng trên đảo Tanjung Pinang của Indonesia. Sau khi bị hải cảnh Indonesia bắt giữ với cáo buộc “đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia”, những ngư dân này kẹt ở Tanjung Pinang từ ba đến bốn năm vì chi phí hồi hương phải nộp cho ĐSQ Việt Nam ở Indonesia quá cao. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Đông Nam Á, có lúc chi phí hồi hương lên tới 50 triệu đồng/người, giờ, tuy “giá” đã… giảm nhưng số tiền họ phải nộp cho ĐSQ Việt Nam tại Indonesia để được… “hỗ trợ hồi hương” vẫn còn xấp xỉ 19 triệu đồng. Theo tính toán của những người am tường “đường đi, nước bước”, nếu “tính đúng, tính đủ”, không miễn hay giảm lệ phí làm hộ chiếu để di chuyển từ Indonesia về Việt Nam thì tổng chi phí cũng chỉ chừng năm triệu đồng! Nhìn một cách tổng quát, do nghèo, không có đủ tiền để nộp cho… “Quỹ bảo hộ công dân”, gần 30 người Việt đang “chết dần, chết mòn” ở Indonesia (6)!
***
Đã gần 80 năm kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc nhưng thiên hạ vẫn còn nhắc nhau về những viên chức ngoại giao xả thân cho đồng loại. Đó là Chiune Sugihara – Phó Tổng lãnh sự Nhật tại Litva. Tuy là viên chức ngoại giao của một quốc gia trong phe phát xít và không được thượng cấp cho phép nhưng Sugihara vẫn ký – cấp hàng ngàn visa cho những công dân Litva, Ba Lan, Đức, Hà Lan,… gốc Do Thái để họ có thể thoát khỏi châu Âu trước khi quân đội phát xít Đức tràn tới. Người ta không thể xác định Sugihara đã cứu bao nhiêu người Do Thái thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Washington Post ước đoán Sugihara đã cấp khoảng 6.000 visa, cứu mạng tối thiểu 10.000 người… Thế chiến thứ hai kết thúc, do phục vụ nước Nhật, Sugihara bị giam ở châu Âu 18 tháng. Khi quay về Nhật, Sugihara bị loại khỏi Bộ Ngoại giao bởi “bất tuân thượng lệnh” hồi làm việc ở Litva. Sugihara sống lặng lẽ cho đến 20 năm sau – giữa thập niên 1960, những người Do Thái thoát chết nhờ sự giúp đỡ của Sugihara mới tìm ra ông…
Tên của Sugihara đã được ghi vào Yad Vadsem – khu tưởng niệm nạn nhân của Đức Quốc xã ở Israel. Chính phủ Israel đã tặng Chiune Sugihara tước hiệu “Người chính trực”. Israel cũng đã trao tặng quốc tịch Do Thái cho Sugihara và con cháu ông… Khi được hỏi tại sao lại “bất tuân thượng lệnh”, mạo hiểm cấp hàng ngàn visa như thế, Sugihara trả lời rất gọn ghẽ: Họ là đồng loại. Tôi thương cảm cho hoàn cảnh của họ vì vậy họ muốn thì tôi đáp ứng…
Đã có một số viên chức ngoại giao hành xử như Chiune Sugihara trong Thế chiến thứ hai. Chẳng hạn ông Ho Feng San – Tổng lãnh sự Trung hoa Dân quốc (Đài Loan) tại Vienna – Áo. Từ 1938 đến 1940, ông đã cấp visa giúp hàng chục ngàn người Do Thái thoát khỏi châu Âu… Tháng 4/2015 người ta đã đặt biển đồng tưởng niệm Ho Feng Sen ở trụ sở Tổng lãnh sự Đài Loan ở Vienna nay là một phần của khách sạn Ritz Carlton tại Vienna – Áo.
Những câu chuyện về Chiune Sugihara (7), Ho Feng San (8),… đều đã từng được giới thiệu trên báo chí Việt Nam. Không may cho người Việt là họ chỉ có thể cảm phục những viên chức ngoại giao… nước ngoài. Cứ xem cảnh các viên chức ngoại giao Việt Nam lũ lượt dắt díu nhau vào khám vì câu kết bóp cổ đồng bào trong chuyện lập ra và thực hiện các chuyến bay… “giải cứu” đồng bào khỏi thảm họa, hoặc vào các group trên facebook như “Tôi và sứ quán” (9), hay “Uwaga – Người Việt ở Ba Lan” (10) để đọc tâm sự, nhận xét của người Việt xa xứ về các viên chức ngoại giao Việt Nam hẳn sẽ thắc mắc vì sao hệ thống ngoại giao Việt Nam lại trở thành nơi tụ tập của nhiều cá nhân vừa bất lương, vừa bất nhân đến như vậy? Những viên chức đó dẫu khác nhau về giới tính, tuổi tác, nhân dáng nhưng có một điểm chung – tất cả đều được đào tạo tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đều đã hoàn tất… Cao cấp Lý luận chính trị. Phải chăng những Chiune Sugihara, Ho Feng San,… không học… Cao cấp Lý luận chính trị nên mới có thể tôn trọng nhân vị, có thể rung động, đồng cảm và sẵn sàng hành động vì đồng loại?
Tham khảo
(1) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6127378440682487/
(2) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6123731484380516/
(3) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6159382354148762/
(4) https://www.facebook.com/groups/toivasuquan/posts/5913995191983642/
(5) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6112613118825686/
(8) https://tienphong.vn/chuyen-ve-cuu-tinh-an-danh-cua-nguoi-do-thai-trong-the-chien-post799026.tpo
Leave a Comment