Honduras, một quốc gia Trung Mỹ, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào hôm Chủ nhật sau khi cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Đài Loan đã từng có 56 đồng minh ngoại giao khi không còn được Liên Hợp Quốc công nhận vào năm 1971. Con số đó giảm xuống chỉ còn 22 trước khi bà Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống vào năm 2016. Kể từ đó, Trung Quốc đã liên tục sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn sự tham gia quốc tế của Đài Loan.
Mất Honduras có nghĩa là Đài Loan chỉ còn lại 13 đồng minh ngoại giao trên toàn thế giới, hầu hết là các quốc gia nhỏ ở Mỹ Latinh và Thái Bình Dương.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh sử dụng thị trường khổng lồ của Trung Quốc vừa là củ cà rốt vừa là cây gậy để bóc mẽ các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, theo cách tiếp cận mà nhiều chuyên gia gọi là “ngoại giao đô la”. Điển hình là Quần đảo Solomon với dân số khoảng hơn 700.000 người, vào năm 2019 đã chuyển sang công nhận ngoại giao với Trung Quốc khi được Bắc Kinh cung cấp 8,5 triệu USD cho quỹ phát triển.
“Honduras đã yêu cầu Đài Loan viện trợ hàng tỷ đô la và so sánh các đề xuất của Trung Quốc,” theo một công bố của Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu. “Khoảng hai tuần trước, chính phủ Xiomara Castro của Honduras đã tìm kiếm 2,45 tỷ đô la từ Đài Loan để xây dựng một bệnh viện và một con đập, đồng thời xóa nợ”.
Johnny Chiang, một thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Đài Loan nói với CNN gần đây rằng: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành một thách thức rất lớn đối với chính sách ngoại giao của chúng tôi”. Ông cho biết Đài Loan ngày càng chọn cách không theo “chính sách ngoại giao đô la” của Trung Quốc – thay vào đó, ưu tiên nhấn mạnh các giá trị chung, như dân chủ.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn công bố chính phủ của bà sẽ không “tham gia vào một cuộc thi đấu vô nghĩa về ngoại giao đô la với Trung Quốc”.
Quyết định thay đổi quan hệ của Honduras không đáng ngạc nhiên. Tổng thống Honduras Xiomara Castro, một lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, và nhóm của bà luôn có “ảo tưởng” về Trung Quốc và đã nêu vấn đề chuyển đổi quan hệ ngoại giao trước khi bà đắc cử tổng thống vào năm 2021.
Honduras được xem là nơi chết chóc nhất ở Trung Mỹ, đứng hạng thứ tư trên thế giới về tỷ lệ giết người cao nhất vào năm 2023, theo báo cáo của World Population Review. Các yếu tố kinh tế xã hội được xem là động cơ thúc đẩy tỷ lệ giết người ở Honduras, bao gồm định kiến giới, bất bình đẳng xã hội, thất nghiệp, bất ổn chính trị, sở hữu súng (hơn một nửa số vụ giết người được thực hiện bằng súng) và đặc biệt là các băng đảng, tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy.
Trong khi đó, Đài Loan được xếp hạng cao nhất về tự do công dân ở châu Á trong bốn năm liên tiếp, theo báo cáo mới nhất của tổ chức nhân quyền Civicus.
Người Đà Lạt Xưa
Leave a Comment