Quảng Cáo

Trung ương Đảng lại ra Quy định siết chặt đối với báo chí

Quảng Cáo

RFA

Ban Bí thư Trung ương Đảng lại ra quy định kiểm soát truyền thông. Theo đó sẽ phạt nặng đến mức khai trừ Đảng đối với những người đứng đầu cơ quan báo chí duyệt đăng các bài viết bị cho đi ngược Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay phủ nhận vai trò của Đảng.

Phạt nặng nếu đăng bài bất lợi cho Đảng

Hôm 28/2, Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí được Ban Bí thư ban hành.

Quy định mới nêu rõ ba mức độ kỷ luật đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí: Nhắc nhở, khiển trách; Kỷ luật cảnh cáo, cách chức; và Khai trừ Đảng, khi những người mắc phải các lỗi sau:

Lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ bị nhắc nhở, khiển trách khi viết bài, duyệt đăng bài mà thông tin, hình ảnh được lấy từ các hội nhóm, mạng xã hội bị cho là không đúng sự thật…

Mức kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức đối với hành vi duyệt đăng thông tin sai lệch chủ trương của Đảng, pháp luật hoặc không chấp hành chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về thông tin tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Trên thực tế, một đơn cử có thể nêu ra là về cuộc chiến Nga – Ukraine, báo chí Việt Nam chưa bao giờ sử dụng từ “xâm lược” khi nói về hành vi Nga tấn công quân sự vào Ukraine; hay một ví dụ khác là báo chí Nhà nước cũng chưa bao giờ đăng tải các thông tin về việc Chính phủ Trung Quốc vi phạm nhân quyền, điều mà truyền thông quốc tế vẫn thường xuyên đưa tin lên án Chính quyền ông Tập.

Đặc biệt, hình phạt nặng nhất là khai trừ Đảng khi các lãnh đạo cơ quan báo chí cho đăng bài về nội dung phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng…

Nhà báo Ngọc Vinh, từng có hơn 20 năm công tác tại tờ báo Tuổi Trẻ cho biết thật ra nội dung văn bản này không mới. Luật Báo chí 2016 nghiêm cấm tất cả những điều nêu trên. Dù trong Luật Báo chí không quy đinh chế tài cụ thể, tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp tổng biên tập các tờ báo bị kỷ luật:

“Trước đây, Đảng đã từng chế tài nhiều tổng biên tập báo vì nội dung này. Gần nhất là anh Lê Hoàng của báo Tui Trẻ và anh Nguyễn Công Khế của Báo Thanh Niên. Hai anh bị mất chức cùng lúc trong vụ đưa tin tường thuật, được cho là có một số nội dung sai sự thật, trong vụ PMu 18.”

Lãnh đạo cơ quan báo chí phải là Đảng viên

Quy định mới được ban hành còn quy định rõ cơ quan chỉ đạo báo chí ở Trung ương là Ban Tuyên giáo Trung ương; ở địa phương là ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ.

Người được bổ nhiệm làm lãnh đạo các cơ quan báo chí phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ít nhất hai năm. Trường hợp đặc biệt, do cơ quan chỉ đạo báo chí xem xét, quyết định.

Người đó phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có trình độ lý luận chính trị cao cấp (không bắt buộc đối với cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo), và không đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp tại một cơ quan báo chí.

Nhà báo Ngọc Vinh cho biết, lâu nay, chức Tổng biên tập hoặc lãnh đạo cơ quan báo chí được Đảng các cấp bổ nhiệm, thông qua cơ quan chủ quản của tờ báo, qua Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin & Truyền thông. Những người này có thể không phải là nhà báo nhưng buộc phải là Đảng viên:

“Như một số Tổng biên tập của Báo Tui Trẻ lâu nay chẳng hạn, họ là cán bộ lãnh đạo thành đoàn TPHCM đưa về, không phải nhà báo và cũng không có nghiệp vụ báo chí. Trường hợhai Tổng biên tập Báo Thanh Niên mới đây thì khác, cả hai anh đều là nhà báo từ phó tổng được đề bạt lên Tổng biên tập.”

Theo ông Vinh, bởi Tổng biên tập là người do nhà nước chỉ định, do đó, họ phải chấp nhận các định chế nêu trên vì nó dành chung cho tất cả các ngành hay giới chức chính quyền, chứ không riêng gì báo chí:

“Ví dụ như quy định về nhiệm kỳ, trước đây, ngay cả Tổng Bí thư cũng chỉ được phép ngồi ghế hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, giờ thì Tổng Bí thư được ngồi tới nhiệm kỳ thứ ba thì quy định này lại được đưa ra cho các Tổng biên tập, khiến người ta cảm thấy nó có gì đó sai sai.”

Báo chí không thể trung thực nếu bị định hướng

Ông Nguyễn Vũ Bình, từng làm việc tại Tạp chí Cộng sản cho rằng Quy định này nhấn mạnh mức chế tài đối với các hành vi phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin là bởi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn trung thành với tư tưởng này, và rằng Đảng đang muốn nắn cho báo chí đi đúng định hướng:

“Quy tắc hoạt động của Đảng là Tập trung dân chủ, nhưng mà vai trò và tiếng nói của người đứng đầu bao giờ cũng quan trọng và ông ấy (Nguyễn Phú Trọng – PV) thì lại tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin thì tất nhiên là ảnh hưởng nó phải lớn rồi.

Quy định này nhằm răn đe những người có tư tưởng mà theo Đảng nói là lệch lạc hay là không trung thành, hay thậm chí là phản động thì để có cơ sở để trừng trị…”

Theo quan điểm của nhà báo Ngọc Vinh, quy định về việc báo chí không được phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng là điều hợp lý trong thể chế chính trị hiện nay:

“Tôi thấy cũng hợp lý với tính chất của chế độ độc đảng, đơn nguyên cầm quyền. Nếu quy định này khác đi thi thì Việt Nam đã có tự do báo chí – mà bạn biết đó là điều  không thể.

Rõ ràng, báo chí Việt Nam hoạt động dưới sự cầm tay chỉ việc của đảng lâu nay, việc hạn chế của nó để phát triển xã hội công dân là rõ ràng.”

Tóm lại, theo kinh nghiệm làm báo của mình, ông Vinh có biết những tờ báo lớn ở Việt Nam hiện nay hầu hết trực thuộc thẳng các cơ quan Đảng hoặc chính quyền. Điều này khiến báo chí không thể có tiếng nói trung thực, khách quan được.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux